Những ưu điểm chương trình
Thạc sĩ Bạch Ngọc Diệp cho rằng: Dự thảo chương trình mới môn Mĩ thuật đảm bảo các thành tố của chương trình và theo định hướng chung về: đặc điểm môn học, quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục (các lớp), phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, giải thích hướng dẫn thực hiện chương trình.
Mục tiêu của chương trình cấp học và yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được xác định trong văn bản tương đối phù hợp với môn Mĩ thuật. Đã xác định đúng năng lực đặc thù của môn học, đó là năng lực thẩm mĩ trong chương trình giáo dục Mĩ thuật phổ thông.
Nội dung môn thủ công, học phần thiết kế và chất liệu (chất cảm) đã xuất hiện và được nhấn mạnh trong chương trình. Một số chuyên đề học tập đã được xây dựng trong chương trình (cấp THPT)
Cũng theo thạc sĩ Bạch Ngọc Diệp, việc phân chia chương trình giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn là hợp lí (giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp). Bên cạnh đó, chương trình đã thể hiện được các kiến thức cơ bản về Mĩ thuật (đường nét, hình ảnh, màu sắc, khối hình…).
Văn bản chương trình đã đề cập đến “Yêu cầu cần đạt” và “Thành tố năng lực thẩm mĩ”; đồng thời thể hiện tính ưu việt khi thiết kế mở về nội dung, chủ đề và yêu cầu cần đạt.
Cần xây dựng nội dung học tập bắt buộc ngoài nhà trường
Đưa ra những góp ý cho dự thảo chương trình môn Mĩ thuật, thạc sĩ Bạch Ngọc Diệp cho rằng, văn bản chương trình chưa nêu vai trò, vị trí của môn học (mặc dù trong mục tiêu chương trình đã có một số ý thuộc vị trí môn học.
Quan điểm xây dựng chương trình chưa có tính đột phá. Chưa có tuyên ngôn làm cơ sở xây dựng nội dung học tập gắn với thực tế. Các yêu cầu cần đạt trong dự thảo chủ yếu vẫn thuộc về kiểm tra kiến thức, kĩ năng thông thường thông qua thực hành luyện tập và nội dung học tập được triển khai trong nhà trường/lớp học là chính.
"Như vậy cần xây dựng nội dung học tập bắt buộc ngoài nhà trường, trong chương trình mới. Có qui định về phần trăm thời lượng, nội dung và yêu cầu cần đạt. Nội dung giáo dục ngoài nhà trường cần hướng trọng tâm hình thành năng lực, phẩm chất sau:
Năng lực cảm thụ nghệ thuật (nghệ thuật truyền thống, kiến trúc cổ; tham quan phong cảnh, viện bảo tàng, triển lãm; vẻ đẹp thiên nhiên, môi trường; tìm hiểu làng nghề – những nội dung/hình ảnh gần gũi trong cuộc sống); phẩm chất trung thực, ý thức trách nhiệm (với môi trường, di sản, cuộc sống xung quanh…); năng lực tự học, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo (những vấn đề xuất hiện trong thực tế)" - thạc sĩ Bạch Ngọc Diệp góp ý.
Do thiếu vắng nội dung dạy học ngoài nhà trường, nên trong Dự thảo hiện nay, hoạt động trải nghiệm của môn học chỉ có thể hiểu là hoạt động trải nghiệm trong quá trình thực hành trên lớp (để hình thành kiến thức, kĩ năng).
Hoạt động trải nghiệm của môn học chỉ thể hiện đúng bản chất và thực sự phát huy hiệu quả khi việc học gắn liền với thực tế, nghĩa là nội dung học tập được xuất phát từ thực tế, tạo cơ hội cho người học được “nhúng” vào môi trường thực để trải nghiệm bản thân, hình thành năng lực.
Về năng lực thẩm mĩ, nội dung giáo dục
Thạc sĩ Bạch Ngọc Diệp nhận định: Dự thảo chương trình đã xác định được năng lực đặc thù của môn học là năng lực thẩm mĩ, cũng như xây dựng được các thành tố của năng lực thẩm mĩ (quan sát và nhận thức thẩm mĩ; sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ; phân tích và đánh giá thẩm mĩ). Việc xác định thành tố của năng lực thẩm mĩ cần có nghiên cứu cụ thể và thống nhất (trong khuôn khổ văn bản chương trình này, có thể ghi nhận ở mức độ nhất định).
Tuy nhiên nội hàm của các thành tố được xác định chưa chính xác; chưa phù hợp đối tượng; đa trị và gây khó hiểu cho người sử dụng văn bản hoặc có những thành tố năng lực “đặt” chưa đúng vị trí cấp học.
Về nội dung giáo dục, theo thạc sĩ Bạch Ngọc Diệp, trong dự thảo, cơ sở xác định nội dung thiếu đồng nhất, nên có những hạn chế sau: Nhầm lẫn về nội dung cốt lõi; trong mục 1.2, trang 14, chuyên đề học tập được xác định cho các lớp 10,11,12 với các nội dung thực hành vẽ nghiên cứu mẫu (5 chuyên đề), vẽ tranh cơ bản (3 chuyên đề), cách đặt vấn đề vẽ nghiên cứu, vẽ cơ bản thiếu hấp dẫn, nặng nề và chưa phù hợp với giáo dục phổ thông.
Dự thảo văn bản cho rằng: “Chuyên đề học tập ở cấp trung học phổ thông được thiết kế... là những kiến thức, kĩ năng cơ sở cho tất cả các ngành nghệ thuật thị giác” - trang 14, là chưa chính xác, chủ quan.
Về nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp
Nhận xét của thạc sĩ Bạch Ngọc Diệp, trong dự thảo chương trình, yêu cầu cần đạt được xác định từ lớp 1 đến lớp 12, kèm theo đó là nội dung của mỗi lớp. Nhưng có nhiều yêu cầu cần đạt chưa thuộc về năng lực; có yêu cầu về năng lực chưa rõ ràng; có yêu cầu cần đạt chưa phù hợp với đối tượng...
Về nội dung, bao gồm: yếu tố và nguyên lí tạo hình; thể loại; qui trình. Trong “Yếu tố và nguyên lí tạo hình”, một số yếu tố chưa phù hợp với đối tượng và không cần thiết, ví dụ yếu tố “điểm/chấm” và chỉ có tính chất bổ sung, không nên coi đó là điểm “mới” của chương trình. Cần cân nhắc kĩ khi sử dụng cụm từ “Nguyên lí tạo hình” trong văn bản chương trình. Lí do: nguyên lí trong tạo hình nghệ thuật rất nghèo, trong khi đó sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật nhiều khi là sự đột phá, phá vỡ các nguyên lí để tạo ra cái mới.
Phần “Qui trình” bao gồm các mục 3: 3.1 Thực hành; 3.2 Thảo luận nêu trong văn bản là nhầm lẫn, không thuộc về qui trình, mà đó là các vấn đề về tổ chức, triển khai các hoạt động trong lớp học. Khi đề cập đến "qui trình" thường là các bước 1, bước 2, bước 3… và các bước trong qui trình không thể tùy tiện thay đổi.
Do vậy "qui trình" không phù hợp với cách học đối với bộ môn nghệ thuật, đặc biệt là giáo dục nghệ thuật ở phổ thông (trong nghệ thuật nhiều khi không theo bất cứ qui trình nào, sản phẩm lại có tính sáng tạo và sức lan tỏa cao. Học sinh phổ thông thường thể hiện sản phẩm theo cách của mình, ít tuân thủ qui tắc/qui trình).
Từ đó, thạc sĩ Bạch Ngọc Diệp cho rằng, phần "qui trình" nêu trong văn bản cần xem lại về độ chính xác và chưa phù hợp với đặc thù bộ môn nghệ thuật.
Về các học phần cốt lõi cấp THPT
Môn Mĩ thuật thực hiện trong nhà trường phổ thông chủ yếu hình thành cho học sinh năng lực cảm thụ là nhiệm vụ chính, đồng thời giúp một bộ phận học sinh có năng khiếu theo học các chuyên ngành nghệ thuật. Đối với cấp THPT cũng vậy, việc dạy và học môn Mĩ thuật chủ yếu hình thành năng lực thẩm mĩ và duy trì xúc cảm về cái đẹp cho học sinh.
Các học phần cốt lõi hoặc các chuyên đề học tập trong chương trình, cần đảm bảo mục tiêu đã nêu, nghĩa là giáo dục học sinh cảm thụ và duy trì hứng thú với môn học là chính.
Đưa ra điều này, thạc sĩ Bạch Ngọc Diệp chỉ ra, trong dự thảo chương trình các học phần cốt lõi hoặc các chuyên đề học tập lại có những yêu cầu mang tính "chuyên nghiệp", nghiên cứu bài bản theo kiểu dạy nghề hơn là dạy cảm thụ. Vì vậy không phù hợp với mục tiêu giáo dục. Cần xem lại vấn đề này trong dự thảo chương trình.