Online giới thiệu sách
Trên trang fanpage của Trường THCS Minh Đức (quận 1, TPHCM) lần lượt đăng tải clip giới thiệu về cuốn sách hay cho học sinh. Người thực hiện các clip trên là giáo viên Tổ Ngữ văn.
Theo đó, với mong muốn giúp các em ở nhà mà vui, biến thời gian rảnh trở nên hữu ích, ý nghĩa, từ đó hướng đến việc hình thành thói quen đọc sách, mỗi ngày các thầy cô đăng tải một clip giới thiệu về cuốn sách hay.
“Thời gian rảnh, các con có thể lắng lại tâm hồn mình để cảm nhận tâm tư, tình cảm của những người thân trong gia đình? Để truyền tải rõ hơn về thông điệp này, cô xin giới thiệu cuốn sách trong bộ sách “Hạt giống tâm hồn” có tên “Xin đừng làm mẹ khóc” - của nhiều tác giả. Cuốn sách tập hợp mẩu truyện ngắn, nội dung giản dị nhưng rất sâu sắc nói về tình cảm của cha mẹ dành cho con cái và ngược lại”, đó là lời mở đầu của cô Nguyễn Thị Hoài, giáo viên Ngữ văn (Trường THCS Minh Đức) trong clip của mình.
Tiếp theo là phần chia sẻ của cô Hoài về cảm nhận, trang web trực tuyến để trò đọc online và lời nhắn gửi, “cô tin rằng, qua việc đọc những mẩu truyện hay, ý nghĩa, các con sẽ biết yêu thương, thấu hiểu hơn tình cảm, tâm tư của người thân trong gia đình. Ngoài ra, đọc sách giúp chúng ta có tâm hồn, tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn… trong những ngày học tập tại nhà, những giờ phút thư giãn. Cô mong rằng việc đọc sách của các con sẽ lan tỏa tới mọi người”.
Phía dưới các clip của giáo viên đều có nhiều bình luận, chia sẻ cũng như lượt xem của học sinh nhà trường. Giới thiệu cho trò về cuốn sách hay của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cô giáo Dương Biên Cương, Trường THCS Minh Đức chia sẻ: “Bản thân tôi cảm thấy vui và có ý nghĩa. Bởi việc định hướng cho học sinh đọc những cuốn sách hay là nhiệm vụ của tất cả giáo viên, nhất là với giáo viên dạy văn”.
Bên cạnh phần giới thiệu online của giáo viên về sách, nhà trường khuyến khích tất cả học sinh tham gia, tương tác với thầy cô. Cụ thể, sau khi đọc một cuốn sách hay, các em sẽ chia sẻ cảm nhận bằng nhiều hình thức khác nhau và đăng tải trên trang fanpage của trường.
Bài tập nhỏ, ý nghĩa lớn
Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5) cũng đã có “bài tập” nhỏ cho học sinh toàn trường tham gia khi khuyến khích các em đọc sách và chia sẻ cảm nhận của mình về cuốn sách mình tâm đắc. Bên cạnh đó, trung tâm cũng phát động hội thi trực tuyến Đọc sách trong cộng đồng năm 2020 để thầy, trò tham gia.
“Nhiều em có cách làm sáng tạo, đó là thu âm giọng đọc truyền cảm của mình để chia sẻ về sách và gửi về trường hoặc quay clip, viết tay. Điều này cho thấy, các em đã biến thời gian rảnh trở nên ý nghĩa hơn thay vì lướt mạng xã hội, chơi game… Qua đó, nhà trường mong rằng sẽ dần hình thành thói quen đọc sách, tìm đến những cuốn sách hay để bồi đắp tri thức cho bản thân”, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An cho biết.
Nhằm khuyến khích học sinh tìm đến sách trong thời gian nghỉ học do ảnh hưởng của dịch bệnh, cô Nguyễn Mai Loan, giáo viên Ngữ văn Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình) cũng cho học sinh tham gia cuộc thi nhỏ như cảm nhận về cuốn sách yêu thích hoặc chỉ là một chi tiết đắt giá trong tác phẩm hoặc một nhân vật của bộ phim mà mình ấn tượng. Học sinh cũng có thể chia sẻ cảm nhận về bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống, bày tỏ quan điểm về vấn đề thời sự đang diễn ra.
Trương tự, để lan tỏa việc đọc sách tới mọi người, 21 giờ tối thứ Bảy hằng tuần, TS Phạm Thị Thuý, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (tại TPHCM) đều livestream trên trang cá nhân của mình để giới thiệu những cuốn sách hay cho mọi người. TS Phạm Thị Thuý hi vọng, việc đọc sách sẽ được mọi người duy trì mỗi ngày, kể cả với người bận rộn. Đặc biệt, mỗi bậc phụ huynh hãy làm gương cho con em mình bằng cách đọc sách và cùng con đọc những cuốn sách hay khi có thời gian. Từ đó tạo cho trẻ thói quen đọc sách mỗi ngày.
Trong thời gian tạm nghỉ vì dịch, có nhiều thời gian rảnh nên giáo viên đã khuyến khích học trò tìm đến sách nhiều hơn bằng những bài tập, cuộc thi nhỏ… Qua đó, chúng tôi mong muốn các em duy trì việc đọc sách và tìm thấy nhiều điều thú vị, bổ ích với cuốn sách hay, ý nghĩa. Cô Nguyễn Mai Loan