Một thời… "quái kiệt"

Một thời… "quái kiệt"

(GD&TĐ) - Với 77 tuổi đời, sức khỏe không còn cho phép nên “quái kiệt” Tùng Lâm rất ít xuất hiện trên sân khấu. Ông dành thời gian để vui chơi cùng con cháu, tập thể dục thể thao, gặp gỡ bạn bè, đồng thời sáng tác các tiểu phẩm, kịch bản cải lương hài. May mắn gặp ông tại nhà của “hề nhựa” Thanh Hoài - người bạn tri âm của ông hiện tại - tôi được nghe lại con đường nghệ thuật đầy khúc quanh co của ông với nhiều tình tiết bất ngờ, thú vị.

Thú vị từ một nghệ danh

Trong làng hài của Sài Gòn trước năm 1975, có một người không cần diễn, chỉ cần bước ra sân khấu là khán giả đã cười rần rần, đó là Tùng Lâm. Năm 1958, lần đầu tiên tham gia đại nhạc hội “Minh tinh quái kiệt”, Tùng Lâm chính thức được quảng cáo là Tiểu quái kiệt Tùng Lâm. Từ đó về sau, ở các lĩnh vực từ hài, kịch, cải lương rồi phim ảnh, hễ có mặt Tùng Lâm là có... cười nghiêng ngả. Chính vì thế, công chúng yêu sân khấu tặng cho Tùng Lâm biệt danh “quái kiệt” và nó đã gắn với tên tuổi của ông đến bây giờ.

Nói về nghệ danh Tùng Lâm, ông bật mí: “Tôi sinh năm 1934 tại Biên Hòa (Đồng Nai) tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, cái tên này đọc không được suông cho lắm nên khi bước chân vào con đường nghệ thuật, tôi tự lấy tên là Văn Tâm. Nhưng tại tôi có chiều cao “khiêm tốn” quá nên bạn bè gọi đùa tôi là Tâm Lùn. Tôi thấy tên Tâm Lùn hơi... kỳ kỳ nên tôi đọc lái lại là... Tùng Lâm rồi trở thành nghệ danh luôn”.

Một thời… "quái kiệt" ảnh 1
 

Ít ai biết một danh hài thuộc loại “quái kiệt” như Tùng Lâm lại xuất thân là một... ca sĩ có đẳng cấp. Tham gia ca hát từ rất sớm, do có người chị thứ bảy rất giỏi đàn mandoline nên cứ mỗi lần chị đàn thì Tùng Lâm hát. Năm 12 tuổi, Đài phát thanh Pháp -Á tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ, Tùng Lâm dự thi và đoạt giải nhất với bài An Phú Đông của nhạc sĩ Lê Bình. Người đoạt giải nhì là Thanh Giang (học trò của quái kiệt Trần Văn Trạch), giải ba thuộc về ca sĩ Bạch Yến (con dâu GS.TS Trần Văn Khê). Đến năm 1952, sau một thời gian đi hát đám cưới, Tùng Lâm lại đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn với bài Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương.

Ông đến với kịch cũng rất tình cờ. Lần ấy, Ban kịch Dân Nam khai trương vở Tàn cơn ác mộng, kịch sĩ Vân Hùng đột ngột đòi trả vai (người cùi). Trước tình thế cấp bách, Tùng Lâm xung phong nhận vì bản thân kém sắc vóc, nhân vật này chỉ cần hóa trang, không để lộ gương mặt thật. Vai diễn thành công nên ông được giao tiếp vai cậu chủ trong vở Mua chút tình thương, Vân Hùng vào vai người ở. Nhưng Vân Hùng lúc đó đang cạo đầu trọc không nhận vai nên vai người ở được giao lại cho Tùng Lâm. Do không chuẩn bị trước, anh mượn cái quần lửng của một nghệ sĩ múa trong đoàn mặc. Mới bước ra sân khấu, khán giả cười rần rần. Sau thành công với vai hài khác trong Cây đàn bỏ quên, Tùng Lâm chính thức chuyển sang hài. Một thời gian sau, ông được mời làm nghệ sĩ chuyển âm (bây giờ gọi là lồng tiếng) các phim Nhật, Ấn Độ của các hãng Mỹ Phương, Mỹ Vân, Lido… Nhờ đó, ông được mời đóng liên tục các vai hài trong phim Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Năm vua hề về Làng, Tứ quái Sài gòn, Như hạt mưa sa, Con ma nhà họ Hứa

Xập xám chướng” và sê - ri “Hai Nhái”

Năm 1960, Tùng Lâm mở Ban tạp lục, giống như Đại nhạc hội ngày nay, biểu diễn nhiều thứ, từ ca múa, nhạc, kịch, cải lương, ảo thuật... Ngoài việc làm bầu sô, ông kiêm luôn vai trò MC. Năm 1962, ông dẫn đoàn đi diễn ở miền Trung. Thường sau mỗi đêm diễn, các nghệ sĩ và cả bầu sô hay tụ tập lại chơi bài xập xám. Không biết gặp vận hạn đen đủi gì suốt hai tháng trời, ông không biết thắng là gì, đêm nào cũng thua cháy túi. Nợ nần chồng chất, ông phải mượn tiền của bà bầu Kim Chung 200.000 đồng để trả nợ và trả tiền nghệ sĩ. Thanh toán hết nợ nần, chỉ lại 1000 đồng, ông buồn quá mua một chai bia và ôm cây đàn ngồi hát nghêu ngao: "Xập xám chướng... xập xám chướng... Bà con hay nhớ tránh xa thứ này...". Và ông đã thề rằng từ nay sẽ không đụng đến cờ bạc nữa. Bài Xập xám chướng ra đời như để khuyên răn những người mê đánh bài hãy tránh xa "thú vui" nguy hiểm này như chính bản thân ông đã trải nghiệm. Không ngờ sau đó, bài hát được hãng đĩa Sóng Nhạc thu và phát hành, bán chạy như tôm tươi, đi đâu cũng nghe "Xập xám chướng... xập xám chướng... Mười ba cái chướng xấu nhất trên đời..." của Tùng Lâm hát.

Năm 1983, Tùng Lâm về làm Phó đoàn Văn công Hậu Giang (sau này là Tiếng ca Sông Hậu), đến năm 1992 thì về hưu. Khoảng thời gian này, danh hài Văn Chung đang rất nổi tiếng qua một loạt tiểu phẩm mang tên “Tư Ếch” nên Tùng Lâm cũng muốn tạo ấn tượng với khán giả nên đã sáng tác và thực hiện các bộ phim video hài: Hai Nhái khoái thịt ngựa, Hai Nhái khoái vợ bé, Hai Nhái khoái rượu đế, Hai Nhái khoái số đề, Hai Nhái kén rể, Hai Nhái bắt cướp...được khán giả yêu mến không thua gì “Tư Ếch”.

 

Người còn lại của “Tứ quái sài gòn”

Năm 1974, Hãng phim Lido thực hiện bộ phim hài Tứ quái Sài Gòn với các nghệ sĩ Khả Năng, Thanh Việt, La Thoại Tân, Tùng Lâm đã tạo nên một làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt nơi khán giả. Bộ phim còn được phụ đề bằng nhiều thứ tiếng, phát hành khắp các nước châu Á. Có một kỷ niệm trong quá trình đóng bộ phim này mà Tùng Lâm không bao giờ quên. “Số là tôi vào vai một tay bơi lội rất giỏi, bản thân tôi ngoài đời cũng là một tay bơi có hạng nhưng vì lần ấy, tôi vừa bị gãy tay mới lành, cảnh quay đòi hỏi phải quay đi quay lại nhiều lần nên tôi bị đuối. Lần cuối cùng, tôi bơi một lúc rồi…chìm luôn. Anh bạn Khả Năng diễn chung cứ tưởng tôi muốn làm cho khán giả đang đứng xem cười chơi nên không quan tâm. Đợi mãi không thấy tôi trồi lên anh mới hốt hoảng gọi mọi người xuống tìm. Khi tôi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong… bệnh viện. Hú hồn, tôi thoát chết trong gang tấc…” - Tùng Lâm kể.

Nếu như trước đây, Tùng Lâm từng đối mặt với cái chết qua những tình huống khi đóng phim thì từ năm 2005 đến nay, ông đã 4 lần bị đột quỵ vì chứng bệnh cao huyết áp. Một lần khi ông đang lưu diễn ở Điện Bàn (Quảng Nam) phải đưa lên vùng biên giới Lao Bảo (Quảng Trị ) chạy chữa. Lần thứ hai ông ngã xuống khi đang diễn ở Buôn Ma Thuột tưởng không qua khỏi. Lần đột quỵ thứ ba khi ông đang diễn ở Khu du lịch Tân Cảng vào dịp Noel. Lần mới nhất là khi ông cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ lưu diễn, nhiều kiều bào đã khóc khi chứng kiến cảnh ông nằm viện suốt một tuần không nói một lời. “Nhưng có lẽ tôi cao số nên nhiều lần thoát chết. Nhóm nhóm Tứ quái Sài Gòn với tôi, Khả Năng, Thanh Việt, La Thoại Tân đã “đi” hết rồi, giờ chỉ mình tôi còn sống…”. Nói đến đây, mắt ông đỏ hoe… Chuyên chọc cho khán giả cười, nhưng có lần Tùng Lâm đã khóc ròng trong cánh gà sân khấu. Đó là lần ông lỡ ký hợp đồng theo một đoàn tạp kỹ xuống Cần Thơ biểu diễn, trong lúc mẹ ông lâm bệnh nặng. Đang diễn thì ông nhận được điện thoại của gia đình báo tin mẹ ông mất. Ông phải nuốt nước mắt chọc cười khán giả, hoàn tất xong lớp diễn ông chạy vội vào hậu trường ôm danh hài Phú Quý khóc ngon lành. Bầu sô đoàn tạp kỹ đã cho xe đưa Tùng Lâm về Sài Gòn ngay trong đêm để kịp lo hậu sự cho mẹ.

Tùng Lâm cho biết: “Thật ra, chọc cho khán giả cười được nhiều khi còn khó hơn làm cho họ khóc. Người nghệ sĩ hài phải biết chắt chiu ngôn từ để không sa vào cái hài vụn vặt, rẻ tiền”. 

Trong sự nghiệp làm “quái kiệt”, Tùng Lâm đã đoạt 4 HCV trong các mùa hội diễn, liên hoan sân khấu hài. Ông cũng là người đã lăng xê thành công các gương mặt tên tuổi hôm nay như Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, Trang Kim Phụng, Giang Tử, Phương Hoài Tâm, Phượng Mai, Tuấn Phương (danh hài Duy Phương hiện nay)…

Đặng Tiền Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ