Thầy giáo Vật lý chia sẻ phương pháp dạy học thực nghiệm

GD&TĐ - Với kinh nghiệm 15 năm đứng lớp, thầy Phạm Tuất Đạt - Giáo viên môn Vật lý - Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) bật mí về phương pháp dạy học thực nghiệm.

Thông qua thực nghiệm có thể đánh thức những tiềm ẩn trong trí tuệ của lớp lớp học trò. Ảnh minh họa/internet
Thông qua thực nghiệm có thể đánh thức những tiềm ẩn trong trí tuệ của lớp lớp học trò. Ảnh minh họa/internet

Cùng học sinh trực tiếp trải nghiệm

Tôi đứng lớp với tâm niệm chịu ảnh hưởng nhiều bởi Galile – nhà Vật lý vĩ đại người Ý - ông tổ của khoa học thực nghiệm: “Chúng ta không thể dạy người khác bất cứ thứ gì, chúng ta chỉ có thể hỗ trợ họ tự phát hiện ra điều đó”. Thông qua thực nghiệm tôi rất mong có thể đánh thức được những tiềm ẩn đang ngủ say trong trí tuệ của lớp lớp học trò.
Thầy Phạm Tuất Đạt 

Theo thầy Đạt, nếu học sinh có thể làm được thí nghiệm nào hãy cố gắng cho học sinh trực tiếp tự làm và trực tiếp trải nghiệm thí nghiệm ấy. Giáo viên có thể làm thí nghiệm nào thì hãy cố gắng làm cho học sinh dù chỉ là thí nghiệm để minh họa lại kiến thức.

"Với thí nghiệm dễ, đã có trên Google hay Youtube thì thôi, giáo viên không phải làm biểu diễn nữa, học sinh không phải làm trực tiếp nữa, giáo viên chỉ cần gửi học sinh đường link để học sinh xem thôi là đủ? Nhưng theo tôi đây là sai lầm nghiêm trọng.

Bởi ngoài tri thức Vật lí, giáo viên cần rèn cho học sinh rất nhiều kĩ năng khác nữa. Thậm chí có những hiện tượng Vật lí xem qua tưởng đã hiểu hết, đến khi làm trực tiếp mới nhận thức ra nhiều điều" - thầy Đạt chia sẻ.

Cũng theo thầy Đạt, trên nền những thiết bị được cấp sẵn và những vật dụng dễ tìm kiếm và thiết kế, thầy luôn cố gắng suy nghĩ và phân loại: Bài học nào sử dụng phương pháp thực nghiệm và bài học nào không sử dụng phương pháp dạy học thực nghiệm;

Bài học nào dùng thí nghiệm chứng minh và bài học nào dùng thí nghiệm minh họa; Thí nghiệm nào của học sinh và thí nghiệm nào của giáo viên; thí nghiệm nào làm trên lớp và thí nghiệm nào làm ở nhà; thí nghiệm nào có sẵn trên phòng thí nghiệm và thí nghiệm nào ta có thể thiết kết; Thời điểm nào làm thì nghiệm nào và mục tiêu tương ứng là gì?

"Tất cả những nỗ lực đó tôi dùng để kiểm soát, biến hóa và tạo cảm xúc cho học sinh cũng như tìm được niềm vui cho chính bản thân mình khi đứng lớp" - thầy Đạt trao đổi, đồng thời dẫn giải:

Dùng phần mềm chỉnh sửa âm thanh Wavosaur giúp học sinh: Phân biệt được đâu là tạp âm và đâu là nhạc âm. Đồng thời hiểu độ cao của hai âm khác nhau là do tần số của hai âm khác nhau.

Hiểu độ to của hai âm khác nhau là do mức cường độ âm của hai âm khác nhau và hiểu sắc thái âm thanh của hai âm khác nhau là do hình dạng đồ thị của hai âm khác nhau.

Gieo niềm đam mê và hạnh phúc

Xét trên một diện rộng, không dễ để so sánh hai phương dạy học với nhau bởi tính ưu việt của mỗi phương pháp phụ thuộc rất lớn vào: đặc thù vùng miền, đặc thù bộ môn và luôn biến động theo dòng chảy của thời gian…
Thầy Phạm Tuất Đạt 

Theo thầy Đạt, trong giáo dục có những giá trị chỉ phù hợp với từng thời điểm cụ thể, theo dòng chảy của thời gian có thể không còn phù hợp nữa. Như ngày xưa thầy có thể đánh roi trò bởi nghĩ rằng, như thế là thương yêu trò (yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi). Ngày nay giá trị ấy không còn đúng nữa.

Tuy nhiên trong giáo dục cũng có những giá trị truyền thống sẽ trường tồn với thời gian. Trong Vật lí, thực nghiệm sẽ là yếu tố then chốt vẹn nguyên giá trị từ xa xưa cho đến mãi mai sau.

Lý giải về sự tâm đắc của phương pháp dạy học thực nghiệm, thầy Đạt chia sẻ: "Bản thân tôi là giáo viên Vật lý - một bộ môn khoa học gắn liền với thực nghiệm. Nhờ thực nghiệm, tôi có thể biến một số kiến thức Vật lý xa vời và trừu tượng đối với học sinh trở nên gần gũi và sáng tỏ.

Mặt khác, thông qua thực nghiệm, tôi cảm nhận được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Đặc biệt, những tri thức Vật lý được hình thành bằng con đường thực nghiệm, dường như khắc sâu hơn trong trí não của học trò, như thể đã gieo vào đó những hạt mầm của đam mê và hạnh phúc".

Trong thật nhiều các phương pháp khác nhau của quá trình dạy và học, thật khó để chọn ra một phương pháp ưu việt nhất. Có chăng, trong một bài học cụ thể, với một môn học cụ thể, vào một thời điểm cụ thể và với những học sinh cụ thể…chúng ta có thể ngồi lại, phân tích cho nhau nghe và kết luận: phương pháp này có vẻ phù hợp hơn phương pháp kia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ