Bám sát quan điểm này, nhiều nhà giáo đã hướng HS phát huy phẩm chất, năng lực, cập nhật tri thức qua đổi mới, sáng tạo công tác thư viện và văn hoá đọc trong nhà trường.
“Ngày hội gia đình đọc sách” trong trường học
Cô Khuất Thị Hồng Vân
Với tâm niệm, phải luôn đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong cách thức tổ chức hoạt động giáo dục, nhà giáo Khuất Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã trăn trở, tìm tòi sáng tạo những cách làm hay, hiệu quả vừa phù hợp đặc thù của nhà trường, vừa bắt nhịp với xu thế của xã hội.
Theo cô Vân, dạy cách đọc sách là dạy HS tự học, tự phát huy tiềm năng, phát triển toàn diện theo sở thích, nhu cầu của mỗi cá nhân. Nhưng thực tế, hoạt động của thư viện nhà trường chưa phát huy được hiệu quả của sách, HS ngày càng ít thiết tha với việc đọc sách.
Xuất phát từ thực tế ấy, cô Vân bắt tay xây dựng mô hình “Đổi mới công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường THCS”. Nét sáng tạo trong mô hình trước hết thể hiện ở cách huy động các nguồn lực để xây dựng thư viện trong điều kiện nguồn ngân sách của nhà trường còn nhiều khó khăn.
Bằng dự án giàu tính khả thi, cô đã thuyết phục và xin tài trợ từ các đơn vị quân đội trên địa bàn. Kết quả, các đơn vị ủng hộ điều hòa, ti vi, máy hút bụi, giá sách, thảm cỏ trải nền, sách và số tiền trị giá gần 100 triệu đồng. Từ những nguồn tài trợ ấy, nhà trường nâng cấp 1 phòng đọc của HS với cơ sở vật chất, trang thiết bị chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại, thân thiện.
Để tạo hiệu ứng đồng bộ nhà trường - gia đình - xã hội trong việc lan tỏa văn hóa đọc, cô Vân đã chỉ đạo, tổ chức “Ngày hội gia đình đọc sách” với rất nhiều hoạt động mới mẻ, sáng tạo. Trong ngày hội, nhà trường xây dựng những không gian “mở” để gia đình cùng đọc sách. Các thành viên trong gia đình (ông - cháu; bố mẹ - con; anh chị - em) cùng lên sân khấu giới thiệu về cuốn sách mà cả gia đình yêu thích.
Với thông điệp biến những trở ngại, khó khăn thành cơ hội trải nghiệm và học tập một cách sáng tạo, trong những ngày nghỉ để phòng chống dịch Covid-19, cuộc thi giới thiệu sách online với chủ đề “Sách hay nên đọc” được Ban giám hiệu Trường THCS Trung Sơn Trầm phát động. 14 tác phẩm tiêu biểu được đưa vào hệ thống bình chọn trên trang fapage. Kết quả đã có hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ, tạo được sự lan tỏa tích cực.
Cùng với hoạt động giới thiệu sách, cuộc thi trưng bày sách cũng được cô Hồng Vân phát động để phát huy sự sáng tạo của HS. Nhiều ý tưởng hay, độc đáo được thể hiện qua các mô hình trưng bày, thu hút sự chú ý của HS. Thấy được hiệu quả sau một chuỗi các hoạt động của thư viện, không ít gia đình HS tự nguyện ủng hộ để xây dựng thêm tủ sách các lớp với tổng số 261 cuốn trị giá 18 triệu đồng. Các phòng ban trên địa bàn thị xã cũng tặng thư viện nhà trường 168 cuốn sách trị giá hơn 7 triệu đồng.
Cuộc thi “Viết về những cuốn sách yêu thích của em” cũng là hoạt động được tổ chức thường xuyên nhằm trau dồi văn hoá đọc, rèn khả năng viết cho HS; góp phần nâng cao chất lượng môn Ngữ văn để hàng năm nhà trường đều có các HS đạt giải Quốc gia trong các kỳ thi viết thư quốc tế UPU, người anh hùng tuổi nhỏ trí lớn, an toàn giao thông...
Bên cạnh đó, kết quả thi HSG các cấp, kết quả môn Ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10, Trường THCS Trung Sơn Trầm luôn xếp vị trí nhất, nhì trong thị xã Sơn Tây. Với những đổi mới, sáng tạo và hiệu quả trong hoạt động, thư viện nhà trường đã đạt danh hiệu Thư viện xuất sắc từ năm 2018.
Bền bỉ dẫn dắt học trò đến với sách
Em Nguyễn Thị Minh Ngọc
- HS lớp 7A, Trường THCS Tân Hồng
24 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô Nguyễn Thị Xuân Bình, GV dạy Ngữ văn, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Tản Hồng (Ba Vì, Hà Nội) luôn trăn trở trước thực tế hầu hết trường nào cũng gặp. Đó là hiện tượng một bộ phận không nhỏ HS không thích học Văn, sợ học Văn. Câu hỏi mà cô Bình luôn đau đáu là làm thế nào để HS thích học Văn, yêu Văn trong khi mà cả phụ huynh và HS đều có tâm lý chú trọng vào các môn Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ?
Trả lời cho câu hỏi của mình, cô Bình phải nỗ lực không ngừng nghỉ, tích cực nghiên cứu tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp, hiệu quả nhất với từng HS. Cô Nguyễn Thị Xuân Bình bộc bạch: Phát huy toàn diện năng lực, phẩm chất của HS nếu chỉ tập trung, chú trọng vào ngoại ngữ, các môn Khoa học tự nhiên thôi chưa đủ. Những kiến thức khoa học xã hội, trải nghiệm và đặc biệt là tinh hoa văn hóa nhân loại rất cần cho sự phát triển và trưởng thành của các em.
Vì vậy, trong quá trình dạy học, tôi cố gắng khơi dậy hứng thú học, đọc, tìm hiểu kiến thức cho các em. Những thước phim, bài thơ được phổ nhạc, trò chơi vui học, cuốn sách hay… là “mắt xích” kéo gần các em đến với giờ học; làm cho các em thấy giờ học Văn không hề nhàm chán mà ngược lại có tâm thế học tập tốt hơn.
Và để có tư liệu sử dụng thường xuyên trong các giờ dạy, qua các năm cô đã xây dựng một bộ tư liệu Ngữ văn để tiện sử dụng và đồng nghiệp tham khảo. Qua từng bài giảng, cô giúp các em hiểu môn Ngữ văn cũng cần thiết như những môn Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ. Viết một lá đơn xin việc, tham gia một buổi phỏng vấn; viết một bài luận trong hồ sơ du học đều cần có kiến thức của Ngữ văn; những kinh nghiệm có được từ đọc sách, báo…
Theo cô Bình, để có thể học tốt môn Ngữ văn, phát huy năng lực, phẩm chất cá nhân, HS phải thường xuyên đọc sách. Giáo viên cần giúp các em làm quen với việc đọc sách, hiểu được ý nghĩa của sách, biết đến những cuốn sách hay để đọc, để làm phong phú thêm tâm hồn, tình cảm…
Nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho HS, không thể chỉ dừng lại ở hô hào, cô Bình đã sáng tạo ra nhiều cách làm hay: Tổ chức thi Giới thiệu sách trong phạm vi lớp học. Cô Bình nhìn nhận: Nhân viên thư viện nhà trường định kỳ có những buổi giới thiệu sách hay, mới trong thư viện.
Nhưng trong những buổi đó, HS chỉ là người nghe, thụ động tiếp nhận tri thức. Còn khi là người giới thiệu sách, các em phải chủ động tìm tòi, tiếp cận và chọn lọc để có một cuốn sách hay giới thiệu với các bạn. Vì vậy, cô đã khéo léo đưa các em làm trung tâm của hoạt động giới thiệu sách…
Ngoài ra, cô Bình còn xây dựng tủ sách văn học tại gia đình. Trong tủ sách của cô có các tác phẩm trong chương trình các em chỉ được học một trích đoạn; tác phẩm của các tác giả được học trong nhà trường; tác phẩm văn học nổi tiếng trong nước và thế giới, những cuốn tạp chí Văn học tuổi trẻ…. Từ tủ sách văn học của cô mà các em hiểu sâu sắc hơn về các tác phẩm, tác giả, những bài học trên lớp.
Từ phương pháp dạy học đổi mới, sự bền bỉ mang văn hóa đọc “thấm” đến học trò của cô Bình, nhiều HS của cô đã đạt giải cao thi HS giỏi môn Ngữ văn cấp Thành phố. Trong đó, đội tuyển thi HS giỏi môn Ngữ văn cấp Thành phố của huyện Ba Vì do cô phụ trách năm học 2018 - 2019 có 9/10 em đạt giải, trong đó 3 giải Nhì, 5 giải Ba và một giải Khuyến khích. Năm học 2019 - 2020 có 6/10 em đạt giải, trong đó có cả giải Nhì, giải Ba, giải Khuyến khích…
Cô Nguyễn Thị Xuân Bình chia sẻ: Mong muốn mang sách, văn hóa đọc sách đến với HS của tôi luôn cháy bỏng dù những việc mình đang làm còn rất nhỏ bé, chưa phát huy được như kỳ vọng. Tủ sách còn đơn sơ, chưa có nhiều đầu sách phong phú, HS cũng còn nhiều em chưa mặn mà tìm đến sách…
Nhưng mưa dầm, thấm lâu, tôi sẽ tích góp sách mỗi ngày và nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho HS qua mỗi giờ dạy để nâng tầm văn hóa đọc trong thế hệ trẻ. Bởi đây là một trong những “kênh” hữu ích giúp các em phát huy năng lực, phẩm chất, bắt nhịp với thời đại mới.