Một cách cảm và hiểu bài ca dao Bông cúc vàng

Một cách cảm và hiểu bài ca dao Bông cúc vàng

- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím

Em đi lấy chồng, trả yếm cho anh.

- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh

Yếm của em, em mặc, của anh đâu mà anh đòi!

Bài ca dao trữ tình thật hay, thật xúc động nhưng đã gây nên những cách cảm hiểu khác nhau, có lẽ ngay từ khi nó ra đời, cho đến hôm nay. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng 2 câu hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tímhoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh không chỉ hoàn toàn vô lý về mặt sinh học mà còn chẳng có tác dụng nghệ thuật gì! Thêm nữa, chúng chỉ làm cho bài ca dao vốn đã ngắn ngủi, lại bị trùng lặp cả ý lẫn lời. Hai câu đầu có thể là lời của chàng trai đòi yếm khi cô gái bỏ anh đi lấy chồng. Chàng trai thật nhỏ nhen, đã tặng còn đòi, không đáng mặt đàn ông! Nhưng cũng có thể là lời cô gái khi đi lấy chồng (vì một lý do nào đó) thông báo sẽ trả lại cái yếm mà người yêu đã tặng (để khỏi bị chồng hiểu lầm, ghen tuông sau này;… để người yêu đi tìm hạnh phúc mới!). Cô gái vừa tình nghĩa, vừa khôn ngoan, đáng nể! Hai câu sau, nếu là lời của chàng trai thì chàng trai tỏ ra bài bây, hằn học. Nếu là lời của cô gái thì đó là cô gái nanh nọc, đáo để. Khi đã hết tình yêu thì đối xử với người cũ còn tệ hơn cả người dưng!v.v…

Tôi cho rằng, cảm hiểu như thế là chưa xuất phát từ góc nhìn thi pháp thể loại một cách cụ thể, nên nghiêng về suy diễn chủ quan, cảm tính thông thường.

Tôi xin đưa một cách cảm hiểu của mình, được phân giải giản dị như sau:

Trước hết, tôi hoàn toàn tán thành 2 câu: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tímhoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh… vô lý về ý nghĩa sinh học nhưng hoàn toàn không phải là hai câu vu vơ, thừa thãi, chẳng có tác dụng nghệ thuật gì, mà ngược lại, đây chính là một trong những biện pháp nghệ thuật đặc thù phổ biến của ca dao trữ tình giao duyên Việt Nam: thể hứng. Tương tự như những câu: Trên trời có đám mây xanh/ ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng/ ước gì anh lấy được nàng… Trên trời có vẩy tê tê/ có ông bảy vợ chẳng chê vợ nào! Nhưng ở 2 câu hoa cúc vàng này, ngoài điều đó ra, nghĩa ẩn dụ còn sâu xa hơn: sự vô lý sinh học – sự biến đổi màu sắc của hoa cúc phải chăng thể hiện sự thay đổi, phản bội của con người – cô gái, với người yêu của mình? Sự biến đổi (nở hoa) trái quy luật tự nhiên. Câu trên nói hoa thay đổi màu để bắt xuống câu dưới nói thẳng vào hành động và tâm trạng của con người.

Một cách cảm và hiểu bài ca dao Bông cúc vàng ảnh 1

Thứ hai, về cấu trúc: đây là cấu trúc đối đáp giao duyên nam nữ, một trong những cấu trúc quen thuộc, phổ biến nhất của ca dao truyền thống. Muốn tìm hiểu đúng toàn bài và từng câu, từng cặp câu, đều phải đặt trong cấu trúc tổng thể ấy.

Nếu chỉ xét tách riêng hai câu đầu, tôi đồng ý, có thể gợi ra 2 cách hiểu: lời của chàng trai hay lời của cô gái đều có lý cả. Thế nhưng đọc tới hai câu sau, đặc biệt là đối sánh với hai câu trên thì chỉ có thể rút ra kết luận sau: Hai câu sau dứt khoát chỉ có thể là lời của cô gái (đặc biệt là câu thứ hai: Yếm của em, em mặc, đâu của anh, mà anh đòi!) Rõ ràng, tường minh đến thế sao lại gán cho lời chàng trai được? Từ đó, ta suy ra kết luận 2: Hai câu đầu chỉ có thể là lời của chàng trai. Nếu là lời của cô gái thì cấu trúc đối đáp trở thành vô nghĩa, bởi không thể cô gái nói 2 lượt lời, còn chàng trai thì hoàn toàn im lặng! Cũng có thể xảy ra tình huống này (như bài Tát nước đầu đình chẳng hạn); nhưng đó không còn là cấu trúc đối đáp nữa mà là cấu trúc đơn thoại (hoặc độc thoại).

Như vậy, về cấu trúc, ý kiến của tôi là:

- Hai câu đầu: Lời chàng trai.

- Hai câu sau: Lời cô gái.

Về nội dung ý nghĩa tư tưởng nghệ thuật của bài ca dao:

- Hai câu đầu của mỗi cặp câu tả sự nở và kết quả nở của hoa cúc bằng sự biến màu vô lý vừa là típ ẩn dụ dùng hoa nói người; vừa dẫn dụ, đưa đẩy từ chuyện hoa qua chuyện người một cách tự nhiên, vô lý mà lại vô cùng hữu lý. Không đơn thuần là sự lặp lại hoàn toàn (màu tím khác màu xanh), thanh trắc thanh bằng, khứ bình thanh (không) nhưng đều xuất phát từ màu gốc: vàng (thanh bằng (phù bình thanh – huyền), thể hiện hai cách đánh giá hành động khác nhau của hai người. Câu đầu còn thể hiện sự ngạc nhiên, như là câu hỏi của chàng trai: hỏi người yêu vừa đi lấy chồng, hỏi chính mình: Tại sao lại có thể như vậy? Câu sau là sự nhắc lại mang tính thừa nhận, khẳng định của cô gái về một sự việc đã xảy ra ngoài ý muốn của cô.

- Câu thứ hai của chàng trai có thể hoàn toàn là 1 thông báo 2 sự việc nối tiếp nhau của cô gái: 1. lấy chồng; 2. trả yếm. Và cũng có thể là 1 câu cầu khiến: hướng về cô gái: - Hãy trả yếm cho anh khi em đã đi lấy chồng? Em còn giữ vật kỷ niệm của anh làm chi cho thêm đau lòng cả hai?

- Câu cuối cùng, cô gái muốn phủ định yêu cầu của chàng trai ở câu 2 một cách rõ ràng, dứt khoát, có phần chanh chua, đanh đá, đáo để (?!) Nhưng cũng có thể hiểu, đây chỉ là cách nói quá, nói ngược để dập tắt mọi hi vọng tình cảm, tình yêu nơi chàng trai. Chủ ý cô gái muốn cố lưu giữ cái yếm – vật kỷ niệm của người yêu, ngay cả khi đã đi lấy chồng (ngoài ý muốn, bị cha mẹ ép buộc, bị hoàn cảnh khách quan ngặt nghèo, éo le nào đó thắt buộc chẳng hạn). Ý nói: Em vẫn yêu anh mà phải lấy người khác. Đành giữ cái yếm của anh như giữ mãi tình cảm của đôi ta mà thôi! Giọng điệu chanh chua, đáo để bên ngoài là cố giấu đi tâm trạng chua chát, cay đắng, tiếc nuối trong thẳm sâu tâm cảm cô gái.

- Ở bài ca dao này, theo chúng tôi, cả cô gái và chàng trai, đều đáng được cảm thông, chia sẻ. Không có ai ti tiện, nhỏ nhen, càng không có ai đáo để, đanh đá cả! Chỉ có hai con người đã yêu nhau, đang yêu nhau, và sẽ mãi mãi yêu nhau, mà giờ đây phải đối mặt với hoàn cảnh chia lìa, không lấy được nhau, không được cùng nhau đi trọn con đường hạnh phúc, cùng thở than với chiếc yếm - vật lưu niệm – biểu tượng cổ truyền của tình yêu trai gái Việt xưa.

- Điểm lý thú, hấp dẫn nhất ở bài ca dao Hoa cúc vàng..., theo tôi, nói theo người Nam Bộ, là nói zậy mà không phải zậy: không đòi trả yếm mà trả lại tình yêu cho anh; không giữ lại yếm mà giữ lại tình yêu của em. Màu hoa có thể thoắt biến đổi khó lường nhưng tình yêu của hai ta thì không bao giờ thay đổi.

Nhưng đây cũng chỉ là một cách cảm và hiểu chủ quan của tôi mà thôi. Rất mong nhận được ý kiến phản biện hay đồng cảm của quý bạn. 

TS Nguyễn Văn Đường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ