Ước mơ đi cùng thách thức
Sinh ra và lớn lên tại Điện Biên nên thầy giáo Nguyễn Xuân Thuận quá thấu hiểu những khó khăn mà HS vùng cao gặp phải. Năm 2002 khi ra trường, thầy Thuận khăn gói lên nhận công tác tại Trường THPT Trần Can, huyện Điện Biên Đông.
Đến năm 2005 thì được điều động lên công tác tại Phòng GD&ĐT huyện. Qua việc đi cơ sở các điểm trường, thấu hiểu được những khó khăn của HS ở huyện vùng cao nghèo này thầy Thuận bắt đầu ấp ủ ước mơ về câu chuyện xã hội hóa từ điều kiện thực tiễn ở địa phương. Đến năm 2013, khi được điều động vào huyện Nậm Pồ với cương vị Trưởng phòng GD&ĐT, thầy Thuận thực hiện ước mơ của mình.
Nậm Pồ là huyện biên giới thuộc diện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên, được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Mường Nhé và huyện Mường Chà, với khoảng 5,3 vạn dân, gồm 8 dân tộc anh em sinh sống. Thầy Nguyễn Xuân Thuận cho biết: Năm 2013 khi Nậm Pồ mới được thành lập, toàn huyện có 4/37 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Phần lớn các xã mới tách đều chưa có trường, lớp học riêng biệt, hệ thống trường, lớp học đã bị xuống cấp. Phòng làm việc, phòng bộ môn, nhà ở nội trú, nhà bếp, nhà vệ sinh, sân trường, tường rào của các trường còn thiếu rất nhiều. Để đáp ứng cho năm học 2013 – 2014, toàn huyện cần phải tu sửa, làm mới 163 phòng học, 210 phòng nội trú HS.
“Tiếp nhận một thực trạng như vậy, song song với việc ổn định nề nếp dạy và học thì công tác xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học để thu hút HS đến trường, giáo viên “an cư lập nghiệp”, yên tâm công tác, đáp ứng các tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thật sự là bài toán khó với tôi cũng như với cấp uỷ, chính quyền địa phương” - thầy Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ chia sẻ.
Hiện thực hóa xóa phòng học tạm bợ
HS vui mừng, phấn khởi khi được học trong những ngôi trường khang trang từ nguồn vốn xã hội hoá do thầy Nguyễn Xuân Thuận cùng tập thể ngành GD&ĐT huyện Nậm Pồ kêu gọi |
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc kiên cố hóa trường lớp học, đặc biệt hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, thầy giáo Nguyễn Xuân Thuận với trách nhiệm của mình, đã chủ động trong việc lập kế hoạch để xây dựng cơ sở vật chất theo lộ trình với các hạng mục cần phải làm.
“Chúng tôi thành lập các đoàn công tác đến các cơ sở thường xuyên đôn đốc, triển khai và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp lãnh đạo, xây dựng các phương án ưu tiên phù hợp để hỗ trợ các nguồn lực lồng ghép, trực tiếp lãnh đạo phòng đến làm việc với Đảng ủy, HĐND, UBND các xã để thống nhất cách làm, cách vận động phụ huynh HS, thầy cô giáo hỗ trợ ngày giờ công, vật liệu sẵn có của địa phương như: Góp ván gỗ, cát, sỏi, san nền, dựng nhà... đồng thời những nơi khó khăn thì ưu tiên hỗ trợ làm nhà cột sắt, huy động mọi nguồn lực trong việc hỗ trợ mua cát, sỏi, xi măng...”, thầy Nguyễn Xuân Thuận chia sẻ.
Thầy Thuận cũng cho biết thêm, định kỳ trong Hội nghị giao ban tháng của ngành và qua các đợt công tác tại cơ sở, phòng đã tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên xem lại một số hình ảnh ở các trường đang bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất của trường mình. Từ đó, đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc quyết tâm xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan trường, lớp học; đồng thời đưa ra các hình thức động viên, tuyên dương, phê bình, tư vấn thiết thực nhất cho các đơn vị trường tiếp tục thực hiện.
Cùng với đó, cá nhân thầy Thuận cũng như tập thể ngành đã tranh thủ mọi sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan, các tổ chức, các doanh nghiệp, kết hợp sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước một cách linh hoạt trong việc ưu tiên hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng cơ sở vật chất, huy động tốt các nguồn lực từ địa phương, giáo viên và HS. Đối với các đơn vị thiếu nguồn nhân lực như các đơn vị trường mầm non thì ngành đã thành lập các tổ công tác, đồng thời huy động nhân lực từ các đơn vị trường học khác bố trí giáo viên đến hỗ trợ ngày công.
Thành công ngoài mong đợi
Thầy trò Trường PTDTBT Tiểu học Vàng Đán, Nậm Pồ cùng phụ huynh HS đóng góp ngày công lao động xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học |
Sau 5 năm bền bỉ tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện, thầy giáo Nguyễn Xuân Thuận cùng tập thể ngành GD-ĐT huyện Nậm Pồ đã “gặt hái” được trái ngọt. Thành quả lớn nhất đó là đã có sự thay đổi về nhận thức trong nhân dân cũng như trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, HS. Kết thúc năm học 2017 - 2018, toàn huyện đã tu sửa và dựng mới được 318 phòng học, phòng làm việc theo hướng kiên cố hoá và mô hình 3 cứng.
Đã có 375 phòng nội trú HS, 21 bếp ăn tập thể, 49.329 mét vuông sân bê tông, 23.000m tường rào, 31 sân khấu nhà trường, 105 nhà vệ sinh tại các cơ sở trường học được làm mới bằng những tình cảm chân thành nhất.
Đã có trên 12 tỷ đồng được đóng góp của các tổ chức, cá nhân từ sự kêu gọi xã hội hoá của ngành GD-ĐT huyện. Thầy cô giáo và phụ huynh HS cũng đã đóng góp trên 10.000 ngày công lao động và hỗ trợ được trên 1.500 ván gỗ, hơn 5.000 khối cát, sỏi để dựng trường.
Đến năm học 2018 - 2019, huyện Nậm Pồ đã có 20/40 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tăng 16 trường so với thời điểm chia tách, trong đó có 1 trường đạt mức độ II.
Ghi nhận những nỗ lực trong công tác xã hội hoá GD, năm 2017, thầy giáo Nguyễn Xuân Thuận đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp GD-ĐT.
“Tôi cũng không nghĩ quá trình triển khai lại nhanh chóng tạo được sự đồng thuận của cộng đồng như vậy. Việc được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước là nguồn động viên lớn đối với cá nhân tôi cũng như tập thể ngành GD-ĐT huyện nhà, giúp tôi cùng đồng nghiệp có thêm động lực để vượt qua khó khăn trước mắt.
Tất cả những nỗ lực của chúng tôi đều hướng đến mục tiêu giúp cho HS và giáo viên có tâm thế mới, được dạy và học trong những phòng học khang trang, sạch đẹp hơn, duy trì sĩ số HS và nâng cao chất lượng GD toàn diện” - thầy giáo Nguyễn Xuân Thuận vui vẻ nói.