Festival hoa Đà Lạt 2017 có gì đặc sắc?

GD&TĐ - Festival Hoa Đà Lạt diễn ra 2 năm một lần và từ năm 2012,được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Thành phố Festival Hoa Việt Nam”. Festival lần thứ 7 năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 23 – 27/12 tại 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng.

Lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt 2017 sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ quảng trường Lâm Viên lúc 20g ngày 23/12.
Lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt 2017 sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ quảng trường Lâm Viên lúc 20g ngày 23/12.

Nhìn lại chặng đường đã qua

Trong nhiều năm qua, Festival Hoa Đà Lạt trở thành sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế, “điểm nhấn” quan trọng để thành phố hoa và sản phẩm hoa của vùng đất lạnh được đông đảo bạn bè gần xa biết đến.

Từ thành công của lần tổ chức đầu tiên (năm 2005), như lời hẹn, cứ hai năm một lần, Festival Hoa - Đà Lạt lại về trong sự chờ đợi của công dân thành phố hoa và bạn bè trong, ngoài nước.

Mục đích của Festival Hoa - Đà Lạt nhằm thu hút khách tham quan, thúc đẩy du lịch phát triển; tôn vinh giá trị của hoa và ngành trồng hoa truyền thống, quảng bá và kêu gọi đầu tư, phát triển thương hiệu hoa Đà Lạt.

Sau mỗi kỳ Festival Hoa, Ban tổ chức đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm để lần tổ chức sau tốt hơn, đẹp hơn, phục vụ du khách tốt hơn; cũng theo đó, sản lượng và chất lượng hoa Đà Lạt ngày càng gia tăng, Đà Lạt thu hút du khách ngày càng đông hơn.

Qua nhiều lần tổ chức Festival Hoa, Đà Lạt đã để lại ấn tượng tốt trong tình cảm của nhân dân và du khách; tạo động lực mạnh mẽ để nghề trồng hoa và du lịch Đà Lạt phát triển vượt bậc.

Có thể thấy, trước năm 2004, trên địa bàn Lâm Đồng (TP. Đà Lạt và các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương) có khoảng 800ha trồng hoa, sản lượng 600 triệu cành; đến năm 2010, diện tích hoa tăng lên 3.200ha, sản lượng 1 tỷ cành/năm...

Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 7.000ha hoa, sản lượng đạt 2,35 tỷ cành (tăng 250 triệu cành so với năm 2013); trong đó, Đà Lạt chiếm 70% diện tích và chiếm 74% sản lượng hoa của tỉnh…

Cùng với mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng hoa, những năm qua, Lâm Đồng chủ trương sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), là địa phương dẫn đầu cả nước áp dụng NNCNC với trên 26.951ha đất sản xuất rau, hoa, chè, cà phê ứng dụng quy trình CNC; trong đó, diện tích nhà kính 2.714ha; diện tích nhà lưới 1.180ha; diện tích màng phủ 5.585ha và 6.500ha cây trồng áp dụng công nghệ tưới tự động… Năng suất, sản lượng và giá cả nhiều loại rau, hoa tăng rất cao; đặc biệt hoa cao cấp của Đà Lạt đạt doanh thu từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 1,6 lần)…

Cũng thông qua Festival Hoa, lượng khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tham quan, nghỉ dưỡng tăng dần đều từng năm (năm 2005: 1,6 triệu lượt khách; năm 2006: 1,8 triệu lượt; năm 2007: 2,2 triệu lượt; năm 2008: 2,3 triệu lượt; năm 2009: 2,5 triệu lượt; năm 2010: 3,1 triệu lượt… năm 2014: 4,8 triệu lượt). Riêng 9 tháng đầu năm 2015, Đà Lạt thu hút trên 3,6 triệu lượt khách tham quan; trong đó, khách nội địa: 3,5 triệu lượt và khách quốc tế: 127 ngàn lượt, doanh thu đạt 6.300 tỷ đồng…

Năm 2017 đầy hứa hẹn

BTC cho biết, chương trình khai mạc Festival hoa Đà Lạt 2017 sẽ có 500 diễn viên tham gia với 8 cảnh diễn theo hình thức nghệ thuật tổng hợp. Được biết, đạo diễn Tất My Loan sẽ làm Tổng đạo diễn lễ khai mạc và tham gia dàn dựng lễ khai mạc và một số chương trình khác tại Festival Hoa Đà Lạt 2017.

Với chủ đề Hoa Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành, Festival hoa lần này tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm tôn vinh ngành hoa, thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, đồng thời khởi động lộ trình quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Sẽ có 15 chương trình chính và 30 chương trình hưởng ứng do các đơn vị ngoài tỉnh Lâm Đồng thực hiện. Đặc biệt lần này, Festival Hoa Đà Lạt hướng đến mục tiêu xã hội hóa, nhiều chương trình như: Lễ khai mạc, Buổi hòa nhạc kết hợp tổng kết bế mạc, Tuần lễ thời trang áo dài – lụa, Chương trình nghệ thuật thời trang Duyên dáng Việt Nam… được phối hợp với Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên thực hiện. Ngoài ra, Festival còn có sự tham gia của các nước Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Điểm mới của lễ hội năm nay là lần đầu tiên, Tuần Văn hóa trà Lâm Đồng sẽ chính thức kết hợp tổ chức thành một trong những nội dung của Festival Hoa Đà Lạt; bổ sung các nội dung, chương trình nhằm quảng bá thương hiệu tơ lụa Lâm Đồng.

Chương trình không gian hoa, một trong những chương trình truyền thống chủ đạo của tất cả bảy mùa lễ hội hoa sẽ được Hiệp hội Hoa Đà Lạt tiếp tục chủ trì thực hiện với khoảng 30 tiểu cảnh sử dụng các loại hoa tươi đặc trưng của Đà Lạt, tạo thành không gian hoa nghệ thuật quanh hồ Xuân Hương. Không gian hoa còn được mở rộng đến công viên, tiểu cảnh, tuyến phố, khu dân cư, điểm du lịch trên địa bàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận.

Có thể nói, lượng du khách trong nước và nước ngoài đến Đà Lạt ngày càng tăng theo từng năm đã góp phần đưa thương hiệu lễ hội Hoa Đà Lạt nói riêng và ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng ngày thêm phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ