Thông tin này được tờ Washington Post dẫn nguồn tin Hải quân Mỹ cho biết, hiện dự án này vẫn trong giai đoạn nghiên cứu nhưng các kỹ sư đã thu được nhiều công nghệ hiện đại cho phép khắc phục những trở ngại với hệ thống tự động dưới nước, gồm tác động tiêu cực của nước muối và áp suất.
Trong tương lai, các phương tiện UUV có thể di chuyển không cần sự điều khiển trực tiếp từ xa, với "mục đích là tạo ra hệ thống cho phép các phương tiện ngầm hoạt động dưới nước trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm".
Dù Mỹ tuyên bố chương trình UUV hiện vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, tuy nhiên theo hãng tin RT của Nga, Tập đoàn Boeing của Mỹ đang hoàn thành thử nghiệm với chiếc UUV Echo Voyager có khả năng hoạt động liên tục nửa năm liền.
Nguyên mẫu Echo Voyager Mỹ phát triển.
Nhà sản xuất cho biết, chiếc Echo Voyager dài khoảng 15m và sử dụng hệ thống nhiên liệu điện hybrid, cho phép có thể tự sạc điện và hoạt động liên tục dưới biển trong vòng ít nhất là nửa năm. Điểm đặc biết của Echo Voyager là nó có thể hoạt động mà không cần tàu hỗ trợ trên mặt nước.
Boeing tiết lộ, Echo Voyager có khả năng lặn ở độ sâu khoảng 3.350 m dưới mặt nước biển, Echo Voyager là tàu ngầm tự hành triển vọng nhất của Boeing cho đến nay.
Lance Towers, chuyên gia của Boeing, cho biết: "Echo Voyager có thể thu thập dữ liệu dưới biển trước khi ngoi lên mặt nước và truyền thông tin trở lại cho người sử dụng trong môi trường gần như thời gian thực". Theo kế hoạch, Echo Voyager sẽ lần đầu được thử nghiệm là trong mùa Hè 2016, Lance Towers cho biết thêm.
Trước khi chương trình phát triển Echo Voyager được công khai, hồi tháng 8/2016, lần đầu tiên một chiếc UUV đã được Hải quân Mỹ phóng thành công và quay trở về tàu ngầm USS North Dakota an toàn.
Đây là một bước tiến quan trọng của Hải quân Mỹ sau nhiều năm thử nghiệm UUV, đồng thời khiến cuộc đua về UUV trên thế giới nóng lên. UUV này có tên gọi REMUS 600, có trọng lượng 227kg và chiều dài 3m.
Trong cuộc thử nghiệm này, UUV REMUS 600 đã được phóng đi từ phần module nằm trên đỉnh của tàu ngầm USS North Dakota, mà phía Hải quân Mỹ gọi là "ca-bin nổi" (DDS).
Sau khi được phóng đi, REMUS 600 đã quay trở lại tàu trong sự vui mừng của các thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về vụ phóng REMUS 600 không được các quan chức Hải quân Mỹ tiết lộ nhiều ngoài "cặp đôi" làm nên chiến công lịch sử là UUV REMUS 600 và tàu ngầm USS North Dakota.
Để tham gia cuộc đua với Mỹ, Nga cũng đang đầu tư mạnh vào chương trình phát triển UUV, trong đó có chiếc Concept M. Tuy nhiên, trong khi Echo Voyager của Mỹ có thể hoạt động ở độ sâu trên 3.000 m thì chiếc Concept M của Nga khiêm tốn hơn nhiều với độ sâu tối đa đạt được là 1.000m.