Giáo viên tự tạo áp lực cho mình
Cô Ngọc diễn giải, "năng lực của con người như cái lò xo, càng nén càng bật mạnh". Vì thế áp lực đôi khi giúp mỗi người vượt qua giới hạn của chính mình để bật lên, vươn lên một đỉnh cao nào đó. Nhìn theo một góc độ tích cực, tự đặt áp lực cho bản thân có tác dụng thúc đẩy mỗi cá nhân phát triển theo định hướng mà cá nhân đó mong muốn.
"Cần nhìn nhận một cách khách quan, áp lực thành tích trong giáo dục từ đâu mà có, phải chăng từ chính mỗi giáo viên chúng ta. Trường này ganh đua thành tích với trường khác, giáo viên này ganh đua với giáo viên khác.
Nếu mỗi giáo viên, đề cao chuyên môn nghiệp vụ, đề cao hoạt động giáo dục, dành tâm huyết và đam mê cho hoạt động giáo dục mà không vì thành tích, chắc chắn mọi áp lực sẽ rời xa chúng ta và hoa thơm trái ngọt luôn ở cuối chặng đường chúng ta đã bước.
Ở đích đến vinh quang đó là "những đứa trẻ sẽ thành nhân..." - sản phẩm trung tâm và quan trọng nhất của nghề giáo, cao quý hơn mọi thành tích mà mỗi cá nhân đạt được trên quãng đường nghề " - cô Ngọc trao đổi.
Cô Ngọc chia sẻ, từ những cuộc thi giáo viên giỏi. Tôi quan sát thấy các giáo viên đi thi đều rất căng thẳng và áp lực mặc dù Ban Giám hiệu luôn động viên, tạo điều kiện và không hề đặt áp lực về thành tích.
Có những giáo viên mất cả tháng trời chuẩn bị giáo án, dạy thử rất nhiều lần và đến những ngày gần thi thì mất ngủ, sụt cân, thậm chí cứ mỗi lần thi là đau dạ dầy... và chỉ mong kỳ thi qua mau.
Có những giáo viên vì danh hiệu giáo viên giỏi dàn dựng kịch bản, làm sẵn báo cáo và giao cho học sinh đến tiết dạy thì trình bày như một sản phẩm học sinh.
"Câu hỏi đặt ra là tại sao họ căng thẳng và áp lực đến mức tự gây tổn thương thân thể và tổn thương danh dự trong khi không bị áp chỉ tiêu thành tích, không bị ép buộc đi thi mà tự mình quyết định thi hay không thi" - cô Ngọc đặt vấn đề.
Thay đổi tư duy để giải phóng áp lực
Cũng theo cô Ngọc, nếu chúng ta coi trọng mỗi tiết dạy của ta, soạn bài, tìm phương pháp tối ưu cho bài giảng thường xuyên thì đến khi thi có lẽ chúng ta chỉ cần tập trung hơn một chút, tìm hiểu học sinh kỹ một chút để cải thiện kỹ thuật và phương pháp cho phù hợp với đối tượng học sinh thì chúng ta không bị căng thẳng đến vậy.
Nếu chúng ta hạ cái tôi của mình xuống một chút, đừng lấy thể diện cá nhân, thể diện trường, gánh trên đôi vai của mình, mà mang tư tưởng cầu thị: cuộc thi là dịp để học hỏi, trao đổi, thử sức của bản thân mình, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm hay sáng kiến giáo pháp, sư phạm của bản thân... vì một mục tiêu dạy tốt, học tốt. Có như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Theo cô Ngọc, thành tích chỉ là một trong vô số các áp lực tự thân của giáo viên nhưng là vấn đề cốt lõi chi phối các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ, kinh tế và cách ứng xử trong các mối quan hệ nghề nghiệp. Muốn giải phóng áp lực tự thân, giáo viên trước hết phải thay đổi quan điểm và tư duy về thành tích trong giáo dục.
"Vậy mỗi giáo viên khi đứng trước các vấn đề áp lực mà họ đang phải chịu đựng có tự hỏi: Mình là ai (Who), mình muốn gì, mình đã làm gì, mình sẽ làm gì (What), tại sao mình làm vậy (Why) và mình phải làm như thế nào (How)?
Khi trả lời những câu hỏi đó, mỗi giáo viên sẽ tìm lại đam mê của mình, tìm được con đường để đi tới thành công mà không bị áp lực đè nặng. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về chính bản thân mình chứ không ai khác" - cô Ngọc trao đổi.