(GD&TĐ)-Chiều nay (8/3), Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo công bố dự thảo về luật sửa đổi bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, mức chịu thuế sau khi đã giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng có thể lên mức 6 triệu đồng, nâng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 2,4 triệu đồng.
Toàn cảnh họp báo |
Ông Nguyễn Văn Phụng-Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết qua 3 năm thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, các cơ quan chức năng cũng nhận ra một số bất cập. Đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh trong luật năm 2009 đã không còn phù hợp. Luật thuế thu nhập cá nhân hiện quy định mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng, mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Theo dự thảo về luật thuế sửa đổi bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế sẽ được tăng lên 6 triệu đồng/tháng (78 triệu đồng/năm) so với mức hiện hành là 4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 2,4 triệu đồng/tháng (28,8 triệu đồng/năm).
Giải thích của Bộ Tài chính là: mức giảm trừ này đã đảm bảo phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng thu nhập tới năm 2014, không gây khó khăn cho đời sống người nộp thuế; đồng thời phù hợp với biến động về chỉ số giá đến năm 2014. Cụ thể: mức giảm trừ 6 triệu đồng/tháng tương đương 1,7 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014, gấp 3,6 lần mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức (dự kiến là 1.670.000 đồng/tháng), đảm bảo cao hơn mức thu nhập trung bình của xã hội vào thời điểm năm 2014.
Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung gồm 4 vấn đề:
1. Mức giảm trừ gia cảnh:
Theo Điều 19 Luật thuế TNCN thì giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm: giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng; cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng (không hạn chế số người phụ thuộc).
Quy định này nay sửa lại là: mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế 6 triệu đồng/tháng (78 triệu đồng/năm), mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 2,4 triệu đồng/tháng (28,8 triệu đồng/năm).
Theo tính toán của Bộ Tài chính, mức giảm trừ 6 triệu đồng/tháng tương đương 1,7 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014 (cao nhất so với các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng và khá hơn nước ta). Mức này cũng cao gấp 3,6 lần mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức (dự kiến là 1.670.000 đồng/tháng) và đảm bảo cao hơn mức thu nhập trung bình của xã hội vào thời điểm năm 2014.
Với mức giảm trừ gia cảnh này, số người nộp thuế không bị giảm nhiều, đáp ứng được yêu cầu dài hạn là mở rộng diện nộp thuế cùng với tăng trưởng kinh tế và mức tăng thu nhập dân cư.
Dự kiến sẽ có khoảng 70% số người đang nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, 70% số người đang nộp thuế ở bậc 2 sẽ chuyển sang nộp thuế ở bậc 1, các bậc khác cũng tương tự, và dự kiến giảm thu khoảng 8.150 tỷ đồng.
2. Biểu thuế lũy tiến từng phần
Điều 22 Luật thuế TNCN quy định biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh gồm 7 bậc, mức thuế suất thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35%; thu nhập tính thuế làm căn cứ áp dụng biểu thuế là thu nhập chịu thuế sau khi đã được trừ các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp BHXH, BHYT, BH trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia BH bắt buộc và các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo.
Nay sửa lại là: Bỏ bậc thuế suất cao nhất 35%, giữ nguyên các bậc thu nhập tính thuế và thuế suất như hiện hành, theo đó Biểu thuế lũy tiến từng phần còn 6 bậc, thuế suất cao nhất 30%.
Theo phương án này thì các cá nhân có thu nhập tính thuế ở bậc cao (trên 80 triệu đồng/tháng) sẽ được giảm mức điều tiết so với hiện hành. Nếu đồng thời sửa đổi biểu thuế theo phương án này và điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh thì mức điều tiết thuế ở tất cả các bậc đều giảm so với hiện hành, trong đó người nộp thuế ở bậc thu nhập cao (trên 80 triệu đồng) được giảm nhiều hơn.
Nếu thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên 6 triệu đồng (cho mỗi người phụ thuộc là 2,4 triệu đ/tháng) đồng thời sửa đổi biểu thuế như nêu trên thì dự kiến sẽ giảm thu khoảng 9.250 tỷ đồng.
3. Đối với các phạm vi, đối tượng chịu thuế
- Về các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
Điểm b khoản 2 Điều 3 Luật thuế TNCN quy định các khoản phụ cấp, trợ cấp thuộc thu nhập chịu thuế và liệt kê cụ thể các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công, gồm: “các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động, các khoản trợ cấp khác do BHXH chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội”.
Nay bổ sung nội dung vào điều khoản này: “và các khoản trợ cấp, phụ cấp không mang tính chất tiền lương, tiền công khác theo quy định của Chính phủ”. Nội dung bổ sung này nhằm để Chính phủ có thể quy định kịp thời khi có các khoản phụ cấp, trợ cấp mới phát sinh theo quy định của pháp luật khác.
- Về thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
Theo khoản 5 Điều 3 Luật thuế TNCN thì thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm: a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở; c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước; d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.
Để đảm bảo bao quát hết các trường hợp chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung "Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm cả thu nhập từ đổi nhà, đổi đất (nếu có), thu nhập từ uỷ quyền chuyển nhượng nhà, đất mà người được uỷ quyền có đầy đủ các quyền về nhà đất theo quy định của pháp luật" vào khoản 5 Điều 3.
4. Về quyết toán thuế và các nội dung quy định về quản lý thuế
Theo Điều 24 Luật thuế TNCN, cá nhân có thu nhập chịu thuế có trách nhiệm kê khai, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và quyết toán thuế đối với mọi khoản thu nhập theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Theo Điều 10 Luật thuế TNCN quy định xác định thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa tuân thủ đúng chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ mà không xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập chịu thuế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu, tỷ lệ thu nhập chịu thuế để xác định thu nhập chịu thuế phù hợp với từng ngành, nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Để thuận lợi cho người nộp thuế và giảm khối lượng phải quyết toán thuế không cần thiết, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 24 Luật thuế TNCN theo hướng cá nhân có thu nhập chịu thuế có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và quyết toán thuế theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, bỏ các cụm từ “đối với mọi khoản thu nhập” và “về quản lý thuế” tại điểm b khoản 1 Điều 24, đồng thời bổ sung cụm từ “việc quyết toán thuế đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này” vào cuối khoản 3 Điều này.
Mục tiêu của việc sửa đổi thuế thu nhập cá nhân lần này là đảm bảo công bằng điều tiết thu nhập, nâng cao đời sống người nộp thuế, khuyến khích cá nhân gia tăng thu nhập, làm giàu chính đáng.
Hải Minh