Nhiều bất cập
Xung quanh bài viết “Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên: Bán nước thô, thu tiền tỷ” (đăng trên Báo GD&TĐ, ngày 17/10) chiều 6/11, ông Vùi Văn Nguyện Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Điện Biên đã có cuộc trao đổi với Báo GD&TĐ để làm rõ một số thông tin liên quan.
Ông Nguyện cho biết: Trước kia, khi Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên (Công ty Nước Điện Biên) chưa đầu tư, khai thác tại Mường Nhé, nguồn nước sinh hoạt ở đây rất khan hiếm. Việc đầu tư đường ống dẫn nước từ suối về dùng trong sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Công ty Nước Điện Biên đầu tư hệ thống đường ống, đồng hồ... dẫn nước về cho dân sử dụng nên phải thu phí là điều dễ hiểu.
“Tất cả các tiêu chí trong thông tư hướng dẫn (cách tính giá –PV) áp dụng cho nước sạch. Song thực tế, nước mà người dân ở huyện Mường Nhé sử dụng lại không phải là nước sạch nên chúng tôi mới phải chú thích là “nước tự chảy”. Rõ ràng đây đang là một bất cập. Thế nhưng nếu không lấy đó làm cơ sở thì sẽ không thể ban hành được giá nước riêng cho khu vực Mường Nhé”, ông Vùi Văn Nguyện chia sẻ.
Trước đó, ngày 5/11, Báo GD&TĐ đã làm việc với đại diện Sở Tài chính và Sở Xây dựng, hai cơ quan trực tiếp tham mưu giúp HĐND, UBND tỉnh Điện Biên thông qua và ban hành Quyết định phê duyệt giá tiêu thụ nước sạch hàng năm trên địa bàn tỉnh.
Cả hai Sở trên đều cho biết việc tham mưu, giúp UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt giá tiêu thụ nước đều dựa trên các căn cứ pháp lý; đáng chú ý là Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của Liên Bộ: Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn; Thông tư số 88/20012/TT-BTC ngày 28/5/2012 của Bộ Tài chính về việc ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt.
|
Có sự nhầm lẫn?
Bà Đàm Thanh Vân, Trưởng phòng Quản lý giá Sở Tài chính cho biết, hiện tại đối với công trình cấp nước tại huyện Mường Nhé vẫn chưa được áp dụng tính tỷ lệ khấu hao mà chỉ tính và phân bổ nguồn vốn để sửa chữa, khắc phục đối với những hư hỏng nhỏ từ những hạng mục Công ty Nước Điện Biên đầu tư. Trên cơ sở hồ sơ sửa chữa, khắc phục sự cố đường ống do công ty này thống kê, đề xuất, Sở Tài chính và Xây dựng cân đối để điều chỉnh giá nước phù hợp, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành mức thu để công ty cân đối nguồn vốn, bảo đảm duy trì liên tục nguồn nước phục vụ nhân dân.
“Nếu cộng cả 12 tỷ đồng, chưa tính tiền lương, hoá chất và các chi phí khác mà phân bổ cho hơn 200.000 m3 nước thôi, giá còn cao nữa. Thôi thì để hoà đồng giá chung, công ty nước phải tự cân đối nguồn vốn ở các địa phương khác trong tỉnh bù vào phần thiếu hụt do giá đối với khu vực huyện Mường Nhé”, bà Vân nói.
Bà Vân cũng cho biết thêm: Về mặt pháp lý thì công trình nước sinh hoạt Mường Nhé (do UBND huyện đầu tư) đã có hồ sơ bàn giao nhưng chỉ là bàn giao để sử dụng, còn thủ tục quyết toán thì chưa tính đến. Công trình nhà máy nước sinh hoạt Mường Nhé, do chưa hoàn thiện đồng bộ nên Sở Tài chính chỉ chấp thuận mức giá dựa trên cơ sở giá trị tài sản bao gồm hệ thống đường ống, đồng hồ đo nước, các chi phí khác thuộc hạng mục do Công ty Nước Điện Biên đã đầu tư, nhưng không trích khấu hao.
Theo tính toán của bà Vân, giá nước sinh hoạt ở Điện Biên có mức chung là 14.130 đồng/m3, giá do Bộ Tài chính quy định là 15.000 đồng/m3. Trong khi mức giá mà UBND tỉnh Điện Biên áp dụng trên địa bàn huyện Mường Nhé mới chỉ bằng 38%(?).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, Quyết định số 1599/QĐ-UBND của UBND tỉnh Điện Biên ban hành ngày 28/12/2016 thì giá nước sạch bình quân trên địa bàn tỉnh là 10.975 đồng/m3. Các địa phương có cùng điều kiện như Mường Nhé được áp dụng mức thu 7.600 đồng/m3, mức thu áp dụng tại Mường Nhé là 5.500 đồng/m3, tương đương 72,3% giá nước sạch ở các địa phương khác.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu có “nhầm lẫn” trong tính toán để tham mưu văn bản? Và với mức giá áp dụng cho nước tự chảy ở Mường Nhé liệu có thỏa đáng?