Tà Pạ ngày nay được nhiều người biết đến bởi hồ nước có màu xanh lơ, có nơi như màu viên ngọc bích, quanh năm chưa bao giờ cạn nước dù hồ nằm trên đỉnh đồi.
Gần cạnh hồ còn có ngôi chùa đặc sắc mang tên gắn với địa danh đó là chùa Tà Pạ, ngoài ra chùa Tà Pạ còn có tên gọi khác như: Chùa Núi, chùa Chưn-Num. Nhìn từ xa, ngôi chùa nằm lơ lững giữa lưng chừng núi bởi kiến trúc độc đáo duy nhất trong các chùa Khmer ở miền Tây Nam Bộ.
Đứng nơi đây nhìn xuống ta sẽ thấy thị trấn Tri Tôn chi chít phố xá, con đường, ruộng đồng, những chiếc cầu, kênh rạch và những dãy núi xa xa mờ tít. Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Phụng Hoàng như một thung lũng, cảnh vật mở ra như bức tranh 3D tuyệt đẹp thay đổi sắc màu theo từng mùa mà thiên nhiên đã ưu ái cho cảnh vật và con người nơi đây. Tất cả như hòa quyện, chuyển động, tạo nên góc nhìn tuyệt mỹ.
Hồ Tà Pạ vô tình được con người tạo ra trong quá trình khai thác đá. Sau nhiều năm hoang hóa, những chất vôi trong đất và đá lắng đọng trong lòng hồ tạo nên sắc màu của nước xanh ngọc bích. Giữa chốn núi rừng hoang sơ, hồ Tà Pạ như mắt ngọc của Phụng Hoàng Sơn.
Mặt nước trong xanh, phẳng lặng như chiếc gương soi bóng vách đá, tán cây, những áng mây bay qua như được tô vẽ lên thành bức tranh thủy trầm mặc giữa đồi núi.
Chỗ lòng hồ sâu thì có màu xanh thẫm, chỗ cạn có màu xanh nhạt, nước trong đến nỗi có thể nhìn thấu chiều sâu, nếu chạm tay hay chân xuống nước sẽ cảm nhận được luồng nước mát lạnh của hồ Tà Pạ.
Đi theo triền đồi, thỉnh thoảng bắt gặp lác đác những bụi hoa mua màu tim tím và những con ong bay quanh tìm mật cùng tiếng chim véo von trong lá, tất cả tạo nên âm thanh và khung cảnh đặc trưng của rừng núi nơi đây.
Khi thời tiết sang mùa, có những ngày đuổi kịp những đám mây sà xuống, bay ngang tầm mắt rồi hòa quyện vào thân thể, ta cảm giác lâng lâng như lạc vào tiên cảnh nơi hạ giới.
Nhìn xuống thung lũng, cánh đồng Tà Pạ như bàn cờ, các ô vuông chen chúc và được bao quanh bởi dãy núi Phụng Hoàng. Vào khoảng tháng 9 đến tháng - 11 là lúc cánh đồng tuyệt sắc nhất, bởi lúc này lúa đang vào mùa thu hoạch.
Đặc biệt, cánh đồng nơi đây không chín đồng loạt mà từng vạt ruộng có những màu sắc khác nhau: Màu xanh mượt mà của lúa đang ngậm đòng, màu vàng nhạt của lúa vừa trổ hạt, màu vàng tươi rạng rỡ của lúa sắp vào vụ gặt, màu vàng đậm trĩu hạt của những khoảnh ruộng đón chờ bàn tay gặt hái mang về, và cả màu nâu sạm loang lổ của những thửa ruộng vừa gặt xong.
Do người dân Khmer có tập quán “làm lúa vần công” tức là từng nhóm người cùng nhau cấy hoặc gặt trên một thửa ruộng đất của nhà này xong thì đến thửa đất của nhà khác. Sự ngẫu nhiên tạo nên bức tranh đa sắc màu giữa đời thường.
Bức tranh ấy còn được tô điểm lên bằng những tán cây trâm tròn tròn xanh mát xòe bóng giữa ban trưa. Đứng trước nơi đây ta bỗng thấy mình như say cảnh bởi vẻ đẹp của núi non hùng vĩ xen lẫn ruộng đồng.
Mùa gặt xong, đất được nghỉ ngơi, cánh đồng phơi mình trong nắng. Khí hậu nơi đây dường như không rõ bốn mùa, chỉ nổi bật hai mùa mưa và nắng. Vào Hạ, khi những cơn gió mùa Tây Nam thi nhau thổi, những buổi hoàng hôn vừa nhạt nắng, lũ trẻ người Khmer trong sóc phum kéo nhau ra đồng tung cánh diều lên gió, rồi vô tư chạy theo để lộ nét tươi vui hồn nhiên trên gương mặt, và bẽn lẽn, tròn xoe đôi mắt dưới hàng mi cong vút khi tiếp chuyện với người lạ.
Mặt trời dần xuống, bóng núi nghiêng đổ. Những cụm cây thốt nốt trên bờ ruộng cũng ngả mình trải dài trên thửa ruộng. Đàn bò cũng không còn thong dong gặm cỏ nơi triền núi mà thủng thẳng theo lối mòn về chốn nghỉ. Người nông dân cũng hất cây cuốc lên vai gác lại một ngày vất vả.
Một góc chùa Tà Pạ. Ảnh: Phúc Đoan |
Ánh nắng hồng cam cuối ngày của Mặt trời rớt lên mặt hồ Soài Check phản chiếu lung linh. Những hàng cỏ lau bông trắng lất phất đón gió chiều. Tất cả tạo nên bức tranh xứ núi thật sinh động. Đây cũng là thời khắc mà người dân thị trấn và một số khách phương xa nghỉ lại Tri Tôn đến để tận hưởng cảnh yên bình. Mọi bộn bề lo toan cuộc sống như được tan biến.
Sau mùa nắng nóng kéo dài, thời tiết giao mùa, những cơn mưa đầu mùa rơi xuống mặt đất, cỏ cây như bừng tỉnh, những con người chân chất tay lấm chân bùn, rộn ràng bắt tay vào mùa cày cấy, gieo xạ. Trên đồng ta bắt gặp “Con bò đi trước, cái cày theo sau”, tiếng ì ạch, ơi ới vang vang cả cánh đồng.
Mọi thứ như tất bật, hối hả để rồi những cơn mưa lũ lượt kéo nhau về thì cũng là lúc cánh đồng Tà Pạ như tấm thảm rộng dệt màu xanh ngát. Sáng sớm sương mù lãng đãng, từng đám sương là sà trên mặt lúa xanh rờn, dập dềnh theo từng cơn gió.
Núi đồi mờ mịt trong sương. Những cung đường ngoằn ngoèo giữa cánh đồng mở ra như mảnh vải lụa mềm uốn lượn chạy về phía chân núi, khen cho ai đã khéo vẽ nên bức họa đồng quê này.
Cạnh cánh đồng là nơi phum sóc của người Khmer sinh sống. Tiếng nhạc ngũ âm cứ réo rắt, bay bổng theo gió lan ra cánh đồng, chen vào vách núi, tất cả tạo nên không gian rất lạ nếu ai đó lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này.
Xa xa bình minh ló dạng chiếu muôn ngàn tia nắng lung linh xua tan màng sương mù dày đặc. Lúc này, dãy núi Phụng Hoàng hiện rõ màu xanh biếc chen lẫn những tảng đá to và nhấp nhô bãi đá nhỏ. Vài đám mây trắng như vướng víu lại chẳng muốn rời nên cứ nằm vắt ngang giữa lưng chừng núi, như trêu ghẹo những người làm nhiếp ảnh.
Tại nơi đây thường diễn ra lễ hội đặc sắc như “đua bò” truyền thống của người dân tộc Khmer. Ấn tượng nhất là chương trình “bay trên Phụng Hoàng Sơn” gồm có dù lượn bay từ cánh đồng ruộng bay lên núi Phụng Hoàng hoặc từ Phụng Hoàng Sơn bay xuống cánh đồng Tà Pạ, bay qua những rừng cây, xóm làng.
Và máy bay mô hình bay theo đường băng tại “khu thể thao và du lịch Soài Check”. Lễ hội diều lượn động cơ và thả diều nghệ thuật cũng vi vu trên không trung giữa ruộng đồng. Đặc biệt, lễ hội khinh khí cầu diễn ra lần đầu tiên ở Miềnmiền Tây Nam Bộ đã được nơi đây tổ chức, khinh khí cầu lớn nhỏ bay lên không trung trong khung cảnh núi đồi thật rúng động biết bao trái tim yêu cảnh, yêu quê.
Cùng lúc đó, từng dòng du khách từ các nơi đổ về. Các quán xá như nhộn nhịp hẳn lên. Ngoài việc trang bị vẽ mỹ quan của quán sao cho “đẹp và độc” thì những món ăn đặc sản nổi tiếng ở địa phương như: Gà đốt, thốt nốt sữa, đu đủ đâm, cháo bò, bò nướng… cũng được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ và đậm chất, chắc sẽ làm hài lòng khách phương xa.
Đêm xuống phố đi bộ lung linh ánh đèn đủ màu sắc. Chùa Tà Pạ nằm lơ lửng giữa đồi núi trầm tịch bởi kiến trúc đặc biệt bằng các trụ bê tông khổng lồ cao vợi, mái chùa Khmer cong vút cũng rực rỡ ánh đèn.
Biểu diễn khinh khí cầu trên đồng Tà Pạ. Ảnh: Phúc Đoan |
Hướng mắt lên Phụng Hoàng Sơn trong đêm, nhiều ánh đèn lung linh bên cạnh dòng chữ “TRI TÔN” sáng rực, ta cảm giác như các vì sao bên vầng trăng lấp lánh, bầu trời như xuống thấp, không gian yên tĩnh tạo nên cảnh đẹp đến lạ thường.
Mùa lễ hội về, tất cả như háo hức, như mong đợi đến dâng trào cảm xúc vì bởi quê hương từng ngày được đổi thay do nhiều đôi tay, khối óc làm nên một Tri Tôn rạng rỡ, danh tiếng.
Tri Tôn không lộng lẫy như thành phố hay thị xã, cũng không sánh được cùng các điểm du lịch nổi tiếng nơi khác. Nhưng Tri Tôn toát lên vẻ đẹp rất riêng của miền sơn cước hoang sơ, non nước song hành, hữu tình, nơi giao thoa văn hóa của ba dân tộc Hoa- - Kinh - Khmer.
Và là nơi trải qua ba cuộc chiến tranh kháng chiến chống Pháp, Mỹ và Pôn Pốt, những mất mát đau thương đã qua, nay xứ núi Tri Tôn được vươn mình mạnh mẽ, thay diện mạo mới trên khắp quê nhà.
Góc nhìn Tà Pạ mở ra những khung cảnh đẹp, nên thơ như gọi mời, như níu chân lữ khách. Từ góc nhìn Tà Pạ và mở rộng hơn nữa những góc nhìn khác Tri Tôn sẽ có lối đi riêng cho ngành phát triển du lịch, tin rằng Tri Tôn trong tương lai sẽ vươn cao và bay xa hơn.