(GD&TĐ) - Một số lãnh đạo các trường ĐH ngoài công lập thường ví von, rằng với quy chế tuyển sinh lâu nay, họ giống như ở chung nhà cùng bố mẹ, được chỉ dẫn, chăm sóc từng li từng tí. Non nớt chập chững những bước đi đầu, rồi trưởng thành, phát triển hơn, cần có những khoảng trời mới cao rộng, suy nghĩ muốn bung ra, muốn được tự lập, tự do làm theo ý mình…
Việc tự chủ của các trường ĐH nay đã được quy định trong Luật Giáo dục Đại học, trong đó đáng chú ý nhất chính là tự chủ tuyển sinh. Kỳ thi “3 chung” không ít lần được đặt lên bàn cân xem xét. Mấy năm trước, nhiều trường ĐH ngoài công lập tha thiết đề đạt được tuyển sinh riêng, bởi họ muốn “nâng cao chất lượng đào tạo”, muốn được giống như ở nước này nước khác, “đầu vào” theo yêu cầu, tính chất đào tạo ngành nghề của nhà trường…
Thi ĐH “3 chung” cơ bản hoàn thành sứ mệnh. Nghị quyết Trung ương 8 nêu rõ việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường. Đây có thể xem là bước đầu tiên để tiến hành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT. Trên cơ sở những đề xuất, phân tích tình hình thực tiễn của nền giáo dục, của các nhà trường, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo qui định về tự chủ tuyển sinh để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Đã đến lúc để các trường ĐH “ra ở riêng” để khẳng định năng lực bản thân.
Dự thảo nêu rõ chuẩn đánh giá ở kỳ thi “3 chung” và chuẩn đánh giá ở các trường tổ chức tuyển sinh là khác nhau. Vậy nên, không thể dùng cả hai thước đo này để xét tuyển thí sinh. Bộ GD&ĐT cũng đã mở cho các trường 2 giải pháp: 1. Các trường phối hợp với nhau làm đề án thi chung và sử dụng chung kết quả; 2. Cho phép tuyển sinh riêng ở từng khoa, ngành và các ngành khác vẫn tuyển sinh theo 3 chung.
Trong một mặt bằng các trường ĐH còn phát triển cao thấp khác nhau, việc đặt ra những tiêu chí, thước đo là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào - chất lượng đào tạo ĐH. Dù đổi mới như thế nào, thi tuyển sinh ra sao, yếu tố chất lượng đào tạo vẫn phải đặt lên hàng đầu. Tự chủ, tự do trong khuôn khổ những quy chuẩn, luật định - Đó là những tuân thủ của mọi công dân, tổ chức, đoàn thể.
Các trường muốn tuyển sinh riêng, đương nhiên chỉ khi nào thấy “3 chung” có những điểm không phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường mình. Bởi vậy, nên mới có phần ngỡ ngàng, khi chính những tiếng nói đòi tự chủ tuyển sinh trước đây nay lại muốn đi hai chân hai dây, vừa tuyển sinh riêng, nhưng khi thiếu chỉ tiêu lại quay sang “3 chung”, nhằm tuyển cho đủ đầu vào; hay dựa vào đề thi chung để đỡ phần phức tạp khâu tổ chức... Chẳng khác gì kiên quyết đòi tự lập, nhưng vẫn lững lờ không muốn ở riêng, ăn riêng mà vẫn nay “gá” bữa cơm, mai “ké” tiền điện nước… cùng bố mẹ vậy!
Muốn tự lập, phải đủ lực và có một quá trình chuẩn bị chu đáo. Không ít trường đề xuất tuyển sinh riêng, chỉ đưa ra đòi hỏi đáp ứng nhưng bản thân nhà trường lại không đủ điều kiện để triển khai thực hiện. Nhà trường tồn tại, phát triển bằng chất lượng thực và tuyển sinh đầu vào là một yếu tố đảm bảo chất lượng. Chỉ có chất lượng đào tạo tốt thì mới có thí sinh nộp đơn thi tuyển. Chỉ có chất lượng đào tạo tốt, doanh nghiệp mới tuyển dụng sinh viên. Và nỗi lo của các nhà quản lý trường ĐH nào đó về việc không có người học, không đủ nguồn tuyển có lẽ không xuất phát từ việc họ tổ chức thi tuyển sinh riêng hay chung.
Học Hải