Mong đề thi năm nay “hay” như năm trước

GD&TĐ - Khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, không ít GV và HS đã tỏ ra lo lắng vì đề thi minh họa năm nay có sự phân hóa sâu hơn, kiến thức trải rộng hơn.

Mong đề thi năm nay “hay” như năm trước

Độ phân hóa đề thi minh họa năm nay cao hơn đề năm 2017

Thầy Đàm Tiến Nam (Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) chia sẻ với PV Báo GD&TĐ: “Kết thúc Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 dư luận xã hội, phụ huynh, các thầy cô giáo và các HS đã có nhiều ý kiến ghi nhận, đánh giá cao những đổi mới của Bộ GD&ĐT trong công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi bởi cách thức gọn nhẹ, giảm áp lực thi cử, tạo thuận lợi cho HS.

Nhận xét về đề thi, nhiều ý kiến cho rằng các nội dung bám sát và nằm trong chương trình lớp 12 với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao, đề phân loại và được sắp xếp từ dễ đến khó là vừa sức, tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho HS khi làm bài, đồng thời có tính phân hóa, đáp ứng được hai mục đích là xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH - CĐ”.

Bộ GD&ĐT đã thông báo lộ trình đổi mới với sự bổ sung nội dung kiến thức trong chương trình lớp 11 vào đề thi THPT Quốc gia năm 2018 và khẳng định đề thi sẽ có độ phân hóa cao hơn. Tất cả những điểm mới đó được thể hiện trong đề minh họa đề thi THPT Quốc gia 2018 đã được công bố.

Theo thầy Nam: “Qua đề minh họa Bộ công bố, đề thi “thử” vừa qua của Sở, có thể thấy sự khác biệt rõ nhất so với đề thi năm trước, đó là có phần kiến thức lớp 11 trong chương trình, mà phần kiến thức lớp 11 được đưa vào không có giới hạn, không có trọng tâm, nghĩa là để làm tốt đề năm nay như đề thi minh họa vừa qua thì HS phải ôn lại toàn bộ kiến thức lớp 11. Còn về độ phân hóa thì đề thi minh họa năm nay cao hơn đề 2017 rất nhiều. Ở mỗi môn có những câu hỏi lạ, câu hỏi khó với HS”.

Thầy lo trò phải lao đến các “lò” luyện thi

Thầy Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cho rằng: “Hầu như đề thi của các môn (đề minh họa của Bộ) đều tăng độ khó lên rất nhiều. Ví dụ: Đề Vật lý, Hóa học và Sinh học có đến 8 câu rất khó, ngoài ra còn đưa thêm cả những câu hỏi thuộc chương trình nâng cao, là chương trình mà tuyệt đại đa số các trường trên toàn quốc không học và cũng không bắt buộc phải học, nhiều câu hỏi mang tính chất đánh đố.

Có nhiều GV, HS nói với tôi rằng, với cách ra đề như đề minh họa vừa công bố, nếu không đi vào các “lò luyện” thì nhiều HS không chắc làm được bài để thi đỗ... Đối với bài thi tổ hợp môn KHXH thì đề thi bao phủ trên một phạm vi kiến thức quá rộng, nhiều câu hỏi rơi vào những nội dung không phải là chuẩn kiến thức. Đặc biệt là đề thi môn Lịch sử có nhiều câu hỏi và các phương án trả lời mang tính chất đánh đố câu chữ, dễ gây nhầm lẫn cho thí sinh”.

Theo thầy Nam: “Quỹ thời gian ôn thi từ thời điểm công bố đề minh họa tới khi thi là có hạn, mà tất cả các nhà trường phải đảm bảo hoàn thành theo chương trình chung, không được cắt xén hay giảm bớt số tiết, số môn.

Bởi thế, mong mỏi của GV và HS lớp 12 là nếu đề thi mở rộng sang kiến thức lớp 11, thì việc ôn tập ngay ở giai đoạn này cần được Bộ GD&ĐT chỉ đạo làm sao để việc ôn thi không bị dàn trải, ôn thi cần có trọng tâm, đỡ vất vả và quá căng thẳng cho HS trong ôn thi, mà vẫn đảm bảo được chất lượng kỳ thi. Mong muốn của GV và HS là năm nay Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tiếp tục có đề thi các môn hay và bám sát chương trình, như đề năm 2017”.

 “Một mùa thi mới sắp bắt đầu, những định hướng về thi cử và ra đề của Bộ GD&ĐT sẽ quyết định phương pháp và hiệu quả của GD, đặc biệt là GD THPT, cấp học quyết định nghề nghiệp của HS. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 tốt thế, hiệu quả cao thế, mong rằng, kỳ thi năm 2018, cách ra đề của kỳ thi không lạc vào lối mòn trước đây (Thầy Nguyễn Văn Hòa- Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ