Môn Sinh học - cần chú trọng sự liên hệ giữa các kiến thức

Môn Sinh học - cần chú trọng sự liên hệ giữa các kiến thức

(GD&TĐ) - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi tốt nghiệp trong đó có môn Sinh học, khá nhiều học sinh lo lắng về cách ôn tập môn học này. Phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với cô giáo Đỗ Thị Lan - Tổ trưởng bộ môn Sinh học Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông (Hà Nội) về các kỹ năng để giúp các em học sinh có thể ôn tập tốt môn thi này.

 Theo chị, học sinh nên chọn cách học như thế nào với một môn học mà lượng kiến thức lý thuyết khá nhiều và khó nhớ như môn Sinh học? 

Môn Sinh học - cần chú trọng sự liên hệ giữa các kiến thức ảnh 1

Cô giáo Đỗ Thị Lan (Tổ trưởng tổ Sinh học Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông)

- Để có thể nắm được lượng kiến thức khá dài các em có thể áp dụng quy trình học theo bốn bước, đó là: Thu thập thông tin, xử lý thông tin, lưu trữ thông tin và tái hiện lại thông tin. Muốn làm tốt bước cuối cùng học sinh phải nắm chắc ba bước trên. Ở bước thu thập thông tin, hai tài liệu mà học sinh cần nắm chắc đó là sách giáo khoa và vở ghi ở lớp. Ở bước ghi nhớ thông tin, với bộ ghi nhớ ngoài các em nên lập sơ đồ để ghi lại các kiến thức đã học một cách tóm tắt chắt lọc nhất. Từ đó học sinh tìm ra các mối liên hệ kiến thức giữa các bài đã học với bài mới (đó là cách ghi nhớ ở bộ nhớ bên trong) để hoàn thiện lượng kiến thức mà mình tiếp nhận. Và nếu thực hiện tốt ba bước trên trong quá trình học, các em sẽ nhớ và khi cần sẽ tái hiện được các thông tin trong quá trình làm bài. 

Trong kỳ thi tốt nghiệp học sinh phải làm bài thi theo các nội dung trắc nghiệm. Vậy để làm tốt hình thức này đòi hỏi học sinh phải có những kỹ năng cơ bản nào?

- Học sinh cần nắm được kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Đối với đề thi trắc nghiệm, các em nên chọn nhanh những câu mà mình chắc chắn đúng không cần đến tính toán làm trước để tô ngay vào đáp án đúng. Thông thường những câu hỏi kiểu này chiếm khoảng 30% tổng các câu hỏi trong đề bài. Ở vòng làm tiếp theo, các em chọn những câu chắc chắn làm được nhưng cần mất thời gian bấm máy để tính toán. Tới vòng thứ ba, đối với những câu mà mình còn phân vân giữa các phương án để lựa chọn, các em nên cố gắng tái hiện những thông tin đã học để định hướng sự lựa chọn của mình. Cuối cùng, các em nên rà soát lại bài làm một lần nữa, với những câu còn lại thì không nên để trống mà nên làm theo cảm nhận của mình vì cũng có xác xuất đúng.

Bên cạnh việc học lý thuyết, môn Sinh học cũng có những câu hỏi về bài tập, để làm tốt các dạng bài tập học sinh cần ôn tập như thế nào?

Thí sinh sau giờ thi
Thí sinh sau giờ thi

- Theo đặc thù từng phần, các em nên quy về các dạng để ôn luyện cho tốt. Ví dụ các dạng bài tập về phân tử, bài tập về đột biến, bài tập về quy luật di truyền, bài tập về di truyền quần thể. Mỗi một dạng đều có quy luật và nhận biết, công thức và cách giải riêng. Trong quá trình làm bài trắc nghiệm các em cần linh hoạt loại bỏ những phương án dễ nhận biết để tập trung vào lựa chọn phương án phù hợp nhất với dữ kiện bài ra. Ví dụ khi bài tập hỏi về liên kết gien thì học sinh có thể loại trừ được hai phương án về phân ly độc lập. Còn lại hai phương án liên kết hoàn toàn và liên kết không hoàn toàn, tùy vào điều kiện đề bài mà các em lựa chọn phương án đúng. Vì vậy giáo viên nên luyện tập nhiều để tạo cho học sinh có phản xạ, có kỹ năng loại trừ khi làm bài tập kiểu trắc nghiệm. Điều quan trọng nhất để làm tốt bài thi trắc nghiệm môn Sinh học là các em phải hiểu, nhớ các kiến thức và nắm được sự liên hệ kiến thức giữa các phần để áp dụng vào trong quá trình làm bài.

Minh Châu (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ