Nhà báo Lê Thị Thu Hương:

Mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhà báo Lê Thị Thu Hương mong giải báo chí viết về giáo dục được duy trì thường niên, trở thành một thương hiệu riêng của Ngành Giáo dục.

Nhà báo Lê Thị Thu Hương- Trưởng Ban Khoa giáo, Báo Đại Đoàn Kết.
Nhà báo Lê Thị Thu Hương- Trưởng Ban Khoa giáo, Báo Đại Đoàn Kết.

Nhà báo Lê Thị Thu Hương - Trưởng Ban Khoa giáo, Báo Đại Đoàn Kết là một trong những tác giả đạt Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2022, khi đồng tác giả trong loạt bài “Học sử để thêm yêu lịch sử nước nhà”.

Nhà báo Lê Thị Thu Hương chia sẻ: "Tôi thực sự thấy vui và tự hào khi biết tin mình và đồng nghiệp đã vinh dự được trao giải. Năm nay, là lần thứ 3 tôi và đồng nghiệp của mình tại Báo Đại đoàn kết được vinh dự nhận giải báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam".

Với những người làm báo chuyên trách ở lĩnh vực giáo dục, không gì vui hơn khi mỗi bài báo, mỗi tác phẩm được ghi nhận là những đóng góp tâm huyết, thiết thực và ý nghĩa cho ngành.

Năm nay, Báo Đại đoàn kết tham gia loạt 5 bài “Học sử và thêm yêu lịch sử nước nhà”.

Với loạt bài này, chúng tôi muốn góp tiếng nói tham vấn, phản biện cho việc giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT). Rằng không có môn nào là môn chính, môn phụ ở bậc học phổ thông.

Đặc biệt môn Lịch sử phải trở thành môn học bắt buộc, bởi mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh môn Lịch sử giúp củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu.

Nhìn rộng ra, trong xã hội hiện đại, bất cứ môn học nào, tri thức nào cũng quan trọng. Vì vậy, học Sử không phải chỉ để thi.

Thời gian qua việc triển khai chương trình GDPT và sách giáo khoa (SGK) mới ở các cấp học đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Báo chí viết về lĩnh vực giáo dục cũng nằm trong dòng chảy thông tin đó.

Chương trình GDPT mới hướng tới đổi mới phương pháp dạy học/tiếp cận theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Song hành với đó là việc tinh giản chương trình hiện hành phù hợp hơn với thực tiễn giảng dạy trong các nhà trường.

Dẫu thế, thực tế triển khai chương trình GDPT mới vẫn còn ít nhiều những băn khoăn. Chúng tôi cho rằng đó là mối quan tâm chính đáng của phụ huynh nói riêng và người dân nói chung. Đơn cử như câu chuyện về xã hội hóa biên soạn SGK đẩy giá sách tăng cao, khiến cho cơ hội tiếp cận sách của học sinh nghèo khó khăn hơn;

Việc giảng dạy các môn học tích hợp, nhất là với môn Khoa học Tự nhiên đang khiến các nhà trường và thầy cô gặp khó. Tìm hiểu được biết, vì không có nhân sự giảng dạy, không ít giáo viên được đào tạo đơn môn, nhưng giờ đây phải dạy liên môn.

Dù họ đã hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng theo quy định nhưng nếu đảm nhiệm dạy cả 3 môn ngay trong một thời gian ngắn, khó có thể có sự chuyên sâu về kiến thức để giải đáp cho học sinh hiểu cặn kẽ, nhất là những câu hỏi chuyên sâu…

Ngoài ra, đó là là câu chuyện về định hướng nghề nghiệp trong nhà trường phổ thông hiện nay. Số liệu cập nhật từ mùa tuyển sinh năm 2022 cho thấy có tới hơn 103.000 thí sinh từ chối cơ hội vào đại học. Trên thực tế, đang có xu hướng chọn những ngã rẽ khác của học sinh phổ thông.

Qua đó, một vấn đề lớn cũng được đặt ra là song hành với việc dạy văn hóa, công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông rất cần được coi trọng, làm cho thực chất hơn, để học sinh sớm có định hướng về nghề và nghiệp trong tương lai.

Giáo dục đào tạo là sự nghiệp của toàn dân, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng xã hội. Những vấn đề nêu ra ở trên, không dễ thay đổi ngay trong ngày một ngày hai nhưng rõ ràng cần có chiến lược tổng thể hơn trong hoạt động giáo dục, đào tạo để tránh manh mún.

Tôi cũng mong rằng, Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm, tham dự của nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí khác nhau.

Mong rằng giải thưởng này được duy trì tổ chức thường niên, trở thành một thương hiệu riêng; qua đó ghi nhận, tôn vinh kịp thời, xứng đáng sự đóng góp của báo chí vào tuyên truyền chính sách, phản ánh hoạt động của ngành giáo dục; phản biện, góp ý để hoàn thiện chủ trương chính sách ở lĩnh vực giáo dục, tạo niềm tin của xã hội vào sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Báo Đại Đoàn Kết mong muốn được tiếp tục đồng hành với Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam ở những năm sau nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.