Sang xuân, mọi người mới gieo hạt rau đay. Bà nội tôi thích canh rau đay nấu với tôm hoặc cua, năm nào cũng trồng vài luống.
Khác với bà nội, tôi không hứng thú với lá rau đay mà chỉ mong ngóng quả. Quả đay không ăn được, nhưng làm đạn súng phốp thì tuyệt vời. Vòng sông Thương đầy tre, chỉ cần chặt một nhánh nhỏ có dóng dài, rỗng là đủ nguyên liệu làm súng.
Khi quả đay lớn bằng đầu đũa, mùa hè cũng về. Chiều muộn, đám bạn cùng xóm ào sang nhà rủ tôi chơi trận giả, trên tay đứa nào đứa nấy cũng sẵn sàng súng phốp. Những luống đay đang sai quả của bà nội trở thành kho đạn.
Nhét quả đay vào lòng ống tre rồi đẩy mạnh bằng que là vang ra tiếng nổ “phốp”. Nếu khéo ngắm, đạn quả đay sẽ trúng người đối phương, để lại vết nước nhớt nhèo trên quần áo. Biết nhớt đay khó giặt, đứa nào cũng nhớ không mặc đồ màu trắng, đặc biệt là đồng phục học sinh.
Vườn nhà của bà nội khá rộng, nhiều cây ăn quả đã vào hàng cổ thụ và lúc nào cũng sẵn đôi ba cây rơm khô. Chúng tôi tận dụng hết, “trưng dụng” cả bờ giếng lẫn vạt trầu không, khe tường… mà ẩn nấp, thụt súng phốp bắn nhau tơi bời. Thời gian trôi nhanh chẳng khác gì đạn quả đay bay khỏi nòng ống tre. Nhoáng cái, trời đã tối.
Bữa cơm tối chỉ có hai bà cháu, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn. Dư âm của cuộc chơi buổi chiều vẫn đọng lại, khiến tôi hào hứng kể lể, khoe khoang. Bà nội vừa nghe vừa chú ý gắp món ngon vào bát tôi, trông chừng cháu ăn hết chí ít ba lưng cơm.
Hết mùa quả đay, tôi đổi nòng súng phốp lớn hơn và vác xào, đập chùm quả xoan xanh ngắt sai chi chít rụng xuống. Đạn quả xoan nổ to, bay xa và bị bắn trúng thì rất đau.
Trước trận chiến, chúng tôi quy định với nhau khoảng cách được phép nã đạn. Hai cây xoan trước cổng của bà nội chắc ghét tôi lắm, vì năm nào cũng bị cướp mất từ quả non trở đi.
Những hôm chán chơi súng phốp, chúng tôi ào xuống khu đóng gạch, xin đất sét làm pháo. Cả đám cắm đầu cắm cổ nhào đất sét cho thật dẻo, nặn thành hình lòng chảo rồi đặt ngửa trên lòng bàn tay, nâng lên cao.
Trước khi tận lực ném xuống, chúng tôi hét vang “pháo nổ pháo nang cả làng chịu chưa”. Tiếng pháo đất nổ càng to, cả đám càng thích thú. Đôi khi, các chú bác đi ngang không kìm lòng được cũng nhào vào chơi ké vài chầu.
Tàn cuộc chơi, sân nhà bà nội bẩn bê bết đến tận cổng. Chưa một lần, đám bạn phụ tôi dọn dẹp trước khi về và cũng chưa một lần, bà nội mắng tôi nghịch ngợm. Tôi biết, mình được bà nuông chiều. Thương nội, tôi kéo đám bạn ra ngoài vườn chơi, không để đạn quả và đất vương vãi làm bẩn sân.
Tuổi thơ qua rất nhanh, cùng với sự biến mất của súng phốp. Con trai tôi thậm chí không biết đến quả rau đay hay quả xoan. Mỗi lần chơi trận giả trong nhà với đám bạn, thằng bé ôm súng nhựa bắn đạn xốp.
Khi chúng tàn cuộc, đạn xốp vương vãi khắp nơi, ghế sofa xô lệch, gối tựa văng tứ tung… Lắm lúc, tôi nhìn nền nhà ngổn ngang mà muốn cáu. Nhớ bà nội, cơn giận trong tôi xẹp bớt. Nhóc con biết mẹ giận, vừa cười xu nịnh vừa lăng xăng dọn dẹp. Cơn giận trong tôi tan biến.
Tôi muốn sớm đưa con về quê thăm nội. Nếu vẫn còn luống đay, tôi sẽ làm súng phốp, chia sẻ với con chút kỷ niệm và niềm vui thuở còn thơ.