Một người thầy lấy thơ làm điểm tựa

GD&TĐ - Có một đoạn đường mới mở ở Đà Nẵng, rất ngắn chỉ chừng vài trăm mét, nhưng mỗi lần đi qua tôi cứ ngỡ nó dài bằng cả đời mình.

Nó xuyên ngang và lấy đi một phần Trường THPT Phan Châu Trinh cũ, để kéo dài đường Hải Phòng nối với “đường phượng bay” Lê Lợi.

Hơn 30 năm về trước, chính tại vị trí này là mái ấm đặc biệt của lũ chúng tôi – những lứa học trò các khối chuyên cấp III đầu tiên của Quảng Nam – Đà Nẵng sau ngày giải phóng (khi ấy chưa có trường riêng, nên được gửi học chung tại Trường Phan Châu Trinh). Một dãy nhà hai tầng cũ kỹ lợp tôn, từng mảng vôi vàng đã bợt thời gian…

Nơi đó, một ngày đầu thu năm 1983, tôi lần đầu được gặp tác giả những câu thơ này – thầy giáo Ông Văn Khôi. Suốt ba năm cấp III của lớp Văn chúng tôi do thầy làm chủ nhiệm. Ngày ấy, ngoài thầy Khôi đứng lớp chính, còn có nhiều thầy cô giáo trẻ vừa ra trường tham gia thỉnh giảng, tập huấn văn chương cho tụi đàn em “gà nòi” thi đấu.

Là hai thầy cùng tên Huỳnh Văn Hoa (một dịch sách, một viết lý luận phê bình), là thầy Bùi Văn Tiếng (hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng), là các thầy giáo - thi sĩ Nguyễn Minh Hùng, Trương Vũ Thiên An…

Bây giờ, sau 37 năm, tôi thật không nhớ rõ mình đã được thầy Khôi chép tặng riêng bài thơ nào? Như cách thầy đều đặn ghi vào từng cuốn lưu bút của học trò những bài thơ viết riêng cho từng đứa. Những dòng thơ đã theo lũ học trò tung bay khắp bốn phương trời. Những dòng thơ “lưu lạc”. “Cầm bút viết/Mà lòng không nỡ viết/Viết là xa/Biết đến bao giờ?”.

Tác giả Ông Văn Khôi.

Tác giả Ông Văn Khôi.

Sáu năm trước, ở tuổi 72, thầy Ông Văn Khôi mới in tập thơ riêng đầu tay, sau rất nhiều thơ in trong các tuyển tập. Tập thơ “Gửi nhớ theo sông” (NXB Hội Nhà văn, 2015) ấy chọn lọc những “bài thơ lưu lạc” gửi tặng bao lứa học trò mà thầy còn giữ được bản thảo, hoặc viết lại theo trí nhớ.

Những câu thơ cứ thảng thốt tâm trạng hụt hẫng, cùng niềm khắc khoải nhớ mong những thế hệ học trò: “Mai ngày muôn dặm xa xôi/ Khách đi, để lại mồ côi con đò” (Em đi). “Tôi - gốc phượng cuối sân nở nhành hoa im lặng/Em là cánh chim bạt gió cuối ngàn/Có bao giờ chim lại về trên cành vắng/Giọt nước bao giờ về lại bến sông?”(Bao giờ). “Ta gửi nhớ thương vào dòng nước chảy/Cổ thụ ngàn năm nhớ nước ở ngàn sâu” (Gửi theo dòng nước).

Rồi cảm giác thời gian gấp ruổi, thầy in liền 4 tập thơ nữa, mỗi năm ra một tập. Đều là những dòng thơ chắt lọc từ cuộc đời lắm nỗi lao lung. Là người giúp thầy đọc sửa, chọn lọc những bài thơ cuối đời từ một “kho” thơ vô tận, tôi càng lúc càng bàng hoàng nhận ra chân dung thầy mình, mà từ bao nhiêu năm xưa thuở học trò vô tư không thể nào thấy được.

Sau khi cha hy sinh, mẹ đi bước nữa, đứa trẻ mồ côi 13 tuổi dòng dõi Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường cùng em trai rời mảnh đất Hòa Vang (Đà Nẵng) vượt Trường Sơn ra đất Bắc. Lớn lên từ trường học sinh miền Nam, tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1964 - 1967, thầy Ông Văn Khôi vào tuyến lửa Nghệ An, Quảng Bình dạy học.

Mái trường cấp III Bố Trạch (Quảng Bình) những năm tháng ấy bom rơi đạn réo giữa những tiết giảng. “Gỗ xuôi dòng Son làm hầm dựng lớp/Tiếng giảng bài như ru, đạn bom không át được/Để các em lớp lớp lớn khôn/Từ mảnh đất nghèo, lần lượt những đứa con/Rời trường, xa quê lên đường chống Mỹ/Vào giảng đường thành nhà thơ, kỹ sư, bác sỹ/Về xóm thôn làm nữ dân quân…” (Mái trường tôi yêu).

Và máu cũng đã đổ xuống trên những trang vở học trò: “Máu những em tôi ngã xuống hôm nào/Sân trường rơi vàng quả thị/Có về đây không em Mai, em Thủy/Thầy Thúc ru em “con chim xanh ăn trái xoài vàng…/Ngọn đèn phòng không như mắt ai soi từng dòng bài học/Chôn chặt trong tim nghẹn ngào tiếng khóc/Vẫn học cả khi đầu trắng khăn tang” (Chuyện ngày xưa).

Những tập thơ của thầy.

Những tập thơ của thầy.

Nỗi khắc khoải thương nhớ học trò, nỗi niềm hoàn cảnh riêng tư, nỗi ưu hoài thời cuộc, làm nên phong vị thơ, cũng là tâm sự đời người của thầy – người chưa khi nào nhận mình là “nhà thơ”. “Tôi gọi thầm tên em/Như gió gọi ngàn từ niềm sâu thẳm/Như gọi một ngày của thời gian không tới bao giờ” (Gọi một ngày không tới). “Bắc chiếc siêu thần lên bếp thời gian mà sắc/Đem niềm đau cô lại thành thơ/Gom góp bát vị cuộc đời thành thang thuốc bắc/Từ thuở vị lai ngấm tận bây giờ” (Giọt lệ tạ ơn).

Phải có trái tim thật khỏe mới chịu được những nỗi niềm như thế, suốt một đời người. Và quả thật, trái tim ấy có lúc tưởng chừng không chịu nổi. Cũng vào những Ngày Nhà giáo Việt Nam này của 9 năm về trước, bước vào tuổi 70, trái tim thầy trải qua cuộc đại phẫu lần thứ nhất. Và giờ, ở tuổi ngót 78 cuộc đại phẫu trái tim lần thứ hai vẫn chờ phía trước, khi cái van tim nhân tạo sắp “hết hạn sử dụng”…

Dãy lớp học xưa của tôi giờ đã tan vào bụi đất. Tôi nghĩ nhiều về những con đường. Có đoạn đường băng qua ký ức của tôi. Có con đường 42 năm hun hút trải dài trên bục giảng, chất chứa bao cuộc chia ly, chia tay, chia phôi của thầy tôi. Và những con đường muôn ngả mỗi đứa học trò của ngót 40 năm về trước như chúng tôi đã âm thầm đi, và âm thầm ngoái lại.

Tôi tự hỏi, nếu không có thơ, thầy tôi sẽ vượt qua bao dông gió cuộc đời bằng cách gì. Để “Nói về các em, tôi nói về cây bàng còn tươi xanh mãi/Đang giơ bàn tay vẫy nắng mỗi mai lên” (Bao giờ). Và “Chợt cười vang giữa đất trời/Trần ai ai chẳng rối bời buồn đau/Sá chi con tạo cơ cầu/Vẫn là “ngựa chứng” ngẩng đầu mà phi” (Nghĩ từ một ngày).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ