Mùa hoa gạo ở bến sông Châu

GD&TĐ - Bài viết "Mùa hoa gạo ở bến sông" của tác giả Châu Trần Thị Thanh Nga - Giáo viên Trường THPT Nghèn - Can Lộc - Hà Tĩnh.

“Bến sông Châu năm ấy giữa mùa hoa gạo cháy. Từng cánh, từng cánh hoa đỏ tươi rắc đầy lối xuống đò. Phía ga Ghềnh, xa xa ì ùng tiếng bom Mỹ thả. Đạn cao xạ lụp bụp nổ. Từng đám khói tròn đen trắng lẩn vẩn trên nền trời xanh ngắt. Nhịp cầu bị bom đạn đánh sập trơ ở bến sông. Người con gái chèo đò đưa người con trai đi nước ngoài học. Đò ngang bồng bềnh, bồng bềnh. Bỗng máy bay rẹt qua đầu. Người con gái bỏ chèo ôm chặt, nép đầu vào ngực người yêu. Con đò cứ trôi đi, chở hai người lặng im ôm nhau như không hề có chiến tranh, không có cuộc chia li”. Mối tình trong mùa hoa gạo năm ấy đã đi qua những năm tháng chiến tranh. Ngày gặp lại, cô gái từ chiến trường trở về, bến sông Châu còn đó, người con trai năm ấy còn đây nhưng cảnh gặp gỡ sao trái ngang, bẽ bàng.

1.

“Ngày dì Mây khoác ba lô về làng, chú San đi lấy vợ”. Tình cảnh éo le này được thông báo ngay từ câu đầu tiên của thiên truyện. Từ tình huống trái ngang này, nhà văn Sương Nguyệt Minh bắt đầu dẫn dắt người đọc dõi theo mối tình của “Người ở bến sông Châu”. Hiện thực cuộc sống của những con người sau chiến tranh được ngòi bút của nhà văn quân đội miêu tả, khám phá ở nhiều góc cạnh vừa chân thực lại rất tinh tế. Trong câu chuyện tình yêu của dì Mây và chú San, qua giọng kể của Mai - cô cháu gái của dì, vẫn thấp thoáng màu hoa gạo ở bến sông Châu.

“Bến sông Châu năm ấy giữa mùa hoa gạo cháy. Từng cánh, từng cánh hoa đỏ tươi rắc đầy lối xuống đò. Phía ga Ghềnh, xa xa ì ùng tiếng bom Mỹ thả. Đạn cao xạ lụp bụp nổ. Từng đám khói tròn đen trắng lẩn vẩn trên nền trời xanh ngắt. Nhịp cầu bị bom đạn đánh sập trơ ở bến sông. Người con gái chèo đò đưa người con trai đi nước ngoài học. Đò ngang bồng bềnh, bồng bềnh. Bỗng máy bay rẹt qua đầu. Người con gái bỏ chèo ôm chặt, nép đầu vào ngực người yêu. Con đò cứ trôi đi, chở hai người lặng im ôm nhau như không hề có chiến tranh, không có cuộc chia li”.

Mùa hoa gạo cháy năm ấy đã chứng kiến mối tình của đôi trai gái ở bến sông Châu. Chiến tranh làm cho đôi trai gái mỗi người một phương, nhưng hoa gạo bên bến sông Châu còn đó, mối tình ở bến sông Châu còn đây - trong nỗi thổn thức hàng đêm của chàng trai nơi đất khách, “đêm nào anh cũng nhớ đến em, nhớ bến sông Châu”, và trong nỗi da diết của cô gái những ngày ở Trường Sơn, “trang nhật kí nào em cũng viết tên anh”. Bến sông Châu xe duyên cho đôi trai gái, trở thành bến bờ của khát khao tình yêu và hạnh phúc. Sắc đỏ tươi của hoa gạo trở thành màu của tình yêu, đi vào trong tiềm thức, trong nỗi nhớ của hai người sau khoảng lặng chia tay nhau bên bến sông Châu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

2.

Hết chiến tranh, người con gái từ chiến trường về làng, với chiếc ba lô bạc màu và đôi nạng gỗ. Dì Mây đứng ở bờ đê xóm Bãi, gọi ông - “giọng dì nghèn nghẹn lẫn trong ráng chiều, lúc hiện lên rất rõ, lúc nhòe đi. Ông đứng ở cửa lều dỏng tai nghe. Rồi ông chèo đò ra giữa dòng sông, ông quẫy chèo gấp gáp, mắt ông nhòe đi. Khi đò kịch bến, dì Mây “nhào xuống đò”, ông “ôm lấy dì”, “đôi vai rung lên nói từng hơi đứt quãng: - Mây ơi! Sao đến hôm nay con mới về… Chậm mất rồi! Con ơi… Cha cứ tưởng…”.

Dì Mây về làng đúng ngày chú San đi lấy vợ. Chú lấy cô giáo Thanh ở xóm bãi bên kia sông. Hôm ấy, “nước sông Châu đỏ quạch. Sóng lớp lớp đập tung vào trụ cầu đổ đứng trơ trọi giữa dòng nước từ thời bom Mỹ thả. Hoàng hôn màu đỏ ối. Mây đen trắng lẫn lộn bay cuồn cuộn. Nước sông Châu mỗi lúc một lên cao, chảy xiết”. Mây trời và sóng nước sông Châu phải chăng đang đau đáu, đang giận giữ trước khi cuộn xiết cuốn trôi một mối tình.

Chập tối, gió ở bến sông Châu thổi quằn quặn. Nước sông Châu chảy xa xá, “dì Mây tập tễnh về túp lều cỏ”. Bên nhà chú San “cỗ cưới vẫn chưa tàn. Người ra vào tấp nập, cười nói, chúc tụng vang một góc làng”. Khi thím Ba “hổn hển ghé sát tai chú San thì thầm”, người ta thấy chú San “ngồi phịch xuống ghế ôm đầu”. Tiếng ồn ào lắng lại, chỉ còn tiếng thu dọn bát đĩa kêu lách cách. Một lát sau, chú San rẽ hàng râm bụt sang nhà xin phép được nói chuyện với dì Mây. Dì “nuốt nước mắt vào trong” nói với chú San: “- Bây giờ không có gì để nói nữa. Anh về đi!”, rồi chống nạng gỗ, lộc cộc bỏ ra ngoài ngõ. Chú San đi theo nói lời xin lỗi: “Anh tệ quá. Mây cứ mắng anh đi!”. Người con gái tức tưởi: “Hôm nay là ngày gì? Anh nhớ không? Có ngờ đâu, ngày ấy tiễn anh đi cũng là ngày li biệt”. Chú San nghe vậy thì dứt khoát muốn cùng dì Mây làm lại, muốn “từ bỏ tất cả để về sống với nhau”.

Dì Mây xúc động, rối bời “lặng đi, rũ ra mềm oặt” rồi “từ từ khuỵu xuống”. Không khí ngột ngạt đến nghẹt thở. Đó đây im ắng, hãi hùng như đang dồn nén cho một trận cuồng phong bão tố sắp cuộn lên ở bến sông Châu. Nhưng rồi, dì Mây phá vỡ không gian im lặng bằng thái độ kiên quyết: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ, cố mà sống với nhau cho vuông tròn. Anh về đi! (…) Anh đừng lo cho tôi (…) Sự thể đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn”.

Đêm hôm ấy là “đêm dài quá” với dì Mây. Chuột trên mái nhà đuổi nhau kêu chí chóe. Có tiếng ken két như thân tre vặn mình sát vào nhau. Lại có tiếng cọt kẹt như tiếng dát giường kêu vọng trong đêm sâu vắng. Dì Mây “chốc chốc lại thở dài. Dì dựa lưng vào vách, một chân lành còn lại bó gối. Dì ngồi rất lâu trước ngọn đèn dầu tù mù. Dì ngồi như tượng”. Vết thương trên thân thể và cả vết thương trong cõi lòng đang vò xé người đàn bà. Nỗi đau cùng cực ấy, dì Mây đã mang theo suốt những năm tháng ở Trường Sơn và vẫn còn âm ỉ, nhức nhối cả khi không còn tiếng bom rơi, đạn nổ.

Sáng sớm hôm sau, tin dì Mây về làng loang đi khắp xóm Trại. Khách đến nhà thăm dì “người đưa đẩy, an ủi, kẻ cảm thông xót xa”. Nửa buổi, vãn khách, dì Mây khoác ba lô ra lều cỏ. Dì ngồi trên bờ đê cao, ngẩn ngơ nhìn hoa gạo đỏ rắc đầy trên sông Châu. Sông Châu còn đó, bến đò còn đây, sắc đỏ hoa gạo mang theo nỗi nhớ, nỗi khát khao tình yêu cháy bỏng trong lòng người con gái. Dì Mây ngồi bên cô cháu gái, lòng “mơ màng”, “khe khẽ thì thầm: Ngày xưa, dì và chú San thường ngồi ở bến sông này”. Lặng đi một lát, dì lại nói trong hơi thở: “Dì chèo đò đưa chú đi học cũng vào mùa hoa gạo”.

Dì thở dài nuối tiếc. Đôi mắt nhìn xa xăm. Như để tránh phải nhìn thấy cảnh vợ chồng chú San phía bên kia hàng râm bụt hạnh phúc bên nhau, dì Mây rời làng ra lều cỏ phụ chèo đò cùng ông. Từ ngày ra bến sông Châu, dì Mây buồn lắm, cứ tha thẩn đi ra đi vào, lúc tư lự ngồi ngắm trời nhìn nước, lúc lụi cụi nấu cơm. Có những hôm, hai bố con chòi chọi, ăn được bữa cơm đến khốn khổ. Ông thương dì, cố nhai, cố nuốt, mắt ngân ngấn nước. Dì cũng não lòng, có hôm bỏ bữa. Ban ngày đi lại còn khuây khỏa. Ban đêm, nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc bên trạm xá xã vọng sang, dì Mây lại giật mình thon thót.

Trong truyện, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã tạo được một tình huống truyện độc đáo - cuộc gặp gỡ trái ngang giữa dì Mây và chú San sau ngày dì từ chiến trường trở về; chọn được một không gian nghệ thuật đặc sắc - căn lều cỏ bên bến sông Châu, để khi nhân vật được đặt vào đấy đã tự thân bộc bạch một cách chân thực nhất những cung bậc cảm xúc của mình. Trĩu nặng trong từng câu văn, từng hình ảnh là nỗi xót thương của nhà văn trước nỗi đau của nhân vật.

Bìa của truyện “Người ở bến sông Châu”.

Bìa của truyện “Người ở bến sông Châu”.

3.

Thời gian dần trôi, nó như một liều thuốc có thể chữa lành vết thương lòng. Bến sông Châu là nơi bắt đầu cho cuộc sống mới của người con gái quân y sĩ Trường Sơn năm xưa. Tóc dì Mây ngày về rụng nhiều, xơ và thưa, nay đã mọc thêm, da dẻ hồng hào trở lại. Dì Mây nở nụ cười khi lũ bạn Mai đi đò ngang trêu đùa. Đêm trăng sáng, dì Mây cuộn tóc cao trên gáy rủ Mai xuống bến sông tắm. “Vai dì Mây để trần. Trăng sáng lấp lóa trên ngực dì căng đầy. Cổ dì Mây trắng ngần, mắt dì sáng lên, lung linh, huyền hoặc”.

Dì Mây quẫy mình, “người lấp lóa trên sông đầy ánh bạc”. Nước sông Châu “êm đềm, mát rượi” lại ve vuốt tấm thân người con gái vốn đẹp nhất làng, làm dịu đi những khổ đau, mất mát trong cuộc đời của dì. Dòng sông Châu, hoa gạo bên bến sông và cả tình thân nơi mảnh đất quê hương đã hồi sinh cuộc sống cho cuộc đời chịu nhiều mất mát bởi chiến tranh. Tinh thần nhân văn của tác phẩm được chuyển tải trong những câu văn tinh tế, giàu hình ảnh của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Hơi thở cuộc sống như đang cựa quậy, đang sống dậy trên từng trang văn, thấm đẫm trong cảm xúc của cả người viết và người đọc.

Làng xây trạm xá mới. Bà y sĩ trưởng trạm bỏ việc. Ông chủ tịch xã nhờ dì Mây ra giúp. Dì Mây trở lại nghề. Con đường từ bến sông đến trạm xá in hằn những dấu chân tròn vào đất phù sa. Trên đường quê khấp khểnh sống trâu, những đêm mưa, dì Mây “bước đầy bước hụt”, “cậm cạch, lưng thấm đẫm mồ hôi”.

Cũng vào một đêm mưa, vợ chú San vượt cạn thiếu tháng, thai ngôi ngược lại tràng hoa quấn cổ. Thím Ba loay hoay đỡ mãi, cô Thanh đuối dần, không còn sức rặn, một hai phần sống, tám chín phần chết. Đường lên huyện xa lắc, đò ngang cách trở. Thím Ba sợ dì Mây phải chịu “vạ lây”, vội rỉ tai: “ Đưa lên huyện không kịp mà động dao kéo vào cũng không cứu nổi. Nhà nó, chồng lêu bêu chưa xin được việc. Ba cái đồng bạc đi nước ngoài về ăn hết rồi tiền đâu thuốc men. Vạ lây. Mày khốn”. Nhưng dì Mây không nghe, dì “tiêm thuốc tê, thuốc trợ sức, rạch rộng rồi bảo cô Thanh cố rặn”.

Cuối cùng thì đứa bé cũng chào đời. Dì Mây khâu xong cho mẹ đứa bé, cũng là lúc trời rạng. Mồ hôi dì Mây vã ra như tắm, dì gục xuống bàn đỡ đẻ khóc tức tưởi. Tiếng khóc của dì hòa lẫn trong tiếng oe oe của đứa bé. Nghe xót xa tủi hờn xen lẫn niềm ao ước, chờ mong và vui buồn lẫn lộn. Khi vợ chồng chú San vui mừng đón chào đứa con đầu lòng, dì Mây “bước thấp, bước cao ở phía cuối con đường về bến”. Dưới nền trời bàng bạc là muôn triệu hạt mưa bụi li ti giăng giăng bay trắng dòng sông Châu. Bóng dì Mây thấp thoáng trọng bụi mưa.

4.

Tháng Ba lại về. “Hoa gạo nở rắc đầy lối xuống sông”. Sẽ có một cây cầu bắc qua sông Châu. Bờ bên kia ngổn ngang xi măng, sắt thép. Lính công binh làm cầu rà bom. Thím Ba vướng bom bi chết. Dì Mây ngồi cạnh xác thím Ba “im phắc”. “Tóc dì xõa ra, mắt ráo hoảnh, vô hồn như nhìn về cõi xa xăm”. Đám ma thím Ba về, dì Mây quyết định nhận nuôi thằng Cún - con thím Ba.

Cuối thu, trời se lạnh, trong làng thêm nhiều người đan áo, đã có thêm một nhịp cầu được bắc lên. Lính công binh kháo nhau, thủ trưởng Quang tán dì Mây không đổ. Ở bờ bên này họ bảo: “Dì Mây chắn cửa hầm che chở cho thương binh. Bom nổ người lính công binh sốt rét rụng tóc trọc đầu vẫn lành lặn, còn cô y sĩ Trường Sơn bị mảnh đạn phạt một chân”. Bên kia bờ sông họ bảo: “Chú Quang sốt rét vẫn còn hành hạ, lấy vợ chắc gì đã có con”. Lính đúc móng cầu họ lại nói: “Chú Quang đi suốt dọc sông Châu tìm cô y sĩ Trường Sơn đã cứu mình thoát nạn”. Dân xóm Trại thì đồn: Dì Mây sắp lấy chồng.

Còn bên bến sông Châu là ngôi nhà tình nghĩa dựng ngay trên nền căn lều cũ, dì Mây thở dài: “Ngày ấy, ở Trường Sơn có hẹn ước gì đâu. Bây giờ người ta đã là kĩ sư. Còn mình... liệu có nên không?”. Rồi dì lại vỗ về ầu ơ ru thằng Cún ngủ. Tiếng ru “lan xa vang vang”; “lúc đầu trầm lắng, nghèn nghẹn, xót xa, sau êm ái, trong sáng, mênh mang, ngân nga, sâu lắng tận sâu thẳm con tim những người thao thức hai bên bờ sông Châu. Tiếng ru lẫn vào hơi thở sông nước trong đêm hòa vào hương thơm của cây cỏ, đất trời”.

Với nhân vật dì Mây trong truyện “Người ở bến sông Châu”, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã phát hiện, khai thác một nét hiện thực khác biệt, độc đáo của cuộc kháng chiến chống Mĩ: Sự tham gia của người phụ nữ vào chiến tranh, hứng chịu bom đạn ở chiến trường, chịu thương tật cả về thân thể và tinh thần. Tác giả đã làm mới một mô típ khá phổ biến trong văn học viết về thời đại chiến tranh bằng cách tạo dựng tình huống éo le và đau đớn của người phụ nữ trở về từ chiến trường. Bằng cách thay đổi vai trò của nhân vật trung tâm, tác giả thể hiện rõ tính cách kiên cường phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ thương binh nói riêng, người phụ nữ Việt Nam trong và sau chiến tranh nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.