Khi Wolrd Cup thành lá bài chính trị

GD&TĐ - Nguyên tắc tối thượng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) là cấm tuyệt đối việc đưa chính trị vào bóng đá, đặc biệt tại các vòng Chung kết bóng đá thế giới (Wolrd Cup). Thế nhưng, bên ngoài sân vận động, đặc biệt trong những vấn đề tưởng chừng không hề liên quan tới bóng đá, thì sự việc lại khác hẳn.

Khi Wolrd Cup thành lá bài chính trị

Những cú “trả bài” ngược

Câu chuyện nổi bật nhất là nước Anh, khi Thủ tướng Theresa May tuyên bố tẩy chay World Cup 2018 do Nga đăng cai, ngay từ khi nó chưa khởi tranh. Lý do được đưa ra là cáo buộc của Anh về việc Nga đứng đằng sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang Skripal tại London hồi tháng 4/2018.

Với sự ảnh hưởng to lớn, lời kêu gọi của Thủ tướng Anh đã được hàng loạt quốc gia phương Tây hưởng ứng, trong đó có Mỹ, Đức, Đan Mạch… Đi xa hơn nữa, bà May còn kêu gọi đội tuyển nước này tẩy chay nốt World Cup, hoặc ít nhất người dân Anh đừng có sang Nga tham dự ngày hội bóng đá này. Đáp lại, huấn luyện viên đội tuyển Anh, ông Gareth Southgate trả lời truyền thông rằng, chính trị là chính trị, bóng đá là bóng đá, chẳng liên quan gì tới nhau.

Đen cho bà May, đội Anh thi đấu khá hay tại World Cup lần này và chỉ chịu thua cuộc trước Croatia trong trận bán kết vừa diễn ra rạng sáng 12/7 theo giờ Việt Nam. Trước đó nữa, một số cổ động viên Anh trở về sớm từ nước Nga, đã lên mạng xã hội chỉ trích chính phủ của bà May về việc quay lưng với đội tuyển quốc gia, đồng thời ca ngợi rằng Nga tổ chức một giải đấu quá ấn tượng, rằng người Nga rất thân thiện…

Một nữ Thủ tướng khác, bà Angela Merkel, người đứng đầu chính phủ Đức, cũng hứng chịu chỉ trích dữ dội của người hâm mộ tại World Cup 2018. Khác với nước Anh, bà Merkel khiến người hâm mộ nổi giận bởi rất nhiều lý do.

Trước hết, đó là sự ủng hộ của bà đối với quan điểm chống Nga từ Thủ tướng Anh Theresa May; thứ nữa là thành tích quá kém cỏi của đội tuyển Đức tại giải đấu này (bị loại ngay từ vòng bảng, dù là đương kim vô địch). Sự phẫn nộ được người hâm mộ trút lên đội tuyển và lên cả cá nhân bà Merkel, trong đó chính sách nhập cư của bà bị chỉ trích nhiều nhất và là cơ hội để đảng đối lập giành điểm trước công chúng Đức.

Và những “lá bài” sấp ngửa

Suýt chút nữa thì thảm họa chính trị sẽ ghi dấu ấn tại World Cup 2018, sau trận tứ kết giữa đội tuyển Croatia và đội chủ nhà Nga. Trên khán đài danh dự, nữ Tổng thống khả ái của Croatia, bà Kolinda Grabar Kitarovic, tươi cười cùng Thủ tướng Nga D.A. Medvedev và Chủ tịch FIFA G. Infantino. Dưới sân, hai đội đôi công quyết liệt với thế trận ngang tài ngang sức, để rồi Croatia chỉ thắng may mắn tại vòng cân não luân lưu 11 mét.

Người Nga tất nhiên buồn vì đội tuyển không vào sâu hơn, nhưng họ không quá thất vọng, bởi vào được đến tứ kết một vòng World Cup đã là kỳ tích đối với nước này. Có điều những diễn biến sau đó thì thực sự khiến người Nga phẫn nộ.

Số là trong cơn say chiến thắng, trợ lý huấn luyện viên Ognjen Vukojevic và trung vệ Domagoj Vida đã đưa lên trang mạng cá nhân đoạn trích bản nhạc “Vinh quang Ukraine”. Điều đó được mặc định là một hành động phỉ báng nước Nga. Lập tức chính phủ Croatia phải lên tiếng xin lỗi. Ông Ognjen Vukojevic thì bị Liên đoàn Bóng đá Croatia sa thải, còn trung vệ Vida may mắn hơn, chỉ bị phạt tiền...

Cả hai người này (từng cùng thi đấu cho một CLB tại Ukraine) thanh minh chỉ là tôn vinh CLB cũ đã góp phần đưa họ đến vinh quang ngày hôm nay, nhưng giới chính khách và người dân Nga thì nghĩ khác.

Thế là thật hài hước, trong trận bán kết vừa diễn ra giữa Anh và Croatia, người Nga lại hết lòng cổ vũ đội tuyển Anh, còn bà Kolinda Grabar Kitarovic thì ăn mừng chiến thắng ở… Bruxelles (Bỉ), nơi đang diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO, mang theo một chiếc áo thi đấu bóng đá với con số 9, ghi tên ông… Trump, tất nhiên để tặng Tổng thống Mỹ. Một chiếc áo khác mang số 10, ghi tên bà Theresa May. Người Nga tự hiểu lãnh đạo Croatia chọn lựa bên nào trong bối cảnh phức tạp của chính trường châu Âu hiện nay.

Còn một câu chuyện thú vị khác không thể không nhắc tới. Dù cũng ủng hộ lời kêu gọi tẩy chay World Cup của Thủ tướng Anh Theresa May, nhưng trong trận bán kết thứ nhất giữa Pháp và Bỉ (1 giờ sáng 11/7), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bay tới St Petersburg để xem trận đấu mà không có bất cứ cuộc gặp gỡ nào với các nhà lãnh đạo Nga. Ông Macron, vốn là một người hâm mộ bóng đá, tất nhiên xác nhận sẽ tới dự khán trận chung kết diễn ra vào ngày 15/7, đồng thời cũng để ngỏ khả năng gặp Tổng thống Nga V.Putin.

Nên nhớ, ngày 17/7 là ngày dự kiến sẽ diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phần Lan. Ai mà biết, liệu ông Macron và ông Putin (vốn từng có quan hệ hữu hảo) có “tranh thủ” thỏa thuận gì trong cuộc gặp không chính thức nhân trận chung kết World Cup tới đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ