Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trên địa bàn Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung, hình ảnh những “kiều nữ” (phụ nữ) làm nghề đánh giày không còn xa lạ với nhiều người. Đã có rất nhiều đấng nam nhi vô cùng ngạc nhiên khi nghe lời mời đánh giày không anh… không chú…. từ những người phụ nữ còn rất trẻ tuổi cho đến các bé gái tuổi đời chừng 15-18. Ngược lại, đối với những người phụ nữ cùng giới không ít người đã thốt lên “con gái cũng đi …đánh giày ? ”.
Gian truân kiếm sống…
Hiện nay, trên các tuyến phố ở Thủ đô chúng ta thật dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ làm nghề đánh giày để mưu sinh. Song có lẽ dễ bắt gặp hình ảnh của những phụ nữ này nhất là tại các quán ăn uống, quán cà phê-nhất là vào buổi sáng và buổi trưa. Với một cái túi xách trông rất nhẹ nhàng nhưng bên trong chứa đựng đồ đánh giày từ xi, nước xà phòng hòa loãng, bàn chải, giẻ lau…đó là những thứ đồ của những người đánh giày. Hàng ngày, những người phụ nữ phải dậy từ 4h30 để sửa soạn tư trang để bắt đầu cho cuộc mưu sinh.
Một ngày làm việc của Hương |
Trò chuyện với Hương (quê Tĩnh Gia-Thanh Hóa), một phụ nữ được xếp vào dạng thâm niên (gần 7 năm) hành nghề đánh giày ở Hà Nội quả quyết: Thời đại bây giờ chẳng có nghề gì nam giới làm được mà phụ nữ không dám với tới, kể cả bay vào vũ trụ!!!…Đối với với những nghề lao động phổ thông thường được xem chỉ dành cho nam giới như: lái xe, xe ôm, đánh giày…thì chị em thời nay cũng sẵn sàng làm được hết. Hương còn viện dẫn thêm, hiện nay ở Hà Nội còn có hẳn một hãng taxi nữ (với 100% phụ nữ) cầm vô lăng; còn kiếm một người xe ôm làm phụ nữ trên đường cũng dễ ợt, ví như trên phố Hàng Bè, nhiều chị em tiểu thương chỉ cần đưa tay vẫy sẽ có bác tài tóc dài phóng xe đến.
Một ngày làm việc của Hương bắt đầu từ 5h sáng đã ra khỏi nhà và trở về xóm trọ khoảng 10h. Hương nhẩm tính, bình quân mỗi ngày, Hương và những đồng nghiệp nữ đi bộ khoảng 10-15km để đánh giầy. Địa bàn của Hương thường hoạt động ở khu vực phường Hàng Trống và phường Cửa Đông. Hương kể, nhà nghèo, đông anh chị em (7 người), em là con gái lớn nên 14 tuổi đã nghỉ học để phụ giúp cha mẹ đi đánh cá hay làm thuê tại các bến cá ven biển ở Tĩnh Gia. Làm được mấy năm nhưng chẳng khá giả gì, các em mỗi ngày một lớn nên gia đình lại càng khó khăn. Vì vậy, cuối năm 2003 em theo máy chị cùng quên ra Hà Nội tìm việc làm với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn so với công việc làm thuê tại các bến cá ở quê. Ban đầu, em làm thuê ở quán phở, nhặt rau, rửa bát và bưng bê…mỗi tháng cũng được 800-1 triệu ăn ngủ tại quán. Làm được mấy tháng có người chị cùng quê rủ bỏ công việc chạy bàn để đi đánh giày. Khi đó em rất hoang mang, tại sao phụ nữ lại đi đánh giày? Nhưng rồi em đã bỏ chạy bàn để đi sắm đồ nghề để đánh giày.
Lúc mới đi làm, em xách túi đồ lang thang đến các quán cà phê, quán ăn mời khách đánh giày. Khi đó, những người đàn ông thấy em mời đánh giày và cả những cô nhân viên bán hàng đều trợn mắt kinh ngạc... Nhưng rồi, với đức tính cẩn thận, tỉ mỉ vốn có của phụ nữ, dần dần em đã chinh phục được khách hàng. Mấy hôm đầu bước chân vào nghề, còn nhiều bỡ ngỡ, mặc kệ thái độ của khách em vẫn cẩn trọng lùa đôi dép lê vào chân khách. Mắt họ ánh lên niềm vui khi “lột” được những đôi giày da, dép xăng dan của khách để rồi hì hụi lau, chùi, đánh xi đến khi bóng loáng.
Ở một con phố khác, vừa bước vào cửa quán cà phê “Nghệ sĩ” ở 51 phố Phan Bội Châu, tôi đã bị ánh mắt nhìn chăm chăm vào chân mình của cô gái ngồi ngay mép cửa. Bất giác nhìn lại, tôi thấy bên cạnh cô là chiếc làn màu đỏ, trong có mấy hộp xi, bàn chải, lót giày… Vừa ngồi xuống bàn, cô gái đã hồ hởi cầm theo đôi dép tông và đặt dưới chân tôi và mời đánh giày.
Cầm đôi giày dính đầy đất cát của tôi, cô lặng lẽ ra ngồi một góc lúi húi lau, chùi một cách cầm mẫn. Tôi lặng lẽ đến bên cạnh mà cô chẳng nhận ra. Tôi bấm máy ảnh liên tục, cô cũng chẳng biết có người đang chụp mình. Dường như cô gái đang tập trung toàn bộ trí lực, tâm lực vào việc đánh bóng đôi giày đang ở trên tay mình. Tôi ngồi xuống bên cạnh và hỏi chuyện quê quán. Em sẵn sàng cho biết tên mình là Thúy (quê Hà Nam). Tôi hỏi tiếp: “Em phải đánh bao nhiêu đôi giày mới đủ tiền ăn trong ngày?” Em ngay thẳng đáp: “Phải đánh 2 đôi giày mới mua được một xuất cơm bụi 10.000đ. Ngày ăn 2 bữa chính và một bữa sáng, tổng cộng hết 25.000đ. Phải đánh 5 đôi mới đủ tiền ăn…”
27 tuổi Thúy đã có hai con (một lên 6, một mới lên 3) mà đã có thâm niên 5 năm bám trụ trên phố ở Hà Nội. Thúy kể: Khi đứa con đầu được hơn 2 tuổi, em rời quê Hà Nam lên Hà Nội gia nhập vào đội quân bán báo dạo. Cứ 5h30h sáng, có mặt tại “chợ” báo. Nhặt đủ 20 đầu báo, em cho vào cái kẹp bằng bìa các tông rồi dong duổi hết hàng ăn sáng nọ đến hàng cà phê kia. Chẳng phải mời chào, chỉ cần chìa những tờ báo mà cô được những người trong giới cho biết đó là tờ được nhiều người ưa thích, khách hàng sẽ biết cô muốn gì.
Một hôm em dừng chân ở vỉa hè trên phố Trần Hưng Đạo, thấy một thằng bé đánh giày cũng ngồi ở đó nghỉ cho lại sức. Sau vài câu hỏi, em và nó cũng nhận đồng hương. Thằng bé khoe, có ngày nó kiếm được cả 100.000đ làm em không khỏi ngạc nhiên. Lúc đó, trong lòng đặt ra câu hỏi: Lànm việc gì chứ đánh giày thì mình nhìn thấy nhiều rồi, nó rất đơn giản. Vốn liếng bỏ ra để tậu 4 hộp xi với các màu đen, trắng, nâu, vàng cùng mấy cái bàn chải, lọ cồn và vài đôi lót giày không phải là nhiều. Cũng bởi tính hấp dẫn của công việc đánh giày nên em đã quyết định đổi nghề. Một quyết định mà đến giờ này, cô cho rằng là sáng suốt. Nghe cô nói, tôi bật cười. Niềm vui của cô gái đánh giày này thật bình dị. Ẩn sau vẻ lam lũ, ở cô toát lên vẻ chân quê, mộc mạc. Tôi hỏi: “Có ông khách nào mê gái hai con mà trêu ghẹo không?”. “Em hiểu ý của anh, nhưng em xác định công việc mình làm tuy không mấy cao sang nhưng không để người khác khinh mình được”. Ngày đi đánh giày, tối về phòng trọ ở gần ga Trần Quý Cáp, sáng ra trả chủ nhà 6.000đ, cô lại bắt đầu một ngày lao động mới ở trên hè phố. Một công việc không cao quý nhưng cô cho là không quá vất vả mà thu nhập khá hơn ở quê.
Mưu sinh hè phố lắm âu lo
Đánh giày là một nghề chính đáng không có gì xấu. Những người phụ nữ đánh giày vì mưu sinh lại càng đáng tôn trọng. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay, những người mưu sinh trên đường phố nói chung và những người phụ nữ đánh giày nói riêng vốn nhiều cạm bẫy. Nguy cơ đường phố không chỉ với các bé gái mà còn cả với con trai. Ví như nạn lạm dụng tình dục, bị cướp giật…
Do đặc thù của công việc, nên nhiều người phụ nữ, các cô bé làm nghề đánh giày thường xuyên có mặt ở các tuyến phố, vườn hoa, kể cả những nơi được xem là điểm nóng về tệ nạn mại dâm. Chính vì thế, việc các cô bé mới lớn hơ hớ xuân xuất hiện ở đây làm sao tránh được sự dụ dỗ của má mì. Đấy còn chưa kể việc có những vị khách dùng tiền dụ dỗ các em. So với số tiền vài chục nghìn với 5.000đ tiền công đánh một đôi giày là khoảng cách rất lớn. Ai dám chắc nó không khiến các cô bé này nhớ lời mẹ dặn phải giữ mình trước khi ra thành phố. Và chỉ có ai có bản lĩnh mới giữ được phẩm giá của mình, không sa chân vào đội ngũ bán trôn nuôi miệng dật dờ trên hè phố mỗi khi đêm về.
Chia tay chúng tôi, Hương ngậm ngùi: Ngày Quốc tế phụ nữ đang đến gần, những người phụ nữ nơi thành thị được chồng-con tặng những bó hoa tươi thắm mà mình thèm. Nghĩ về bản mình sao buồn thế! Làm gì có ai tặng hoa hay nhận được những lời chúng mừng nào. Vào những ngày này em vẫn phải tất tưởi mưu sinh để có tiền gửi về quê cho chồng, cho con cái học hành. Nghĩ về những người phụ nữ lam lũ trong việc mưu sinh tôi càng cảm thông, sẻ chia và thật trân trọng nghị lực của họ. Mỗi ai đó, khi xỏ chân vào những đôi giày được những bàn tay phụ nữ này làm cho bóng nhoáng, đừng quên họ.
Phóng sự của Xuân Lộc