Cuộc xoay vần trời đất đã đủ chu kỳ cho một mùa cây trái chín, và cây bàng dẫu chẳng liệt vào loại “cây trái” nhưng cũng đơm hoa kết trái và chín rụng.
Trong những trái bàng chín rụng ấy, trái nguyên vẹn thường màu vàng hoặc phớt vàng đỏ, còn trái là thức ăn của những chú dơi đêm, ghé nương nhờ thì vỏ loang vỡ như bị một vết thương đau. Nếu bạn rảnh rồi dạo quanh khắp phố, cứ ngước nhìn lên những cây bàng xanh lá, cố tìm những trái bàng xanh giờ đã chín, chuẩn bị rơi xuống.
Thấy dường như những trái bàng chưa muốn rụng, còn muốn níu giữ lại những giây phút ở trên cành. Và dưới những cây bàng vào mùa rụng trái, bắt gặp cả một góc đường, những trái bàng rơi rụng được gom thành đống, chợt nghĩ đến một thời tuổi thơ đi lượm trái bàng chín rụng, ghè đá cho vỡ mà ăn ngon lành.
Cây bàng vốn dĩ thân thuộc hơn bất cứ một loại cây nào, gần như trồng rất nhiều từ Bắc vào Nam. Có lẽ đây là loại cây dễ trồng, phát tán che bóng mát nhanh và có tuổi thọ cả trăm năm. Ở Côn Đảo, những cây bàng cổ thụ trăm năm, gốc cây cả hai vòng ôm đã trở thành cây di sản là điểm nhấn của các câu chuyện kể cho du khách khi mọi người đến đây.
Những cây bàng trong nhà tù Côn Đảo dáng rất đẹp, cả những cây bàng trên phố, dọc theo đường biển cũng vậy. Vào mùa cây bàng rụng trái, ở Côn Đảo lúc tờ mờ sáng có những người dân chịu khó thu gom đem bán cho các nơi sản xuất hạt bàng với giá 2.000 đồng/ký.
Mùa cây bàng rụng trái ấy là mùa thu hoạch ở hòn đảo này, để tạo nên một đặc sản rất riêng: Hạt bàng. Hạt bàng Côn Đảo đã qua chế biến có hai loại, loại để nguyên chỉ rang lên và loại ngào đường với gừng và lá dứa giá 300 - 400 nghìn/ký.
Nhưng dẫu cả nước đều có cây bàng. Như ở Hà Nội có rất nhiều cây bàng cổ thụ: Đường Phùng Hưng, Cao Bá Quát, Nguyễn Thái Học… Ở Pleiku có con đường Quang Trung với những cây bàng vươn cao, và cả Nha Trang cây bàng trồng rải rác nhiều nơi, và cây bàng đẹp nhất là cây bàng cổ thụ ở Công viên biển.
Nhưng trong thơ ca, đa phần người ta chỉ chú ý đến mùa lá bàng nhuộm đỏ, thường thì sau Tết âm lịch. Sắc đỏ vàng của lá bàng kể cả những chiếc lá loang lổ vết sâu ăn cũng là một phần của văn chương. Ít người nhớ đến mùa trái bàng rụng.
Chỉ là nhớ về. Như anh bạn thấy tôi lui cui nhặt những trái bàng rụng, đi tìm một hòn đá khẽ đập như tuổi học trò vẫn thường ra đường Trần Phú, gom những trái bàng chín rụng thành một đống. Rồi mạnh đứa nào cứ lấy đá mà “ghè” cho trái bàng vỡ ra.
Thật ra thì khó mà lấy được một hạt bàng bên trong nguyên vẹn, chỉ là hạt bàng đã nát đôi khi trộn cả đất, bỏ lên miệng nếm mà thấy ngon. Còn những trái bàng chín thì lại cắn nếm thử, nếm một tí thôi giống như đang ăn một loại trái cây, có vị ngọt nhẹ và chát.
Mùa này trái bàng đang rụng đầy dưới gốc, chúng là tuổi thơ của biết bao người, và nếu ai chưa từng thử tìm cách đập vỡ trái bàng chín để nếm cái hạt tươi béo ngậy kia, giờ có thể ra một cây bàng, khẽ đập vỡ trái bàng và ăn thử cái vị trái của tuổi thơ.