Tạm dừng hoạt động kéo dài khiến chủ cơ sở vô cùng khó khăn trong xoay xở các khoản chi trả lương cho người lao động và trang bị bổ sung cơ sở vật chất theo yêu cầu phòng chống dịch. Đã có nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập công bố giải thể vì không thể trụ nổi; không ít giáo viên, nhân viên mầm non đã nghỉ, bỏ việc để đi tìm việc làm khác…
Chỉ tính riêng ở Bình Dương - nơi trường tư thục, nhóm lớp độc lập tư thục chiếm trên 70% cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn - tính đến tháng 9/2021 có khoảng 60 cơ sở công bố giải thể. Khi tạm dừng đến trường, dù giáo viên vẫn duy trì kết nối với gia đình và với trẻ bằng kênh liên lạc phù hợp, nhưng sự đứt gãy các hoạt động giáo dục là không thể tránh khỏi; từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Bởi vậy, mở cửa trường học là nỗi niềm mong ngóng tha thiết của các trường mầm non. Công văn 5969/BGDĐT-GDMN của Bộ GD&ĐT ký ban hành ngày 20/12 ghi rõ “… khu vực nào kiểm soát được dịch Covid-19 chủ động báo cáo cấp quản lý giáo dục để trẻ em trở lại trường học…” đã đáp ứng nỗi mong mỏi này.
Các điều kiện hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non cũng được Bộ GD&ĐT quy định chi tiết; từ đó giúp các cơ sở chuẩn bị điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 khi mở cửa trường học trở lại.
Nhưng mừng cũng đi kèm với nhiều nỗi lo, đặc biệt là với cơ sở ngoài công lập; trong đó bài toán khó giải chính là nhân lực. Đội ngũ bình thường đã thiếu, không có nguồn tuyển dụng, nay giáo viên hiện có lại nghỉ, bỏ việc. Như vậy, khi cơ sở hoạt động trở lại, chủ cơ sở sẽ phải đối mặt với thách thức lớn là thiếu giáo viên, nhân viên. Nếu không tuyển dụng kịp thời, cơ sở sẽ không được phép thu nhận trẻ như thời điểm trước khi nghỉ dịch do không bảo đảm đủ điều kiện về giáo viên.
Điều này không chỉ khó khăn cho chủ cơ sở, mà còn khó khăn cho chính các bậc cha mẹ do không có chỗ gửi con, nhất là con em công nhân lao động ở các khu - cụm công nghiệp. Tâm lý lo ngại từ phụ huynh khi cho con đến trường trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp cũng là một vấn đề cần tính đến, mà câu chuyện chỉ 1 học sinh đi học tại Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) là ví dụ nhãn tiền.
Trong điều kiện bình thường mới, việc dần cho trẻ mầm non đi học trở lại là cần thiết, nhưng kèm theo đó buộc phải là việc bảo đảm các điều kiện an toàn. Có được điều này, bên cạnh ý thức và sự tuân thủ quy định của cơ sở giáo dục, thầy cô và gia đình; rất cần có chính sách quan tâm hỗ trợ, nhất là với các cơ sở ngoài công lập để các cơ sở này có thể bảo đảm đủ điều kiện mở cửa trường một cách an toàn.