Đổi mới từ cuộc họp phụ huynh

GD&TĐ - Họp phụ huynh là dịp để các bậc cha mẹ gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm của con, cùng bàn bạc trong việc dạy dỗ con trẻ sau một học kỳ.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cấu trúc “kinh điển” của một buổi họp ở hầu hết trường thường có hai phần: Phần đầu do giáo viên chủ nhiệm phụ trách, trong đó bao gồm nội dung thông báo tình hình chung, thành tích của nhà trường và tình hình học tập, nền nếp của lớp; phần sau là Ban đại diện Cha mẹ học sinh của lớp làm việc, thông báo các khoản cần chi tiêu cho lớp và các con trong các dịp lễ, tết, các hoạt động tập thể để thống nhất một khoản thu gọi là quỹ lớp.

Tình trạng chung của nhiều cuộc họp phụ huynh vẫn chủ yếu chỉ diễn ra một chiều, tức là chỉ có giáo viên truyền đạt còn phụ huynh chỉ biết ngồi nghe. Những nhận xét chung chung kiểu như: “Đa phần các em ngoan nhưng một số còn hiếu động và nghịch ngợm”, “một số em hay nói chuyện trong lớp”, “ Một số em đi học trễ…”, “học sinh A còn yếu, môn Toán chỉ 5,0”…có lẽ, không nhiều thông tin hơn sổ liên lạc điện tử đã có. Đi họp như đi điểm danh, không ít phụ huynh vẫn nói vậy.

Đáng mừng là không phải tất cả các cuộc họp phụ huynh đều tẻ nhạt, hình thức. Trong bức tranh tranh chung đổi mới giáo dục, cũng đã có những cuộc họp phụ huynh đổi mới xuất hiện. Mới đây nhất, tại lớp 10A2, Trường THPT TenLơMan (Ernst Thalmann), quận 1, TPHCM, nhiều phụ huynh, lẫn học sinh và cả giáo viên đã rơi nước mắt vì cảm xúc, thấu hiểu, chia sẻ dành cho nhau ngay trong buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1. Tất cả học sinh lớp đều có mặt sớm, cùng nhau chuẩn bị bánh mì, nước uống để mời ba mẹ, rồi hát những bài hát ghi nhớ công lao, bày tỏ tình yêu với bậc sinh thành.

Thầy giáo chỉ có 5 phút để nói về một số hoạt động trong thời gian tới của trường, của lớp và sau đó nhường quyền chủ trì buổi họp phụ huynh cho 48 học sinh của mình. Từng học sinh lần lượt đứng giữa lớp chia sẻ cho ba mẹ mình biết về kết quả học tập, bản thân đã học được điều gì trong học kỳ qua cũng như những điều mong ước, lời hứa, dự định của các con trong học kỳ tới… Buổi họp đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi đối với gia đình và nhà trường.

Trước đó, ở Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TPHCM, buổi họp phụ huynh trường này cũng được thiết kế thành chuyên đề “Làm bạn với con”. Nhà trường mời chuyên gia tâm lý đến trao đổi, chia sẻ với phụ huynh về những vấn đề, tâm lý của tuổi mới lớn.

Không chỉ lắng nghe, tiếp nhận thêm những thông tin, kiến thức để hiểu con hơn, phụ huynh trực tiếp đặt câu hỏi cụ thể để được tư vấn. Buổi họp tại các lớp, cha mẹ học sinh được tham gia vào các trò chơi cùng giao lưu kết nối giữa phụ huynh khác, kết nối với giáo viên chủ nhiệm. Họ cùng tham gia vào các hoạt động cùng ra phương pháp giáo dục con cái hiệu quả với nhà trường. Một số giáo viên cũng thiết kế chuyên đề trò chuyện trong buổi họp phụ huynh như về “Yêu sớm”...

Mỗi cuộc họp phụ huynh là một cơ hội hiếm để phụ huynh và giáo viên được gặp gỡ, trao đổi, tương tác với nhau một cách thân thiện và hiệu quả nhất. Bởi không phải bố mẹ nào cũng có đủ thời gian để mỗi lần đến đón con lại gặp riêng cô chủ nhiệm và cô giáo cũng không thể lúc nào cũng đủ thời gian để trao đổi riêng với từng phụ huynh. Việc giáo viên đổi mới nội dung buổi họp phụ huynh, lấy học trò làm trung tâm để các câu chuyện, những nhận xét trở nên cụ thể, thiết thực và bổ ích hơn là một tín hiệu đáng mừng trong đời sống học đường.

Tuy nhiên, trách nhiệm nâng chất buổi họp phụ huynh không chỉ thuộc về riêng giáo viên chủ nhiệm, mà phụ huynh cũng cần hợp tác song hành thì sự nghiệp đổi mới mới vẹn toàn. Khi chính phụ huynh là người xác định được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục học sinh thì trách nhiệm của giáo viên cũng đã được san sẻ, tạo nên sự cộng hưởng để mục tiêu giáo dục đạt được ở mức độ tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).