(GD&TĐ) - Khi hoa mận, mơ, lê nở trắng cao nguyên Bắc Hà là lúc đồng bào các dân tộc háo hức rủ nhau đi chợ sắm Tết. Họ đi chợ không chỉ mua sắm tết mà còn để ngắm cảnh, chơi chợ, gặp gỡ bạn bè anh em, hỏi thăm chúc tụng. Đặc biệt thanh niên đi chợ tìm và gặp bạn tình…
Mới hơn 4 giờ sang, vợ chồng ông Tráng A Vu và bà Ngải Thị Sáu ở thôn Tả văn Chư đã dạy sướm tấp nập chuẩn bị hàng thổ cẩm mang xuống chợ Bắc hà bán. Đây là công việc quen thuộc đã 4 năm nay của gia đình ông Vu kể từ khi ông nghỉ hưu và cũng là công việc của hang trăm gia đình làm nghề buôn bán thổ cẩm ở chợ phiên Bắc Hà. Công việc thêm bận rộn hơn khi đây đã là phiên chợ xuân, nhiều người đi chợ mua sắm quần áo thổ cẩm mặc tết và buôn bán nhiều mặt hàng hơn các phiên chợ ngày thường. Có lẽ so với các hộ khác, gia đình ông Vu ở xã xa nhất, đi xe máy đèo hàng xuống chợ bán mùa này phải mất hơn tiếng nên gia đình phải dạy thật sớm, đi sơm để đến chợ lúc 7 giờ bày hàng.
Chợ văn hoá nằm ở trung tâm huyện, cạnh suối Tả Hồ và khu hồ sinh thái du lịch Na Cồ đang xây dựng, xung quanh là phố phường nằm trong thung lũng xen lẫn những cánh đồng mận và bốn bề là những đồi mận tam hoa nở trắng rộ, rừng sa mu xanh thắm trông thật đẹp. Đến khi trời sáng, đồng bào vùng cao đã "hành quân" tới trung tâm huyện.
Khắp các ngả đường đông người qua lại, đặc biệt gần cổng chợ, ngày chợ phiên thường nhật, người đông nghịt, ngày chợ tết càng đông đúc hơn, đi bộ vào được chợ phải chen nên không thể mang xe, ngựa vào chợ. Chợ Bắc Hà là điểm chợ hấp dẫn nhất Lào Cai và được đánh giá là 1 trong 3 nơi còn nguyên nét văn hoá nguyên sơ, mộc mạc bản sắc văn hoá dân tộc Mông. Bước qua cổng chợ, bắt gặp đầu tiên là các quầy hàng thổ cẩm, chợ tết phải có đến trên 80 quầy, tạo thành một khu rộng lớn, thơm đặc mùi chàm.
Đây là quen biết, đặt trước ít nhất là nửa năm mới có, chủ yếu là mua cho cô dâu vào ngày cưới. Hàng thổ cẩm thật đa dạng, phong phú, có trang phục thổ cẩm phụ nữ Mông, Thái, Dao, Tày… chủ yếu phục vụ cho khách du dịch. Nổi bật nhất là những quầy hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm dân tộc Mông. Trang phục thổ cẩm; váy áo, trang sức của chị em phụ nữ được dệt từ đay, nhuộm chàm, thêu dệt công phu, rực rỡ sắc màu, hoa văn tinh xảo in trên nền thổ cẩm những bông hoa, chim rừng, con ốc, ong, bướm nhỏ… được thêu dệt, bố trí hài hoà, Tết đến rồi! Cần có thêm quần áo mới nên chị em phụ nữ và khách du lịch tập trung ở khu chợ này rất đông vui. Ở đây bày bán nhiều mặt hàng thổ cẩm gia công và hàng thổ cẩm may, thêu thủ công, chất vải, màu khác nhau hoàn toàn, gia công là hàng vải sợi công nghiệp, bông may bằng máy, nhuộm màu nhân tạo giá rẻ bằng 1/3 - 1/5, hàng thổ cẩm thật làm thủ công bằng sợi đay, nhuộm chàm. Còn bộ trang phục thổ cẩm phụ nữ Mông làm thủ công, giá bán khoảng 2 triệu, đó là chưa kể bạc đính, trang sức khác.
Cạnh khu hàng thổ cẩm là khu chợ rượu nằm nhỏ gọn ở một góc chợ chính. Vừa tới nơi đã cảm nhận mùi hương thơm nồng, cay cay bốc lên từ những vò vại, can rượu. Rượu ngô Bắc Hà nổi tiếng nhất là Bản Phố, đã có thương hiệu trên thị trường được nấu bằng bí quyết gia truyền, nguồn nước lấy từ mạch, khe núi, khí hậu ôn đới mát mẻ cùng men lá hồng mi làm nên thứ rượu trong vắt, tinh khiết thơm nồng.
Vào dịp này, rượu được bày bán nhiều hơn. Trong những du khách đến mua rượu có nhiều người đến từ châu Âu như Nga, Pháp, Anh, Ý… là những nước có khí hậu hàn đới, ôn đới và có nhiều loại rượu ngon, rượu mạnh, nhưng họ vẫn thích đến đây để ngất ngây trong men rượu Bản Phố. Du khách có thể thoải mái đi khắp các quầy hàng thử rượu, người bán cho du khách thưởng thức ngay tại chỗ, ưng ý thì mới mua nên có những du khách khi mua được rượu thì cũng đã ngà ngà say.
Có nhiều người thì đã say hẳn mà không mất xu nào. "Người Mông khoáng đạt, mến khách, tình cảm như chén rượu nồng sâu là thế đó…". Sôi động nhất là khu ẩm thực. Đặc biệt vào buổi trưa khi mà các hoạt động mua và bán gần như đã xong. Khu ẩm thực có đầy đủ các món ăn địa phương, như thắng cố trâu, bò, ngựa, dê và các món ăn chế biến từ thịt lợn đen, gà, phở chua, bánh đúc làm từ bột ngô và phở nóng… Đã từ lâu, Bắc Hà nổi tiếng với món thắng cố ngựa vì thế mà bên những chảo thắng cố những người đàn ông dân tộc Mông tưng bừng trò chuyện, hỏi han tâm sự động viên nhau vươn lên trong cuộc sống, chúc tết…
Chiều tà, chợ dần tan, mọi người vui vẻ rủ nhau về, vẫn không khí sôi động, nhộn nhịp như lúc đi. Trời tối, ánh điện bừng sáng cao nguyên, không khí chuẩn bị tết, mọi người trang trí nhà, gói bánh chưng, giã bánh dày… vừa làm, vừa trò chuyện vui vẻ. Trong câu chuyện của họ chủ yếu là chuyện đi chợ xuân Bắc Hà. Hình ảnh thu nhỏ của ngày xuân, đầm ấm, hạnh phúc.
Bài, ảnh; Tráng Xuân Cường