“Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải: “Hạt bụi vàng” của đất kinh kỳ

GD&TĐ - Tác phẩm của Nguyễn Khải đã xây dựng thành công nhân vật bà Hiền, một người Hà Nội chân chính mang đậm nét bản sắc văn hóa của Hà Nội.

Cầu Thê Húc, lối đi độc đạo dẫn vào đền Ngọc Sơn. Tên cầu nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của Mặt trời.
Cầu Thê Húc, lối đi độc đạo dẫn vào đền Ngọc Sơn. Tên cầu nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của Mặt trời.

Bản sắc đó là vừa giản dị, vừa lịch lãm sang trọng, bản lĩnh mà tinh tế, trí tuệ sắc sảo, mà có tâm hồn nhạy cảm, hào hoa, yêu cái đẹp. Qua hình tượng nhân vật bà Hiền, Nguyễn Khải bộc lộ niềm tự hào bản sắc văn hóa, con người của đất Thăng Long ngàn năm văn vật.

“Một người Hà Nội” không có những éo le xung đột, không giàu kịch tính, mà chủ yếu được nhà văn triển khai qua bốn sự kiện: Bà Hiền chọn chồng, bà Hiền bị nghi là tư sản, bà Hiền khi các con bà tình nguyện đi chiến đấu, quan điểm của bà Hiền trước lối sống của Thủ đô trước thời kì kinh tế thị trường. Từ đó, tác giả thể hiện những suy tư chiêm nghiệm của mình.

Qua bốn tình huống ấy, người đọc hình dung được gần như trọn vẹn về cuộc đời bà Hiền từ thời thiếu nữ mơ mộng, chủ nhân của một salon văn chương có tiếng của Hà Nội trước 1945 đến một bà Hiền là chủ một gia đình trong việc nuôi dạy con cái, trong cách sống hàng ngày và trong các quan hệ với xã hội mới. Phát hiện vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Việt Nam qua bao   biến động thăng trầm của đất nước, cái mà Nguyễn Khải quan tâm và tập trung thể hiện ở nhân vật bà Hiền chính là vẻ đẹp của một lối sống, một nhân cách người Hà Nội, một người Hà Nội của hôm nay, thuần túy,   không pha trộn.

Người phụ nữ là nội tướng trong gia đình

Trong tư cách người mẹ, người vợ, người chủ gia đình hay tư cách một công dân, ở nhân vật bà Hiền đều toát lên một vẻ đẹp của nhân cách, của lối sống văn hóa. Đó là con người luôn giữ vững những quan niệm và cách sống của mình, không bị biến suy theo những đổi thay của thời cuộc, lại tỉnh táo sáng suốt không xu thời nhưng cũng không rơi vào tình thế của kẻ lạc thời.

Bà Hiền xuất thân trong một gia đình giàu có, xinh đẹp, thông minh, có ông bố đậu tú tài, mê thơ văn dạy con cái theo khuôn phép nhà quan. Bà thuộc thế hệ tân tiến trong lớp thanh niên thành thị lúc bấy giờ. Thế nhưng đến khi gần 30 tuổi chọn chồng, bà lại chọn một ông giáo tiểu học hiền lành chăm chỉ “khiến cho cả Hà Nội phải kinh ngạc”. Đây là một sự lựa chọn tỉnh táo chứa đựng bản lĩnh cá nhân và thể hiện một triết lí sống đáng nể trọng, một quan niệm nghiêm túc về hôn nhân và gia đình. Bà không chạy theo thói sống phù hoa giả tạo, mà hướng tới một cuộc hôn nhân bình dị, bền vững.

Ở cái thời mà đông con nhiều cháu vẫn được coi là có phúc lớn thì bà Hiền lại quyết định ngừng việc sinh đẻ ở độ tuổi 40. Không phải bà ngại vất vả cũng không phải do thiếu thốn về kinh tế mà vì như lời bà nói với chồng: “Từ nay chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi tuổi rồi, nếu ông và tôi sống đến sáu chục thì con út đã 20, có thể tự lập được, khỏi phải sống bám vào các anh chị”. Lời nói của bà Hiền thể hiện ý thức trách nhiệm, sự tỉnh táo của người làm cha, làm mẹ với tương lai của con. Với bà, sống tự lập là một giá trị, một đòi hỏi cao về nhân cách, lối sống.

Bà còn dạy dỗ bảo ban con cách sống là một người Hà Nội lịch sự, tế nhị, hào hoa, biết giữ gìn phẩm giá.

Bà dạy con từ những chuyện nhỏ nhất như cách ngồi vào bàn ăn, cách cầm bát, cầm đũa, cách múc canh, cách nói chuyện trong bữa ăn đến cái lớn nhất là quan niệm sống, lẽ sống: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng”. Tức là, trong quan niệm của bà, là người Hà Nội vừa là một vinh dự, vừa là trách nhiệm. Việc dạy dỗ con cái của bà không phải chỉ nhằm vào những hành vi cụ thể, những nền nếp tỉ mỉ trong đi đứng, nói năng, ăn uống.

Tất cả những điều đó nhằm hướng tới điều quan trọng nhất trong nhân cách của một con người: Giữ gìn phẩm giá. Bà thể hiện rõ quan điểm dạy con chính là dạy văn hóa: “Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ còn sau này muốn sống ra sao thì tùy”. Trong gia đình, bà Hiền là một nội tướng để gìn giữ nghiêm cẩn nền nếp gia phong của người Hà Nội.

Sự tỉnh táo thức thời và không xu thời

Những ngày đầu làm quen với chính thể mới, xã hội mới, nhiều người dân Hà Nội thời ấy không tránh khỏi những khó khăn bỡ ngỡ, e ngại nhất là những người thuộc tầng lớp trên. Chính trong những năm tháng ấy càng bộc lộ rõ ở bà Hiền sự tỉnh táo thức thời mà không xu thời.

Bà từng tuyên bố: “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”. Câu nói thể hiện một bản lĩnh cá nhân, một cái nhìn, một lập trường vững vàng trước cuộc sống. Không nông nổi, ấu trĩ hay cơ hội, cũng không đặt mình vào thế đối lập với xã hội mới, chế độ mới, bà Hiền biết tìm ra cách thích ứng, nhưng đồng thời cũng sớm nhận ra những ấu trĩ, lệch lạc, cực đoan của chính quyền cách mạng của chế độ mới. Bà nhận xét ngay từ những ngày đầu mới tiếp quản Thủ đô: “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ”.

Bà cũng rất tỉnh táo khi phê phán Chính phủ can thiệp quá nhiều vào việc của dân, nào là việc tập thể dục buổi sáng, phải sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, vợ chồng phải sống ra sao, trai gái phải yêu nhau thế nào, thậm chí cả tiền công sá cho kẻ ăn người ở. Bà cũng nhận ra có cái gì đó không phù hợp trong cách nghĩ không thích cá nhân làm giàu.

Bằng sự tỉnh táo và rất thực tế không lãng mạn, viển vông, bà đã giữ cho gia đình đi qua những thăng trầm của lịch sử một cách bình yên, đàng hoàng và ấm áp. Là tư sản mà khi ở với chính quyền mới, gia đình bà không hề hấn gì bởi bằng cái nhìn sáng suốt bà đã bán một căn nhà để không bị quy là tư sản, không cho chồng mua máy in, mở nhà in.

Bà có thể nuôi sống gia đình một cách đàng hoàng bằng sự đảm đang, tháo vát mà không hề dính dáng đến hai chữ bóc lột. Bà không xu thời cũng không chạy theo thời mà tự giác điều chỉnh công việc mỗi khi cơ chế thay đổi. Có thể thấy rằng, bà là người tỉnh táo, có một cái nhìn thấu đáo về xã hội. Đó là con người luôn biết làm chủ hoàn cảnh, tồn tại một cách linh hoạt, uyển chuyển trong những biến động của thời cuộc.

Để làm nổi bật bản lĩnh cá nhân, sự thích ứng linh hoạt và đầu óc thực tế của bà Hiền, nhà văn rất hay dùng chữ “tính”: “Tính thế nào là đúng”, “mọi việc đều được bà tính trước và luôn tính đúng”, “đã tính là làm”, “cô tôi tính toán việc nước, việc nhà đại khái như thế”. Trong chữ “tính” ấy chứa đựng sự tỉnh táo của tư duy, sự nhạy bén của trí tuệ và sự sáng suốt, khôn ngoan của bà Hiền.

“Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải: “Hạt bụi vàng” của đất kinh kỳ ảnh 1

Dạy con biết sống tự trọng, có trách nhiệm

Bà Hiền còn là một người Hà Nội giàu lòng tự trọng, có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Đây là một nét đẹp khác trong nhân cách của bà Hiền ở phương diện con người công dân. Đó là một tinh thần trách nhiệm không được thể hiện qua những lời nói bốc đồng ồn ào, hời hợt mà được thổ lộ một cách sâu sắc. Việc hai người con lần lượt xung phong đi bộ đội vào Nam chiến đấu và thái độ, cách ứng xử của bà Hiền thể hiện rõ điều đó.

Khi người con trai đầu xung phong nhập ngũ, bà trả lời câu hỏi của nhân vật tôi: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Ba năm sau, người anh ở chiến trường không có tin tức gì về, đứa em lại xung phong đi bộ đội. Lần này bà nói: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”, “Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì”.

Trong lời thổ lộ của bà Hiền bộc lộ những giằng xé âm thầm giữa nỗi lo âu và ý thức danh dự. Không một bà mẹ nào muốn con gặp hiểm nguy, gian khổ, nhưng không bà mẹ nào muốn con sống đớn hèn và nhục nhã. Giữa sự sống chết và danh dự của bản thân, bà Hiền đã lựa chọn danh dự, dù rằng đây là một lựa chọn đầy đau đớn. Sự lựa chọn của bà Hiền thể hiện cách ứng xử đầy tự trọng của một người Hà Nội. Bà không che giấu nỗi đau của mình, cũng không vờ vui vẻ ồn ào. Với bà, đây là một quyết định khó khăn, đau đớn nhưng hợp lý nhất.

Cốt cách hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội

Một nét đẹp khác trong nhân cách của bà Hiền là lối sống lịch lãm, sang trọng của người Tràng An. Lối sống đó là biểu hiện cho một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, hào hoa, thanh lịch, yêu cái đẹp.

Ngay trong những hoàn cảnh rất khó khăn thiếu thốn ở miền Bắc những năm tháng chiến tranh, bà Hiền vẫn không bỏ một nếp sống quen thuộc. Bà vẫn duy trì nền nếp sinh hoạt một tháng một lần tổ chức một bữa ăn bạn bè gồm các cựu công dân Hà Nội: “Bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa nhỏ, bát đặt trên đĩa, đũa bọc trong giấy bản”.

Trong điều kiện phải thích nghi với cuộc sống giản đơn, nghèo nàn, thậm chí là lam lũ của xã hội thời ấy, bà và những người bạn vẫn không quên và muốn được sống những khoảnh khắc sang trọng, lịch sự, văn minh, xứng đáng với tư cách và giá trị của họ. Bà cũng như các bạn bè của mình khi cần cũng biết sống cho mình, biết bỏ bộ đồng phục hóa thân thành những con người khác để những con người yêu cái đẹp phải ngắm nhìn.

Nét nhân cách này của bà Hiền được tác giả tô đậm ở phần cuối truyện. Sau nhiều năm sống ở TPHCM, người cháu có dịp ra Hà Nội đến thăm bà cô của mình vào một ngày giáp Tết. Bà Hiền đã già đi nhiều, nay đã trên 70 tuổi nhưng vẫn giữ nguyên phong thái và nếp sống lịch thiệp như xưa.

Chi tiết về cái phòng khách được bày biện trang nhã mà không cầu kì gợi lên cái trầm tích văn hóa cổ kính của Hà Nội, nhưng đồng thời cũng là nơi phô diễn văn hóa của chủ nhân. Hình ảnh bà Hiền đang cẩn thận tỉ mỉ lau đánh cái bát men ngọc dùng đựng hoa thủy tiên ngày Tết toát lên một nếp sinh hoạt, một nét văn hóa của đất Thăng Long luôn tự tại, ung dung, điềm tĩnh, không bao giờ thái quá. Đó là vẻ đẹp của một văn hóa sống bền vững, sâu xa vượt qua tất thảy mọi biến thiên xô bồ, thăng trầm của xã hội.

Trước những lời phàn nàn của người cháu về sự hỗn tạp, thiếu văn minh, xuống cấp trong lối sống và cách giao tiếp của một bộ phận người Hà Nội, nhất là lớp trẻ, bà Hiền không trả lời mà kể lại câu chuyện về sự sống lại của cây si đền Ngọc Sơn. Hình ảnh cây si đền Ngọc Sơn sống lại là một biểu tượng giàu ý nghĩa.

Những biến động dữ dội của xã hội, những thay đổi của lịch sử chẳng khác nào như cơn bão lớn kia khiến nhiều giá trị vốn bền vững và quen thuộc của đời sống đã bị lung lay bật gốc, tưởng như sắp tiêu tan. Nhưng sự sống rất huyền nhiệm. Những giá trị tốt đẹp đã được hình thành và xây đắp từ bao đời sẽ được đặt lại đúng với vị trí của nó. Cũng như mọi thứ xô bồ, hỗn tạp của Hà Nội hiện thời chỉ là những rác nổi trên bề mặt của đời sống, rồi đến lúc nó sẽ bị cuốn đi để một Thủ đô với 1.000 năm văn hiến, với sự thanh lịch của người Tràng An sẽ trở lại.

Bà Hiền chính là một hạt bụi vàng, một sự vật nhỏ bé khiêm nhường mà cao đẹp, quý báu. Lời bình luận ở cuối truyện của nhân vật, người kể chuyện thể hiện một tình yêu sâu nặng, một niềm ngưỡng mộ thiết tha đối với văn hóa đất Kinh kỳ: “Một người như cô phải chết thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất Kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”. Ánh vàng ấy là phẩm giá người Hà Nội, là cái truyền thống, cốt cách người Hà Nội, một Hà Nội linh thiêng và hào hoa.

“Lớp người này không còn vương sót lại bao nhiêu – nó là một thứ “Hà Nội vang bóng một thời”. Lớp người này có một cái gì đó sang và đẹp. Họ khôn ngoan thật, nhưng biết tự trọng. Khôn ngoan để thích ứng với thời thế, nhưng không chịu để mất niềm tin riêng, cốt cách riêng. Ấy là một lối sống, một nền nếp văn hóa riêng dường như mang linh hồn nghìn xưa của đất đế đô thanh lịch, là một di sản quý rất cần trân trọng như trân trọng những ngôi nhà cổ, những phố cổ của Hà Nội vậy”... (Nguyễn Đăng Mạnh).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.
Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.