Mong tiêu chí đặc thù trong xét duyệt Nhà giáo ưu tú

GD&TĐ - Danh hiệu NGƯT là phần thưởng cao quý ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến của mỗi thầy cô, song ở vùng khó, rất hiếm nhà giáo được “xướng tên”.

Giờ học của cô và trò tại Trường Mầm non Mường Lói, huyện Điện Biên.
Giờ học của cô và trò tại Trường Mầm non Mường Lói, huyện Điện Biên.

Vùng khó… tiêu chí

Hai năm một lần, trên các phương tiện truyền thông lại ngập tràn thông tin về hoạt động vinh danh các nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGƯT).

Ở các huyện vùng cao tại Điện Biên, mặc dù số lượng giáo viên lớn, nhiều người có thời gian gắn bó, cống hiến lâu năm, song lại rất hiếm thầy cô được “xướng tên” trong các đợt phong tặng.

Cụ thể, qua 2 lần xét tuyển gần đây nhất (lần 14, 15), địa phương này có 24 NGƯT. Trong đó, chỉ có một giáo viên THCS ở huyện vùng cao Điện Biên Đông. Số còn lại đều công tác tại các Trường THPT chuyên, khu vực thành phố, thuận lợi.

Trao đổi về thực trạng này, nhiều lãnh đạo, nhà quản lý giáo dục tại đây cho rằng, các tiêu chí xét duyệt hiện nay khá cao so với thực tế, nhất là đối với các địa bàn vùng khó. Đa phần giáo viên đều đạt một hoặc một vài tiêu chí mà không thể đảm bảo đầy đủ theo yêu cầu.

Nhiều huyện vùng khó của Điện Biên hiện chưa có Nhà giáo ưu tú.

Nhiều huyện vùng khó của Điện Biên hiện chưa có Nhà giáo ưu tú.

Sau nhiều năm làm công tác tổ chức, thi đua khen thưởng tại huyện biên giới Nậm Pồ, ông Phan Khắc Tập, Phòng GD&ĐT Nậm Pồ nhận định: Đây là thực trạng chung của giáo dục vùng khó. Riêng tại địa bàn, qua nhiều đợt xét duyệt những năm qua đều không ghi nhận hồ sơ nào “vượt” qua được vòng “gửi xe”.

“Để được xét danh hiệu NGƯT thì giáo viên cần rất nhiều điều kiện, như: Phải có 7 lần liên tiếp được công nhận là chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bằng khen của UBND tỉnh… Với những quy định này gần như không giáo viên nào ở huyện đạt được”, ông Tập cho hay.

Đơn cử như việc để được công nhận là chiến sĩ thi đua thì phải có đề tài. Song theo ông Tập, ở địa phương việc duy trì và có đề tài đạt trong 3 – 5 năm liên tiếp đã là rất khó khăn, do liên quan đến rất nhiều yếu tố.

“Tôi trước khi công tác ở phòng đã có gần 20 năm trực tiếp giảng dạy, quản lý tại trường. Trong thời gian đó, cũng nhiều lần được khen thưởng, đạt chiến sĩ thi đua. Song chưa lần nào duy trì đạt liên tục trong 5 năm liền”, ông Tập bộc bạch.

Mặc dù rất nhiều khó khăn, nhất là về giao thông, song nhiều thầy cô vẫn nỗ lực bám lớp, bám bản.

Mặc dù rất nhiều khó khăn, nhất là về giao thông, song nhiều thầy cô vẫn nỗ lực bám lớp, bám bản.

Lý giải điều này, ông Tập chia sẻ, việc xây dựng đề tài không khó. Nhưng khi triển khai đề tài, trong bối cảnh thiếu và yếu đủ thứ thì lại không dễ để đạt kết quả như mong muốn. Đặc biệt là những tiêu chuẩn, đánh giá liên quan trực tiếp đến năng lực của học sinh.

Chưa kể, ở vùng khó, đa phần thầy cô còn bám trụ lại lâu năm đều tâm huyết. Trong khi số lượng giáo viên lớn, ai cũng nỗ lực, phấn đấu và xứng đáng. "Trong khoảng 10 năm, 1 giáo viên có vài năm liên tiếp được khen thưởng, đạt chiến sĩ thi đua đã là rất xuất sắc rồi”, ông Tập nói.

Tương tự, tại huyện biên giới Mường Nhé, theo ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng Phòng GD&ĐT chia sẻ, trong đợt xét duyệt địa phương vừa triển khai thực hiện thì không có giáo viên nào đủ tiêu chuẩn.

“Đa phần các địa bàn vùng sâu, vùng xa hiếm có giáo viên đạt. Lý do không phải thầy cô không nỗ lực hoặc không có cá nhân nào tiêu biểu. Song các tiêu chuẩn hiện tại không những cao mà còn yêu cầu rộng, nhiều thành tích. Đặc biệt cấp Mầm non, Tiểu học, THCS lại càng khó”, ông Chùy bộc bạch.

Theo ông Chùy phân tích, đa phần ở địa bàn vùng khó, các nhà giáo tiêu biểu, có phẩm chất đạo đức tốt, sau thời gian giảng dạy từ 5 – 7 năm trong ngành thường được cân nhắc bổ nhiệm và động viên giữ chức vụ quản lý. Đây được xem là giải pháp nhằm ghi nhận, giữ “chân” nhân tài, để tiếp tục cống hiến cho ngành và địa phương.

Khi làm quản lý rồi thì không tham gia thi giáo viên dạy giỏi nên khi xét điều kiện này thì không thể đảm bảo. Ngoài ra, nếu tính số năm trực tiếp nuôi dạy (không tính thời gian giữ chức vụ cán bộ quản lý trong ngành giáo dục) thì nhiều nhà giáo tiêu biểu cũng không đủ điều kiện được công nhận danh hiệu NGƯT.

Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, các thầy cô còn thay cha mẹ chăm sóc học sinh.

Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, các thầy cô còn thay cha mẹ chăm sóc học sinh.

“Nới lỏng” không có nghĩa “cào bằng”

Trong khi đó, theo ông Chùy phân tích, sự nỗ lực, cống hiến của giáo viên ở vùng khó là rất lớn. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì hàng ngày thầy cô phải song song đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách về: Giao thông, điều kiện sinh hoạt, giảng dạy, nhận thức phụ huynh, học sinh... Đòi hỏi mỗi giáo viên phải thật sự bản lĩnh, nỗ lực mới bám bản, bám lớp thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đơn cử, tại Trường Mầm non Nà Khoa (huyện Nậm Pồ), theo Hiệu trưởng Tòng Thị Nọi, thì ở đây có tới 10 điểm bản. 100% các điểm này đều đang hội tụ đủ các yếu tố khó khăn đặc thù của giáo dục vùng cao, nhất là giao thông.

Mặc dù điểm bản xa nhất chỉ hơn 10km, song theo cô Nọi, toàn bộ tuyến giao thông hiện nay vẫn là đường đất dân sinh. Mùa mưa rất trơn trượt và thường xuyên xảy ra sạt lở, lũ quét. Trong đó có điểm bản Huổi Xổm phải qua suối rộng nhưng chưa được đầu tư cầu.

“Vào mùa khô người dân làm cầu tre đi tạm. Song mỗi mùa mưa, lũ về lại cuốn trôi cầu. Để đến điểm trường, giáo viên phải lội qua suối hoặc đi nhờ bè của người dân. Điều này hết sức nguy hiểm, song nhà trường cũng chỉ biết động viên và dặn dò các cô cẩn trọng, chứ chưa có cách nào khắc phục”, cô Nọi trăn trở.

Đến nay, mặc dù giáo dục đã phát triển hơn, song hàng năm giáo viên ở vùng khó Điện Biên vẫn phải đến nhà vận động học sinh ra lớp.

Đến nay, mặc dù giáo dục đã phát triển hơn, song hàng năm giáo viên ở vùng khó Điện Biên vẫn phải đến nhà vận động học sinh ra lớp.

Dẫu vậy, theo cô Nọi chia sẻ, giáo viên ở đây vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục. Nhất là việc huy động và duy trì sĩ số học sinh ra lớp đảm bảo. Đa phần giáo viên đều có thời gian công tác khoảng trên dưới 10 năm, một số người gắn bó gần 20 năm.

Ngành giáo dục địa phương này cho rằng nếu vẫn giữ nguyên các tiêu chí như trước đây, thì ở những địa bàn vùng khó sẽ không thể có NGƯT. Nhất là với giáo viên cắm bản, càng vất vả khó khăn lại càng khó đạt. Do vậy, nên “nới lỏng” một số tiêu chuẩn và có tiêu chí đặc thù trong xét duyệt danh hiệu này. Bởi đó là sự ghi nhận và động viên kịp thời đối với những nhà giáo thật sự nỗ lực, xứng đáng.

Đơn cử như quy định về số năm trực tiếp giảng dạy đối với giáo viên, cán bộ quản lý công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo nên giảm từ 15 năm xuống 10 năm và của cán bộ quản lý từ 10 năm xuống 7 năm.

"Nới lỏng tiêu chí không đồng nghĩa với việc cào bằng, mà để phù hợp với đặc thù vùng miền. So bó đũa để chọn cột cờ. Thầy cô cũng sẽ là tấm gương để soi và cùng động viên nhau tiếp tục nỗ lực phấn đấu”, ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng Phòng GD&ĐT Nậm Pồ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.