Mức giảm trừ gia cảnh: Cần điều chỉnh

GD&TĐ - Trong công văn mới nhất trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về nội dung liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong công văn mới nhất trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về nội dung liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh, một lần nữa Bộ Tài chính khẳng định chưa thể điều chỉnh.

Các cơ sở được Bộ Tài chính đưa ra là theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định... số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2023 theo giá hiện hành là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.

Như vậy, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay gấp hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần. Đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Về mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế, theo Bộ Tài chính hiện là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng nếu có 1 người phụ thuộc; 22 triệu đồng/tháng nếu có 2 người phụ thuộc, sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đặc biệt, Khoản 4, Điều 1, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2020 tăng 3,23%; CPI năm 2021 tăng 1,84%; CPI năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25% - biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất là năm 2020 nên chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đã nhiều lần được đề cập đến bởi mức và cách điều chỉnh giảm trừ gia cảnh hiện nay được cho là đã quá lạc hậu và chưa hợp lý. Như phân tích của một đại biểu Quốc hội thì từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân ra đời cho đến thời điểm này, mức so sánh đã khác nhau hoàn toàn.

Chúng ta cần xem xét để sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện tại. Nếu để thêm một vài năm nữa có nghĩa là vẫn tiếp tục kéo dài tình trạng bất hợp lý hiện nay. Ý kiến khác thì cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần căn cứ vào những yếu tố liên quan đến điều kiện sống của người nộp thuế, tình hình thực tế… chứ không chỉ dựa vào mức tăng của CPI. Từ 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng nên mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng theo cho phù hợp…

Theo quy định thì chưa thể sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh. Và rằng mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng và chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.

Tuy nhiên, trong lúc chờ sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính nên trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên mức phù hợp và áp dụng càng sớm càng tốt để mức sống của người dân mỗi ngày một tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...