(GD&TĐ) - Tính đến thời điểm chiều ngày 8/10, mưa lũ đã làm 1 người chết, 1 người mất tích và 1 người bị thương. Có tổng số 539 căn nhà bị sập, ngập, hư hại (Đắk Lắk: 490, Gia Lai: 48, Quảng Ngãi: 01), 210 héc ta lúa và 245 héc ta hoa màu bị ngập, hư hại.
Ba địa phương bị thiệt hại về người gồm, Đăk Lăk: Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Ánh Trầm, 18 tuổi, trú thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, tối 6/10, trên đường đi làm rẫy cà phê qua cầu tạm trên suối Ea Va, bị lũ lớn đổ về cuốn trôi, sáng ngày 7/10 lực lượng cứu hộ đã tìm thấy xác nạn nhân.
Quảng Nam: Ông Đoàn Phước Huệ, sinh năm 1982, trú thôn 7, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, lúc 14 giờ ngày 6/10 khi đi qua sông Nước Là thuộc địa phận thôn 1, xã Trà Mai, huyện nam Trà My, bị nước lũ cuốn trôi, hiện chưa tìm thấy xác.
Bình Định: Anh Trần Văn Hải 30 tuổi, trú thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, khi chằng chống nhà cửa bị té ngã, chấn thương.
Các tàu thuyền neo đậu tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). |
Theo thông tin từ Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung-Tây Nguyên thì hiện nay, lũ ở hạ lưu các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và sông Thu Bồn, sông Ba đang lên chậm; thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn và các sông ở Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, khu vực Tây Nguyên đã đạt đỉnh và đang xuống.
Dự báo ngày hôm nay (08/10), lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và sông Ba tiếp tục lên và đạt đỉnh, sau đó xuống chậm; lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định dao động ở mức dưới mức báo động 1 (BĐ1), khu vực Tây Nguyên dao động ở mức BĐ1- BĐ2.
Hiện các địa phương trong khu vực đang khẩn trường triển khai công tác kiểm tra tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả do bão số 7, mưa lũ gây ra, sớm ổn định sản xuất, sinh hoạt, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh do lũ lụt gây ra.
Tình hình các hồ chứa từ Quảng Bình đến Phú Yên và Ninh Thuận còn ở mức thấp, một số hồ đạt 70 - 80% dung tích thiết kế. Các hồ khu vực Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa đã tích nước từ 80 - 100% dung tích thiết kế; một số hồ đã đầy như Suối Trầu (Khánh Hòa), Đắc Uy (Kon Tum), Đắc Yên (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai); 08 hồ đang xả điều tiết theo quy trình: Định Bình (Bình Định), Cam Ranh (Khánh Hòa), Suối Dầu (Khánh Hòa), Tân Giang (Ninh Thuận), Trà Co (Ninh Thuận), Ayun Hạ (Gia Lai), Ia Ring (Gia Lai), Ea Súp Thượng (Đăk Lăk).
Các hồ thủy điện khu vực miền Trung phần lớn còn thấp hơn mực nước dâng bình thường, một số hồ đang tiến hành xã lũ theo quy trình, thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) đang xả lũ với lưu lượng 3.300m3/s. Nhiều hồ khu vực Tây Nguyên (lưu vực sông Sê San, Sêrêpốk) đã đầy và bắt đầu xả lũ như Ialy, Pleikrong, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A, Buôn Tua Sa, Buôn Kuốp, Srêpôk3, Srêpôk4.
Ban chỉ đạo PCLBTW, UBQG TKCN yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến thời tiết; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban phòng, chống lụt bão (24/24 giờ), kịp thời tham mưu các cấp chỉ đạo xử lý các tình huống mưa, lũ còn diễn biến phức tạp.
Trường Giang