Tấm thiệp về với tuổi thơ

GD&TĐ - Cuốn sách 'Những ngày xưa yêu dấu' của nhà văn Roald Dahl đã tặng cho độc giả tấm thiệp nhỏ xinh để cùng trở về với ký ức thơ bé.

Bức ảnh gia đình nhà văn Roald Dahl - chụp lại từ sách 'Những ngày xưa yêu dấu'. Ảnh: Tấn Quyết
Bức ảnh gia đình nhà văn Roald Dahl - chụp lại từ sách 'Những ngày xưa yêu dấu'. Ảnh: Tấn Quyết

Mỗi trang sách là một câu chuyện thú vị, không chỉ đem đến những niềm vui bởi sự thông minh, dí dỏm mà còn có cả giây phút lắng lại của không ít nỗi buồn bởi bao trò nghịch dại mà ai cũng có thể bắt gặp...

Tấm lòng người cha

Đến năm 2023, cuốn sách “Những ngày xưa yêu dấu” được tác giả Roald Dahl - nhà văn yêu mến của bao thế hệ trẻ - chắp bút, cũng ngấp nghé tuổi 30. Cuốn sách dày 176 trang với 25 chương và được chia thành 4 đề mục lớn: “Starting - point”, “Llandaff Cathedral School”, “St Peter’s” và “Repton and Shell”. Gói gọn trong đó là ký ức tuổi thơ của tác giả, vì vậy mọi câu chữ đều chân thực, hấp dẫn và sinh động.

Mở đầu cuốn sách, tác giả đã dành gần 10 trang để giới thiệu và miêu tả về gia đình của mình. Gia đình nhà văn có rất nhiều thành viên, bên cạnh cha và 2 người mẹ của Roald Dahl thì có tới 6 người con, trong đó người mẹ đầu tiên sớm qua đời khi vừa sinh người con thứ 2 và 4 đứa con của người mẹ kế (Roald Dahl là con thứ 3).

Trong những trang văn viết về gia đình, nhà văn đặc biệt tự hào về người cha của mình. Khi mới 14 tuổi, cha ông chẳng may bị ngã từ mái nhà xuống và gãy tay trái. Nhưng thật đáng tiếc, vị bác sĩ thăm khám đã chẩn đoán nhầm bệnh khiến vết thương trở nên trầm trọng hơn. Cuối cùng, cánh tay ấy không thể hồi phục nên cả cuộc đời ông chỉ có thể sử dụng một tay để làm việc.

Bên cạnh đó, cha của Roald Dahl sống tự lập và có khiếu thẩm mĩ. Ông đã xây dựng sự nghiệp bằng cách cung cấp những mặt hàng cần thiết cho các bến cảng như: Than, dây thừng, thực phẩm, sơn, búa, đinh... Ông cũng rất quan tâm tới việc học của các con nên luôn mong muốn chúng được đến trường ở nước Anh.

“Không có người con nào của tôi học ở đâu ngoài nước Anh. Những trường học tại đó là tốt nhất trên thế giới. Tốt hơn cả Na Uy. Tốt hơn cả xứ Wales”, nhà văn từng được nghe kể về quyết tâm của cha mình.

Tuy nhiên, người cha ấy đã không thể nhìn thấy Roald Dahl được đi học tại trường của Anh vì ông mắc chứng viêm phổi và mất ở tuổi 57. Vì quá buồn trước cái chết của người con gái yêu mắc bệnh viêm ruột thừa, ông đã không còn quan tâm chăm sóc bản thân và không mặn mà với việc chống lại căn bệnh viêm phổi.

Khi ấy, Roald Dahl mới bước sang tuổi thứ 3. “Tôi có thể chắc chắn rằng, bố tôi khi ấy chỉ nghĩ về đứa con gái mà ông một mực yêu quý, và muốn được ở bên chị ấy. Vì vậy bố tôi mất ở tuổi 57”, tác giả hồi tưởng.

Ký ức đến trường

Cuốn sách 'Những ngày xưa yêu dấu' của nhà văn Roald Dahl. Ảnh: Tấn Quyết

Cuốn sách 'Những ngày xưa yêu dấu' của nhà văn Roald Dahl. Ảnh: Tấn Quyết

Roald Dahl (1916 – 1990) là một tiểu thuyết gia, kịch tác gia và phi công chiến đấu người Anh. Ông cũng đặc biệt được độc giả nhí trên thế giới yêu nhớ khi có đến 16 cuốn truyện viết cho trẻ em và được dịch sang 68 thứ tiếng. Có thể kể đến một số tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng của ông như: “Cô bé Maltida”, “Charlie và nhà máy Sô-cô-la”, “James và quả đào khổng lồ”, “Những ngày xưa yêu dấu”, “Danny, nhà vô địch thế giới”, “Bác Fox tuyệt vời”…

Phần còn lại của cuốn sách “Những ngày xưa yêu dấu” được Roald Dahl kể về những ngày ông đến trường và các kì nghỉ cùng gia đình. Theo đó, những tháng năm đi học của tác giả không phải bao giờ cũng vui vẻ vì luôn đối mặt với một người không như mong đợi: Các thầy hiệu trưởng.

Trong cuốn sách, tác giả không dưới 3 lần khẳng định các thầy hiệu trưởng luôn là những “người khổng lồ” trong mắt học sinh. Những hình phạt của trường học ngày ấy thật kinh khủng: Chỉ một lỗi nhẹ như nói chuyện trong giờ ngủ hay không mặc đồng phục gọn gàng là ngay lập tức học sinh đó sẽ được gặp ông thầy hiệu trưởng.

Các cuộc gặp này chẳng vui vẻ gì vì không chỉ là lời quở trách mà còn có cả những cú đánh đau điếng vào bắp chân và học sinh phạm lỗi không được đứng dậy hay xoa bóp. “Nó cảm giác như, tôi hứa với bạn, là như một ai đó đã gí một que cời lửa nóng đỏ vào chân tôi và ấn thật mạnh”, nhà văn nhắc nhớ lại ký ức không muốn nhớ.

Thậm chí, trong ký ức của Roald Dahl còn là tháng ngày học dưới mái trường mà hiệu trưởng, sau này là Tổng Giám mục của Viện Canterbury (Anh), cũng không bao giờ nương tay với học trò phạm lỗi. Hay ông cũng phải học tại một ngôi trường nơi hiệu trưởng cho phép học sinh lớn đánh học sinh nhỏ hơn.

Hồi còn nhỏ, tác giả cũng là một cậu bé rất hiếu động. Ông từng thả một con chuột chết hôi rình vào trong lọ kẹo khiến bà chủ cửa hàng kẹo bị ngất xỉu. Ông cũng từng ngấm ngầm ủng hộ người bạn rắc đường ăn ra sàn nhà để chọc thầy cô. Vì thế không lạ gì khi Roald Dahl thường bị các cán gậy hỏi thăm trong suốt thời gian đi học.

Lần đầu tiên là khi ông còn học tiểu học vì hành động thả chuột chết vào trong lọ kẹo. Lần thứ hai là khi ông học trung học cơ sở vì bị phạt oan với tội nói chuyện và chống đối thầy cô. Và thêm vô số lần khác bị các học sinh lớn tuổi hơn đánh vì các lỗi nhảm nhí như chưa quét dọn khu vực học tập kĩ càng hay nướng bánh mì bị cháy.

Tuy nghịch ngợm là thế song Roald Dahl cũng có tình yêu nghệ thuật như người cha của mình. Từ mỗi trang sách “Những ngày xưa yêu dấu”, độc giả được gặp một cậu bé Roald Dahl có năng khiếu trong các môn thể thao đòi hỏi sự nhanh tay, nhanh mắt như bóng quần.

Ngoài ra, cậu học trò này còn rất giỏi trong việc chụp ảnh. Thời đó, để có thể chụp ảnh không dễ như ngày nay, ấy thế mà những bức ảnh Roald Dahl chụp đều được đánh giá cao, khiến các thầy cô trong trường phải nể phục.

Thậm chí, sau khi ra trường, ông đã giành được giải và huy chương của Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh tại London và nhiều nơi khác nữa. “Tôi có một chiếc Huy chương đồng to, đáng yêu từ Hiệp hội Nhiếp ảnh Ai Cập ở Cairo, và tôi vẫn giữ bức ảnh đã đoạt giải. Đó là bức ảnh về một trong bảy kì quan thế giới - Tàn tích Cung điện Taq Kasra”, Roald Dahl viết.

Không chỉ thế, cũng trong “Những ngày xưa yêu dấu”, tác giả còn ghi lại những kỷ niệm về kì nghỉ rất tươi đẹp và thú vị của gia đình mình bằng sự thương nhớ, nâng niu.

Trong ký ức của Roald Dahl vẫn vẹn nguyên các lần được mẹ cho đi tắm nắng, khi còn nhỏ xíu. Thật kì lạ, nơi tắm nắng không phải là bãi cát mênh mông mà là những hòn đá trơn nhẵn đến mức có thể nằm mà không cần khăn tắm.

Hay khi lớn hơn chút nữa, cậu bé Roald Dahl được tắm trong làn nước trong veo, giữa khung cảnh thiên nhiên yên bình và thưởng thức món cá tươi được đánh bắt trực tiếp từ ngoài biển cùng với rất nhiều món ăn ngon của quê hương Na Uy. Hay lần đầu tiên ông được trải nghiệm ngồi trong xe ô tô, tuy có sự cố xảy ra nhưng cũng rất thú vị.

Nhà văn Roald Dahl thật tài tình khi dẫn dắt độc giả cùng trở về và khám phá quãng tuổi thơ tươi đẹp của chính ông qua những câu văn sinh động, giàu sức cuốn hút của “Những ngày xưa yêu dấu”.

Những kỉ niệm ấy như lời nhắc nhớ để dành cho mỗi người tấm thiệp trở về năm tháng xưa hồn nhiên, trong trẻo mà luôn là kỉ vật đáng để nâng niu, khôn lớn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ