Một bảng xếp hạng gây nhiễu thông tin

GD&TĐ - Có người cho rằng thông tin xếp hạng 49 trường đại học về bản chất nó giống như vụ công bố “nước mắm nhiễm Asen” năm ngoái, còn về hình thức nó giống như vụ ca sỹ Ngọc Sơn được phong “giáo sư âm nhạc” mới đây.

Nhóm các chuyên gia độc lập xây dựng bảng xếp hạng
Nhóm các chuyên gia độc lập xây dựng bảng xếp hạng

Dư luận đang “dậy sóng” bởi bảng xếp hạng đại học do một nhóm nghiên cứu độc lập vừa công bố hôm 6-9 vừa qua. Thông tin xếp hạng khiến dư luận bất ngờ, những ai quan tâm đến giáo dục đều thực sự bị sốc trước kết quả xếp hạng mà nhóm này công bố.

Những vị trí đảo lộn làm không ít người hoài nghi. Nhiều trường đại học có uy tín, thương hiệu bởi đội ngũ giảng viên uy tín, chất lượng đào tạo sinh viên, cơ sở vật chất đảm bảo... thì nằm ở tốp giữa hoặc tốp dưới. Còn một số trường được nâng cấp từ hệ cao đẳng lên, thiếu giảng viên trình độ cao, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo thiếu, nguồn tuyển sinh thiếu hụt, đào tạo bát nháo, sinh viên ra trường không biết “đi đâu về đâu”... thì nằm ở tốp đầu bảng.

Trong nhóm 49 trường do nhóm nghiên cứu này công bố, trường Y Hà Nội đứng thứ 44, Y Dược TP.HCM thứ 40, trong khi có một số trường điểm chuẩn đầu vào dưới điểm sàn, tuyển sinh bằng mọi giá, thậm chí không hề có “thương hiệu” thì nằm ở tốp trên. 

Có những ý kiến cho rằng kết quả xếp hạng trên hoàn toàn phản trực quan, mà phản trực quan, phi thực tế thì cần phải xem lại. Có người cho rằng thông tin xếp hạng 49 trường đại học nói trên về bản chất nó giống như vụ “nước mắm nhiễm Asen” năm ngoái, còn về hình thức nó giống như vụ ca sỹ Ngọc Sơn được phong “giáo sư âm nhạc” mới đây. 

Sở dĩ so sánh như vậy là vì thông tin “nước mắm nhiễm Asen” lẫn lộn “khái niệm” giữa Asen hữu cơ có trong cá biển để làm nguyên liệu chế biến nước mắm và Asen vô cơ (thạch tín). Còn cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu xếp hạng 49 trường đại học nói trên của nhóm nghiên cứu độc lập cũng tương tự, bởi người ta đồng nhất giữa các loại hình đào tạo. Trong khi mỗi loại hình đào tạo có chức năng và sứ mệnh khác nhau. 

Về tiêu chí xếp loại, nhóm nghiên cứu chỉ tập trung vào 2 tốt/ 4 tốt, đó là nghiên cứu tốt đào tạo tốt. Họ đã bỏ qua hai tiêu chí cực kỳ quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện này là quốc tế hóaviệc làm của sinh viên sau khi ra trường

Nếu vụ ca sỹ Ngọc Sơn được phong “giáo sư âm nhạc” qua... bằng khen của một hội, thì căn cứ đánh giá xếp hạng 49 trường đại học dựa vào số liệu do chính... các trường công bố và xác nhận. 

Dữ liệu do các trường công bố và xác nhận là dữ liệu không thể khách quan, thiếu tính tin cậy. Phương pháp nghiên cứu dù khoa học đến đâu, nhưng dữ liệu nghiên cứu thiếu khách quan thì kết quả nghiên cứu sẽ sai lệch, không đáng tin cậy.

Theo nhóm chuyên gia xếp hạng, nguồn dữ liệu quan trọng mà họ khai thác là báo cáo “3 công khai” mà các trường để trên trang thông tin của trường, sau đó gửi lại các số và yêu cầu các trường xác nhận.

Một chuyên gia tư vấn giáo dục đại học tại Hà Nội cho rằng: “Chỉ có những ai chưa bao giờ làm “3 công khai” và hết sức ngây thơ mới dùng số liệu ấy để xếp hạng đại học!”. Ai cũng thừa biết không ít trường vì muốn tạo tiếng vang cho mình mà sẵn sàng công bố những số liệu nhằm “đánh bóng” thương hiệu cho trường để thu hút trong tuyển sinh. đào tạo.

Về tiêu chí những công bố khoa học, sử dụng thang đo là công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có chất lượng thuộc danh mục ISI (Institute for Scientific Information (Viện Thông tin Khoa học). Điều này cần hết sức thận trọng, bởi khó có thể kiểm soát được hiện tượng “đặt bài” viết thuê, một thực tế hư danh đang tồn tại.

Bảng xếp hạng các trường đại học là “lát cắt” tham khảo về vị trí, chất lượng giáo dục đại học mà nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã làm. Nhưng bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam (thực ra chỉ 49 trường) lần đầu “trình làng” thì “sản phẩm” không thuyết phục, thậm chí làm nhiễu thông tin, gây hoang mang dư luận, đó là điều thật đáng tiếc.

Nhà nước khuyến khích các tổ chức độc lập (ngoài Nhà nước) về kiểm định và xếp hạng các trường đại học, tuy nhiên qua sự kiện này cho thấy, Bộ GD&ĐT, các cơ quan quản lý nghiên cứu khoa học quốc gia cần “thẩm định” thẩm quyền và trách nhiệm đối với các nhóm nghiên cứu độc lập. Có như vậy các tổ chức nghiên cứu độc lập mới thực sự đảm bảo uy tín, có những sản phẩm xếp hạng đại học thuyết phục trên tinh thần khoa học, vì sự phát triển giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ