Bộ Tài chính nêu 2 lý do chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

GD&TĐ - Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay cao hơn mức phổ biến mà các nước đang áp dụng.

Bộ Tài chính nêu 2 lý do chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri 6 tỉnh (Bình Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Tây Ninh) về việc xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và người phụ thuộc, đặc biệt là sau khi tăng lương kể 1/7/2024.

Theo Bộ Tài chính, hiện chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, bởi mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay cao hơn mức phổ biến mà các nước đang áp dụng.

Bộ Tài chính lưu ý, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.

Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 là 4,96 triệu đồng, nhóm hộ có thu nhập cao nhất (gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân 10,86 triệu đồng/tháng/người.

“Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (11 triệu đồng/tháng) hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng từ 0,5 – 1 lần); đồng thời cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay”, Bộ Tài chính thông tin.

Theo Bộ Tài chính, một lý do nữa liên quan tới biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN áp dụng từ ngày 1/7/2023 đã bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 1:

“Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, các mức tăng chỉ số CPI từ năm 2020 đến năm 2023 lần lượt là: 3,23%, 1,84%, 3,15% và 3,25%.

“CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020). Do đó, theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cũng nhắc lại 2 lần nâng mức giảm trừ gia cảnh trong khoảng 15 năm nay, góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế.

Cụ thể, Luật Thuế TNCN áp dụng từ 1/1/2009 quy định mức giảm trừ 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) đối với người nộp thuế; giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng/1 người phụ thuộc.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN áp dụng từ 1/7/2013 đã nâng mức giảm trừ lên 9 triệu đồng/tháng với người nộp thuế; giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng/1 người phụ thuộc.

Và đầu tháng 6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954, nâng mức giảm trừ với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Với mức giảm trừ theo quy định hiện hành, “người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… cũng chưa phải nộp thuế TNCN”, Bộ Tài chính phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.