Dựa trên mặt bằng trình độ chung của HS

GD&TĐ - Thời điểm này, các trường THPT đang song song thực hiện hoàn tất chương trình lớp 12 và chính thức bước vào giai đoạn ôn thi nước rút cho học sinh. 

Hệ thống kiến thức vững vàng giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi
Hệ thống kiến thức vững vàng giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi

Theo chia sẻ của các giáo viên bộ môn, kế hoạch ôn tập phải dựa trên mặt bằng trình độ chung của học sinh, trong đó tập trung các nội dung trọng điểm, không nên mất thời gian đi sâu vào các câu hỏi vận dụng khó.

Môn Lịch sử dùng tư duy để nắm được bản chất của vấn đề

Cô giáo Phạm Thị Huyền, GV môn Lịch sử, Trường THPT Tô Hiến Thành (Thanh Hóa) cho biết, theo như đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, các câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm được rải khắp các chương, các phần trong chương trình Lịch sử lớp 12 và lớp 11.

Với đề minh họa năm nay, học sinh không chỉ phải nhớ thời gian, sự kiện mà còn phải biết phân tích, đánh giá. Nếu chọn môn Lịch sử trong tổ hợp môn Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp thì học sinh (HS) chỉ cần tập trung học các kiến thức cơ bản được đề cập trong sách giáo khoa lớp 11, 12 có thể đạt điểm 5 - 7 điểm.

Còn nếu chọn môn học này để xét tuyển vào ĐH thì bên cạnh việc nắm các kiến thức cơ bản, HS cần phải nắm thêm các kiến thức tổng hợp, kiến thức nâng cao.

Với hình thức thi trắc nghiệm, không đòi hỏi các em phải học thuộc lòng các nội dung quá chi tiết, tỉ mỉ mà hãy học theo kĩ năng khái quát hóa, hệ thống hóa kiến thức, dùng tư duy để nắm được bản chất của vấn đề, xâu chuỗi mối liên hệ giữa các sự kiện lịch sử, các mốc thời gian, các giai đoạn lịch sử. Như vậy, các em sẽ thấy dễ nhớ, dễ hiểu hơn rất nhiều. Nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là cơ sở đầu tiên giúp các em giải quyết được những câu hỏi đòi hỏi sự vận dụng, tư duy.

Nội dung của bộ môn Lịch sử hơi dài mà đề thi trắc nghiệm thì không có trọng tâm và rải đều khắp chương trình nên để có thể nắm hết các kiến thức, HS phải xây dựng một thời khóa biểu ôn tập hợp lý.

Khi ôn tập Lịch sử các em cần học tập theo sơ đồ tư duy. Dựa trên bài giảng của các thầy cô và nội dung kiến thức trong sách giáo khoa, các em có thể tự xây dựng cho mình những sơ đồ tư duy theo từng chương, từng bài, từng nội dung cụ thể dựa trên nguyên lí từ “cây” đến “cành” đến “nhánh”, từ ý lớn đến ý nhỏ, từ ý chính đến ý phụ. Thông qua sơ đồ tư duy, các em sẽ thấy kiến thức môn Lịch sử thật ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và dễ nhớ.

Ôn tập theo từng chủ đề

Cô Lê Thị Luận, GV môn Địa lý Trường THPT Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết, theo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, môn Địa lý có 4 mức độ yêu cầu thí sinh về nhận biết, đọc hiểu, vận dụng cấp thấp, vận dụng cấp cao. Kiến thức đều nằm trong chương trình sách giáo khoa và không quá khó. Đề thi thể hiện rõ sự phân hóa với 7 câu về tự nhiên, 3 câu dân cư, xã hội; 10 câu về các ngành; 10 câu về vùng kinh tế; còn lại 10 câu kỹ năng làm bài đọc bản số liệu alat.

Với cấu trúc đề thi như trên, cô Luận khuyên, HS nên ôn tập theo từng chủ đề. Qua đó, vận dụng sơ đồ tư duy hệ thống kiến thức dễ dàng và chính xác.

Để đạt điểm cao hơn khi xét tuyển vào đại học, thí sinh nên rèn kỹ năng nhận xét, nhận dạng biểu đồ. Lưu ý các từ khóa để làm bài chính xác hơn. Ví dụ, nói đến biểu đồ đường thì phải nhớ tốc độ; biểu đồ cột thì có cột dọc, cột đôi, tức là so sánh, cột chồng là thể hiện trong tổng; nhận xét hoặc vẽ thì phải nhớ có từ quy mô, cơ cấu (nếu 3 năm trở xuống là biểu đồ tròn, 3 năm trở lên là biểu đồ miền); đối với biểu đồ kết hợp, nếu 2 đại lượng (1 đơn vị là triệu héc, 1 đơn vị triệu tấn) không đồng thì đó có thể là biểu đồ kết hợp...

Đối với môn Địa lý, atlat có vai trò hết sức quan trọng. Thí sinh có thể lấy kiến thức trong alat để làm bài thi, atlat sẽ là phương tiện nhớ kiến thức, giúp thí sinh giảm bớt việc học.

Để sử dụng hiệu quả, thí sinh nên nhớ mục lục nằm ở đâu, phải nhớ trang ký hiệu, là ngôn ngữ bản đồ, nên rèn luyện, làm thường xuyên. Chẳng hạn nhận xét sự thay đổi tỉ trọng giá trị của ngành công nghiệp khai thác, tăng hay giảm thì lật trang 21 bài biểu đồ công nghiệp, sẽ nhìn thấy rõ sự thay đổi thông qua các màu ký hiệu...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ