Những trăn trở với việc đổi mới phương pháp dạy học
Là một giáo viên luôn trăn trở với nghề, cô giáo Hạnh Nhân nhận ra sự hạn chế của phương pháp dạy học truyền thống khi thầy giảng trò chép và khát khao sự thay đổi. Nhất là trong thời đại công nghệ thông tin 4.0 như hiện nay. Cô tâm sự: “Tình cờ biết đến cô Hiền qua 1 video cô giới thiệu về cách mạng 4.0, rồi biết đến nhóm Dạy học tích cực, MIEE, được tiếp xúc với các giáo viên đi đầu trong đổi mới, mình thấy học sinh của mình thiệt thòi quá. Chúng ở nông thôn nên mọi thứ đều hạn chế. Vì vậy em đã quyết tâm thay đổi, để các em sau này có thể thích ứng với sự chuyển biến của xã hội”.
Đó là động lực để cô mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học Toán của mình hướng đến rèn luyện kỹ năng, sự chủ động và tích cực cho các em. Giờ học toán không còn cứng nhắc nữa mà trở thành “sân chơi” để các em thể hiện mình trong các game với các con số. Từ đó, mỗi giờ học sẽ là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Vận dụng trò chơi vào dạy học Toán
1. Hình thức tổ chức trò chơi được cô Hạnh Nhân vận dụng trong các tiết dạy, đem đến hứng thú học tập cho học sinh và đạt hiệu quả cao.Khi dạy chương II: Số Nguyên (Toán lớp 6),cô vận dụng trong ý tưởng từ game UNO bằng cách thay các quân bài 2; 3; 4... bình thường thành các số nguyên âm và dương ví dụ -12; -3,…
* Luật chơi bộ 1 (Bộ chỉ gồm các con số không có phép tính):
- Hướng 1: Trong phần "Thứ tự trong tập hợp các số nguyên" mình cho học sinh chơi bình thường như ta hay chơi bài tiến lên. Tức là quân lớn hơn chặn được quân nhỏ hơn. Luật chơi được tối giản nó đi cho dễ nhất. không loằng ngoằng như UNO. Trong bộ bài có thêm 1 số quân bài đặc biệt như :
+ Quân bài đảo ngược. Nếu bạn nào đánh ra cây này thì sẽ đảo chiều đánh. Hoặc đảo lại là cây bé hơn sẽ chặn được cây lớn hơn chẳng hạn.
+ Quân bài Skip. Nếu ai đánh ra quân bài này thì sẽ bỏ qua quân bài của người vừa đánh và mình được quyền đánh. Hoặc như nếu có quân này thì người bên cạnh sẽ mất lượt.
- Hướng 2: Trong phần cộng trừ số nguyên có thể chơi như sau: úp hết quân bài xuống. Cây đầu tiên bật lên. Tiếp đó lật tiếp 1 quân nữa. Ai đọc được đáp án trước sẽ thắng cuộc.(Cái này nên chia 2-3 hs/nhóm sẽ tốt hơn). Cứ mỗi lần đọc đúng sẽ ghi đáp án lại ra giấy, nộp lại và cộng điểm.
* Luật chơi bộ 2 (Bộ chỉ gồm các phép tính):
Củng cố phần cộng trừ số nguyên:
- Hướng 1: Chia đều số quân bài cho4 người. có thể tiến hành như chơi bài bình thường. nếu tổng số trên quân bài nào lớn hơn thì sẽ trận đc quân bé hơn.
- Hướng 2: Vẫn là chia bài cho 4 người. Sau khi người đầu tiên đánh ra quân bài thứ nhất. nếu ai có quân bài mà có kết quả phép tính bằng với kết quả phép tính trên quân bài vừa đánh ra thì được cầm lên và ghi vào tờ giấy của mình 2 phép tính trên 2 quân bài có cùng kết quả đó. Cuối buổi nộp lại cộng điểm.
Như vậy, thay cho việc thầy cô viết bài tập về các phép tính như :-1+34; -34-5,... Học sinh cứ ngồi ở dưới và ghi chép. Cô đã thay phần đó bằng cách cho các bạn học sinh chơi trò chơi, vừa thoải mái đầu óc vừa khơi gợi được hứng thú đem lại hiệu quả dạy học cao hơn.
2. Nhưng điều đặc biệt là cô giáo Hạnh Nhân cho rằng nếu chỉ dừng lại ở việc giáo viên làm sẵn game và học sinh chỉ là người chơi thì mức độ phát triển tư duy chưa cao. Cô đã hướng dẫn học sinh tự làm ra sản phẩm của mình và chơi cùng các bạn. Và thông qua hình thức chơi thì các bạn dễ tiếp nhận kiến thức hơn.
Do vậy, học sinh của cô đã tự làm các game riêng để học tập. Dù còn nhỏ tuổi, chưa được học tin học, điều kiện về máy tính chưa có nhưng các bạn học sinh lớp 6B trường THCS Hoằng Giang đã nhiệt tình, hăng hái và hợp tác cùng nhau để tự mình tạo ra các sản phẩm game đầy sáng tạo và đẹp mắt. Sản phẩm các nhóm lớp 6B như sau:
- Nhóm 1: Game maze về số nguyên. Luật chơi: tìm đường đi đúng để đến được đích. Cải tiến 1 chút về bài toán tìm x. Các bạn ấy đã thay "x" bằng kí tự "♡".
- Nhóm 2: Game: Tìm cặp đôi. Luật chơi: Tìm các tấm thẻ bài có cùng kết quả. Ai tìm được nhiều sẽ là người chiến thắng.
- Nhóm 3: Game pumpkin. Luật chơi: ghép các nửa quả bí ngô có phép tính và kết quả khớp với nhau.
- Nhóm 4: xếp hình. Luật chơi: xếp các hình lục giác lại theo đúng hình mẫu cho sẵn sao cho 2 cạnh phải khớp nhau.
- Nhóm 5: Caro phiên bản mới. Luật chơi: úp tất cả các tấm thẻ xuống. Người chơi lần lượt lật từng tấm thẻ lên. Sau đó tính kết quả của phép tính trên tấm thẻ và khoanh vào 1 con số có trên 1 tờ A4 in sẵn. Nếu có 3 lần đánh dấu thẳng hàng thì thắng cuộc.
- Nhóm 6: Game Taboo Toán học. Luật chơi: trên mỗi tấm thẻ có 1 từ khóa và 3 dữ kiện phía dưới. Người chơi phải giải thích để đồng đội nói ra đúng từ khóa trên tấm thẻ mà không được nói ra 3 dữ kiện có trên tấm thẻ.
Những sản phẩm này được cô và trò sử dụng trong tiết ôn tập trên lớp vớiphương pháp hoạt động theo trạm. Mục đích cô Hạnh Nhân hướng đến là rèn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng tìm kiếm thông tin và làm việc nhóm; phát triển tư duy sáng tạo qua việc thiết kế game; và phát triển tư duy phản biện trong quá trình chơi game cho học sinh.
Có thể nói, với hình thức chơi trò chơi, giờ học Toán trở nên thú vị và hấp dẫn hơn bao giờ hết với các em học sinh trường THCS Hoằng Giang .