Mong ước của những thiên thần bất hạnh

Mong ước của những thiên thần bất hạnh

(GD&TĐ) - Tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, số trẻ được chẩn đoán là tự kỷ đang tăng lên nhanh chóng. Đây là lý do Liên Hợp Quốc chọn ngày 2/4 hàng năm là Ngày thế giới nhận biết chứng tự kỷ với mong muốn gia đình, xã hội dành thêm nhiều tình thương yêu và luôn đồng hành với trẻ tự kỷ.

Con tự kỷ, bố mẹ bế tắc 

ThS Nguyễn Thị Hồng Thúy, đơn vị tự kỷ (Khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết:  Tự kỷ là một hội chứng được gây ra bởi những vấn đề trong hoạt động chức năng của hệ thần kinh trung ương làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. Các triệu chứng của trẻ tự kỷ thường xuất hiện trong 3 năm đầu của cuộc đời, biểu hiện qua sự suy giảm trên 3 lĩnh vực (Tương tác xã hội, giao tiếp và ngôn ngữ, hứng thú bị thu hẹp và hành vi định vị).

Cũng theo ThS Thúy, số trẻ mắc bệnh tự kỷ đã có mặt ở hầu khắp các nước nhưng hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu toàn diện nào về dịch tễ của căn bệnh này. Tuy nhiên, qua theo dõi tại khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi trung ương), số trẻ đến khám vì có biểu hiện của bệnh trên năm sau luôn cao hơn năm trước.  Năm 2008, đơn vị tự kỷ khám cho 900 trẻ. Năm 2009, số  trẻ đến khám do có những dấu hiệu của bệnh trên tăng gấp đôi. Đến năm 2011, trung bình mỗi ngày đơn vị tự kỷ khám 10-20 trẻ.  Khoảng 70% gia đình cho con đi khám đều cho biết họ thấy những khó khăn về chậm ngôn ngữ của trẻ trước 18 tháng tuổi nhưng cố chờ đợi trẻ nói. Họ chỉ cho con đi khám khi nhận thấy những bất thường về phát triển xã hội.

Trẻ tự kỷ vẫn có thể hoạt động (hát, vẽ…) như những trẻ khác Ảnh: V.Văn
Trẻ tự kỷ vẫn có thể hoạt động (hát, vẽ…) như những trẻ khác    Ảnh: V.Văn

“Nghiên cứu của khoa Tâm bệnh, có tới 82,5% cha mẹ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng, trầm cảm khi con mình được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ”, ThS Thúy chia sẻ. Còn theo ThS Tâm lý lâm sàng Trần Văn Công (ĐH Vanderbilt, Hoa Kỳ), phần lớn bố mẹ khi biết con bị tự kỷ cảm thấy thế giới sụp đổ, cuộc sống trở nên bi quan, bế tắc. Họ luôn lo lắng, bất an về hiện tại và tương lai của con mình. Đây là lý do khiến nhiều trẻ nhận được sự quan tâm thái quá của cha mẹ nhưng cũng có trẻ lại gần như bị gia đình bỏ rơi nên bệnh tình của trẻ ngày càng trầm trọng. 

Muốn được như người bình thường

Là mong ước của nhiều trẻ tự kỷ chia sẻ tại ngày hội Vòng tay yêu thương do Cung thiếu nhi Hà Nội tổ chức nhân Ngày thế giới nhận biết chứng tự kỷ. Em Nguyễn Thanh Quang (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Em muốn có nhiều bạn bè, muốn được đi học, được vẽ tranh, làm việc nhà giúp bố mẹ.  

Theo Ths Thúy, những mong ước của trẻ tự kỷ hoàn toàn xứng đáng. Trẻ tự kỷ không phải là trẻ tàn tật. “Thực tế tại Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy việc can thiệp cho trẻ tự kỷ vẫn là vấn đề đáng quan ngại nhưng sự tiến bộ của trẻ là không thể phủ nhận”. Do vậy, để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập cộng đồng, ngay từ khi biết về tình trạng bệnh tật của trẻ, cần can thiệp sớm bằng cách tham gia các câu lạc bộ hoặc nhóm gia đình trẻ tự kỷ. Việc tham gia này giúp bố mẹ có thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, tài liệu, biết thêm các dịch vụ hữu ích và san sẻ những băn khoăn trong việc nuôi dạy con mình. 

M. Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ