Một cuộc đoàn viên

GD&TĐ - Đó là cách mà truyền thông Mỹ nói về việc bố mẹ vợ Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nhập quốc tịch nước này. Ngày 9/8, cha mẹ của Đệ nhất phu nhân Melania Trump, ông Viktor và bà Amalija Knavs, người Slovenia, đã tuyên thệ trở thành công dân Mỹ tại Tòa nhà Liên bang Jacob J. Javits tại Manhattan, sau một lễ nhập quốc tịch kéo dài 20 phút.

Ông Viktor và bà Amalija Knavs - bố mẹ Đệ nhất phu nhân Melania Trump nhập quốc tịch Mỹ tại New York City ngày 9/8/2018. Ảnh: New York Times
Ông Viktor và bà Amalija Knavs - bố mẹ Đệ nhất phu nhân Melania Trump nhập quốc tịch Mỹ tại New York City ngày 9/8/2018. Ảnh: New York Times

Hành trình trở thành Đệ nhất phu nhân nước Mỹ

Trước khi nói về vụ nhập quốc tịch gây “bão truyền thông”, thiết nghĩ cũng cần nhắc lại con gái của “hai công dân mới toanh của nước Mỹ” kia là ai.

Đệ nhất phu nhân Melania Trump sinh ngày 26/4/1970, tại Novo Mesto, miền Nam Slovenia. Tính đến nay, bà là Đệ nhất phu nhân thứ hai của nước Mỹ sinh ra tại nước ngoài (người đầu tiên là bà Louisa

Catherine Johnson Adams - phu nhân cố Tổng thống John Quincy Adams, sinh ra tại Anh). Bà Melania là Đệ nhất phu nhân duy nhất của nước Mỹ mà ngôn ngữ mẹ đẻ không phải tiếng Anh và cũng là Đệ nhất phu nhân duy nhất của nước Mỹ không phải là người vợ đầu tiên của Tổng thống. Trước bà Melania, ông Trump đã từng kết hôn với bà Ivana. Năm 1992, hai người ly hôn. Ông Trump kết hôn với bà Marla Maples và chung sống cho tới năm 1999.

Năm 1986 khi 16 tuổi, Melania bắt đầu bước lên sàn catwalk. Hai năm sau đó, cô đã ký hợp đồng người mẫu với một công ty quản lý tại Milan, Ý, rồi liên tục xuất hiện tại những buổi trình diễn thời trang đình đám ở Paris và Milan. Một điều làm nên sự khác biệt ở Melania Knauss mà ít người đẹp có được chính là sự thông minh và khối kiến thức hiểu biết khá rộng. Cô có thể sử dụng trôi chảy 4 ngoại ngữ, tốt nghiệp Học viện Thiết kế và Kiến trúc ở thủ đô Ljubljana.

Melania bắt đầu làm người mẫu và trở thành công dân Mỹ sau khi tới nước này theo visa Einstein dành cho “những cá nhân có năng lực xuất sắc”, vào năm 2001.

Melania, vợ ông Donald Trump, trở thành công dân Mỹ vào năm 2006, qua một quá trình 5 năm với nhiều thủ tục, thực hiện được các điều kiện theo quy định, dù rằng khi đó bà đã là vợ của nhà tỷ phú - Tổng thống tương lai của nước Mỹ.

Cuộc nhập quốc tịch gây bão

Luật sư của ông bà Knavs, Michael Wildes, khi trả lời phỏng vấn trên tờ New York Times, đã nói rằng “đây là một ví dụ quan trọng cho thấy mọi thứ đang đi đúng hướng”.

Câu nói này được giới truyền thông hiểu như một cách bóng gió chỉ trích chính sách “không khoan nhượng” đối với người nhập cư của ông Donald Trump. Luật sư Wildes đã gọi lễ nhập quốc tịch của bố mẹ vợ ông Trump là “truyền cảm hứng” và "ấm lòng”.

Tuy nhiên, nói như William White, thì: “Tôi mừng cho họ. Có vẻ như giờ chúng ta có hai chế độ nhập cư. Một dành cho người không có quyền lực và một chế độ dành cho những người vào nước Mỹ theo lối VIP”.

Cách nói này được hiểu như một câu hỏi: Nếu ông bà Knavs không phải là cha mẹ đẻ của Đệ nhất phu nhân nước Mỹ thì liệu họ có “thoát khỏi” chính sách nhập cư “không khoan nhượng” của con rể hay không?

Hồi tháng 2, cha mẹ của bà Melania đã được định cư tại Mỹ, tuy rằng cách thức và thời điểm họ được cấp thẻ xanh còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, theo quy chế nhập tịch, để trở thành công dân, ông bà Knavs cần sở hữu thẻ xanh trong ít nhất 5 năm. Ngoài ra họ phải có được những nhận xét tốt về pháp lý, cư trú liên tục tại Mỹ và có kiến thức căn bản về đất nước này. Thời gian trung bình chờ hồ sơ được xử lý tại thành phố New York là từ 11 đến 21 tháng - theo Sở Di trú và Nhập tịch.

Việc bố mẹ vợ của ông Trump nhập quốc tịch Mỹ lần này khiến người ta nhớ lại trước đây không lâu chính Đệ nhất phu nhân của nước này cũng phản ứng với chính sách cấm người nhập cư “quá cứng rắn” của chồng khi tách những đứa trẻ ra khỏi cha mẹ chúng. Không hiểu do sức ép của người vợ trẻ hay là do sự “hồi tâm chuyển ý” mà ông Trump sau đó đã từ bỏ quyết định “cứng rắn đó” những đứa trẻ của người nhập cư trái phép đã không bị tách khỏi cha mẹ.

Với việc nước Mỹ chấp nhận “ông bà nhạc” của Tổng thống, khiến người ta nhớ lại rằng từ lâu chính ông Trump đã công kích chính sách nhập cư theo gia đình (còn gọi là “di cư chuỗi”). Ông Trump hay nhắc lại vụ khủng bố của Sayfullo Saipov tại New York tháng 10/2017, khi người này đến từ

Pakistan đã tông xe bán tải vào nhóm người đi xe đạp, khiến 8 người thiệt mạng. Lúc đó, Saipov đã lấy được thẻ xanh.

Người ta cũng không quên, năm 2017, ông Trump từng viết trên Tweet: “Di cư chuỗi cần kết thúc ngay bây giờ! Một số người đến rồi mang theo cả gia đình với họ mà những người này lại rất xấu xa. Không thể chấp nhận được!”.

Về vấn đề này, ông Trump đã phải hứng chịu sự phản đối của hầu hết các bang trên đất Mỹ.

Những công dân mới của nước Mỹ khi tuổi đã ngoài 70

Ông Viktor năm nay 74 tuổi; bà Amalija Knavs, 73 tuổi, nuôi cô con gái Melania tại thị trấn Sevnica, đất nước Slovenia. Ông

Viktor làm nghề buôn bán xe hơi còn bà Amalija, trồng hành tây và làm việc trong nhà máy dệt.

Tuy không phải là người có địa vị cao trong xã hội, cũng như thu nhập rất bình thường, nhưng họ đã đầu tư lớn vào cô con gái Melania xinh đẹp. Cùng với việc học phổ thông với ngôn ngữ quốc gia Slovakia, thì cô bé Melania đã được học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Ý ngay từ nhỏ. Cha mẹ của Melania cũng luôn ủng hộ những ý tưởng táo bạo của cô.

Ông Viktor 74 tuổi, lớn hơn con rể là Tổng thống Donald Trump 2 tuổi. Bà Amalija, mẹ vợ của ông Trump, lớn hơn ông Trump 1 tuổi.

Trở lại với việc nhập quốc tịch của ông bà Knavs, người ta hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ “nhẹ nhàng” hơn trong chính sách đối với người nhập cư. “Bố mẹ vợ ông Trump đã thành công dân Mỹ khi tuổi đã 70 thì rất có thể nhiều người nhập cư trẻ tuổi khác sẽ có cơ hội. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng hãy chúc mừng cho họ: Cha mẹ, vợ con, ông cháu đã đoàn tụ” - một nhận xét trên tờ Business Insider.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ