(GD&TĐ) - Mùa hè đến, các trường học phổ thông đã vào mùa nghỉ, nhiều cha mẹ học sinh đang thực sự rối bời với những lo toan cho sự an toàn tuyệt đối của con em mình trước những rủi ro dễ gặp ở mùa hè. Họ lo lắng, những những lo lắng cụ thể là gì và biện pháp phòng ngừa ra sao thì hẳn không phải bậc phụ huynh nào cũng có thể trả lời được.
Mới đây, hàng loạt vụ các em học sinh bị đuối nước, bị điện giât, bị thất lạc khi đi tham quan…làm cho sự lo toan nêu trên là hoàn toàn có cơ sở, hoàn toàn có thể xẩy đến nếu từng người, từng gia đình không quan tâm đúng mức đến những bảo vệ các em trước những vấn đề có tính phổ biến của mùa hè như:
Vấn đề bảo vệ trẻ em không để bị đuối nước:
Đây là vấn đề gây trăn trở nhất của không chỉ cha mẹ mà còn của toàn xã hội, nó thành “vấn nạn” không chỉ một vài năm gần đây mà đã từ lâu với số vụ mất an toàn hàng năm lên tới hàng vài chục em, chỉ đứng sau tai nạn giao thông nhưng cao hơn các tai nạn do các yếu tố khác gây ra cho các em cộng lại. Riêng từ đầu hè đến nay, con số này đã lên tới hàng chục em, thật đáng thương tâm. Nguyên nhân cơ bản là do các em không biết bơi, thiếu kiến thức phòng bị và do sự chủ quan của người lớn. Ở thành phố là các em học sinh đi chơi hồ, đi chơi sông, do hiếu động nên rất dễ sa chân gây đưới nước. Ở nông thôn, nhất là ở những vùng quê nghèo thì nguy cơ này càng lớn bởi nhiều ao hồ, cơ bản được quây, xây, kè nên khi rơi xuống khó có vật dụng bấu víu.
Để hạn chế thấp nhất những tai nạn thương tâm do đuối nước mang lại, cần thiết phải tăng cường cong tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến những kiến thức cơ bản cho công tác phòng, chữa đuối nước trên các phương tiện thông tin đại chúng; các cha mẹ có con em trong tuổi học phổ thông chủ động bám nắm, răn dạy các em, định hướng các em với những hoạt động vui chơi bổ ích, ít nguy hiểm, động viên các em tham gia các hoạt động hè do nhà trường và đoàn thể tổ chức.
Ảnh MH |
Vấn đề bảo vệ trẻ em trước sự nguy hiểm của điện:
Mùa hè, nhu cầu sử điện trong các gia đình chắc chắn tăng như sử dụng quạt, điều hòa, cắm cơm, đun nước, tủ lạnh, nhiều em nhỏ được cha mẹ giao “trọng trách” cắm cơm hàng ngày, cắm nước tắm cho em… trong khi dây điện chằng chịt, ổ cắm hở. Ở thành phố còn “tạm” an tâm, nhưng ở nông thôn hệ thống điện trong gia đình cơ bản chưa được ngầm hóa, dây điện chất lượng kém, đấu lối nhiều nên tình trạng hở điện, rò điện rất cao cực nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt là các em nhỏ cấp tiểu học. Hè cũng là thời điểm mưa nhiều, gió lắm dễ gây nên tình trạng đứt dây điện, các em rất dễ mắc phải và nguy hiểm.
Để hạn chế những tai nạn điện cho các em, người lớn cần dạy các em chơi tránh xa ổ điện, bố trí các đường điện cao, kín và cố gắng đi ngầm, hoặc không có đường ken bảo đảm an toàn. Với những dây có nhiều đoạn lối, tốt nhất nên thay, thường xuyên kiểm tra sự an toàn của đường dây, khi trời có mưa dông, sấm sét không cho trẻ ra ngoài hoặc không cho trẻ đứng gần đường điện…
Vấn đề bảo vệ trẻ em trước vấn nạn an toàn vệ sinh, thực phẩm:
Mùa hè là thời điểm thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển mà đối tượng ít có khả năng tự bảo vệ, sức đề kháng kém, dễ bị ảnh hưởng phần nhiều là trẻ em. Vậy nên người lớn cần quan tâm đến việc ăn và uống của các em, không cho uống những thức uống không rõ nguồn gốc, nhiều phẩm màu, không cho ăn những thức ăn ở những hàng quan không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồ ăn sau bữa còn thừa cần được bảo quan bằng tủ lạnh, với những vùng quê cần đun nóng lại sau khi còn thừa, tốt nhất ăn bữa nào hết bữa ấy, bảo đảm đủ nước uống, không để các em uống nước bể (nước mưa)… Hiện đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở trẻ em xẩy ra trên phạm vi cả nước và những vấn đề nêu trên cần thiết được quan tâm.
Vấn đề bảo vệ trẻ em trước những tác động xấu của truyền hình, internet:
Những năm gần đây, phần lớn các gia đình cho các em “thoải mái” xem hoạt hình, ngồi máy tính trong dịp hè. Điều này không tốt bởi làm giảm sự giao lưu của các em với người lớn, với bạn bè, tách các em xa với môi trường tự nhiên làm các em “lạc” trong thế giới ảo, nhiều tác động tiêu cực đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Hiện tượng tăng cận, ham phim kiếm hiệp, nghiện game hay thích vào những trang wed có nội dung thiếu lãnh mạnh… kết quả là sau hè, nhiều em bị cận thị, học hành sụt giảm, không muốn đến trường, biểu hiện tự kỷ…
Cần thiết cho các em tiếp xúc với các phương tiện hiện đại nêu trên, song rất cần có sự quản lý chặt chẽ của gia đình về thời gian, nội dung; không được “chiều” các em theo kiểu tự do, tùy tiện…
Mùa hè, bên cạnh những vấn đề cần quan tâm bảo vệ các em nêu trên còn có nhiều vấn đề khác đáng lưu tâm như: bảo vệ các em khi đi chơi hè, đi tắm biển, bảo vệ sức khỏe các em khi học thêm… Nhưng những vấn đề cơ bản nêu trên hoàn toàn còn nguyên giá trị thời sự và lịch sử. Rất mong sự đồng thuận từ những người con trẻ và xã hội.
Bùi văn Mạnh