(GD&TĐ) - Sinh con, nuôi dưỡng, chăm sóc là thiên chức mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng từng trải qua. Tuy nhiên, nhìn vào tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi hiện nay mới thấy nhiều bà mẹ còn rất mù mờ về kiến thức trong việc chăm sóc, nuôi dạy con.
Chăm quá hóa hại con
Với quan niệm trẻ phải to béo mới khỏe, gia đình mới có phúc, nhiều bà mẹ đã không tiếc công sức, tiền của để tẩm bổ cho trẻ. Làm mẹ lần đầu nên chị Hà (Cầu Giấy) thường xuyên lên mạng cập nhật các thông tin về bữa ăn cho trẻ. Ban đầu chị nuôi con theo kiểu Nhật, sau chuyển sang nuôi theo kiểu châu Âu với mục tiêu dùng toàn hàng ngoại. Đồ dùng, thức ăn, sữa toàn hàng ngoại nhưng bé vẫn biếng ăn. Đến nay, con chị Hà đã 2 tuổi nhưng nhỉnh hơn trẻ 1 tuổi không đáng kể.
Chị Huyền (Thanh Xuân) lại nuôi con với chế độ ăn ngày 3 bữa cháo, 3 sữa bột, 1 sữa chua, 1 phô mai và hoa quả, cậu bé Huy con chị mới 18 tháng đã nặng 20 kg. Mỗi khi nghe mọi người khen con bụ bẫm, đáng yêu, chị mở mày mở mặt. Nhưng niềm vui của chị chẳng được lâu khi con chị chỉ phát triển cân nặng nhưng lại chậm biết đi, chậm mọc răng. “Khi đọc kết luận con bị suy dinh dưỡng thể béo phì, tôi lặng người mới biết lâu nay mình nuôi con phản khoa học mà không biết”, chị Huyền chia sẻ.
Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng ở nước ta đã bước sang giai đoạn 2 nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi giảm không đáng kể. Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia: “Nhìn vào tỷ lệ trẻ SDD mới thấy kiến thức về nuôi- dạy con vẫn là khoảng cách lớn với nhiều bà mẹ”.
Trẻ cần chế độ dinh dưỡng phù hợp để phát triển |
Cha mẹ cũng cần trang bị kiến thức
Điều tra về tình trạng thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi từ năm 2000-2009 cho thấy, ở vùng đồng bằng sông Hồng, tình trạng trẻ thiếu máu không có sự thay đổi nhiều trong 9 năm (23,7% năm 2000 và 23,5% năm 2009). Tương tự, tại các tỉnh Nam miền Trung, tỷ lệ trẻ thiếu máu chỉ giảm từ 33,2% xuống còn 33,1%, Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ còn tăng từ 36,8% lên 40,6%. “Đói vi chất là nạn đói tiềm ẩn không thể nhận biết ngay được nên hậu quả để lại rất nặng nề”, PGS. TS Lê Bạch Mai khẳng định.
Cũng theo bà Mai, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thiếu vi chất do chưa nhận được sự quan tâm thích đáng từ các bậc cha mẹ. Kết quả điều tra dinh dưỡng quốc gia 2009-2010 cho thấy khẩu phần ăn hàng ngày của người Việt trong những năm qua không có sự thay đổi lớn. Nếu như năm 1981, mức năng lượng tiêu thụ đạt 1925 (+/- 230 kcal) thì năm 2010 là 1925,4 (+/-587 kcal). Tuy nhiên cơ cấu sinh năng lượng trong khẩu phần ăn lại có sự thay đổi. Việc ăn quá tinh bột khiến không ít trẻ bị thiếu vitamin và khoáng chất. Ngược lại, ăn nhiều protein từ động vật trong bữa ăn và lượng protein từ thực vật tăng không đáng kể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em và người trưởng thành như hiện nay.
3,5 triệu USD cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em Chương trình lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm nguy cơ cao tại Việt Nam được các tổ chức của Liên Hợp Quốc thực hiện với sự tài trợ của Chính phủ Tây Ban Nha đã đạt được nhiều kết quả sau 3 năm triển khai. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm dần, tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ 24h sau sinh và 2 năm đầu đời cũng tăng lên đáng kể. Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta cho rằng, việc thống nhất hành động của 2 Bộ Y tế, NN-PTNT phía Việt Nam và các tổ chức của Liên Hợp Quốc không chỉ góp phần làm giảm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em mà còn cải thiện tình trạng dinh dưỡng chung của cộng đồng, thành lập hệ thống cảnh bảo sớm về khủng hoảng lương thực để Việt Nam có thể ứng phó tốt hơn. (M.N) |
Hoài Thu