Trung Quốc: Sủi cảo và cá
Tùy theo vùng miền mà món ăn “may mắn” ở Trung Quốc rất khác nhau. Người miền Bắc có thói quen ăn sủi cảo vào đêm giao thừa và sáng mùng Một. Sủi cảo xuất hiện từ hơn 1.800 năm trước với mục đích ban đầu là… chữa bệnh.
Thời Đông Hán có vị lương y dùng mì miếng lớn gói thực phẩm tính nhiệt để cân bằng các dược phẩm mang tính hàn. Đến đời nhà Minh và nhà Thanh, món ăn này mới trở nên phổ biến.
Sủi cảo có hình dạng như nén bạc, ngụ ý tiền bạc vào đầy nhà. Nhân sủi cảo cũng đa dạng, nhân rau trộn thịt đồng âm với “có của”, nhân ngọt tượng trưng cho năm mới ngọt ngào tốt đẹp, nhân đậu phộng có ý nghĩa trường thọ…
Người miền Nam lại có tập tục ăn chè trôi nước, với ước mong gia đình đoàn viên, phúc thọ mỹ mãn. Ngoài ra, bữa cơm cuối năm của người Trung Quốc thường không thể thiếu món cá, do từ “cá” đồng âm với từ “dư”, với ngụ ý “năm nào cũng dư thừa”.
Hàn Quốc: Canh Tteokguk may mắn
Người Hàn gọi ngày tết là Seollal và không có tập tục cả nhà ăn bữa cơm đoàn viên vào ngày cuối năm. Họ tập trung vào sáng mùng Một Tết.
Món ăn cổ truyền của người Hàn là bánh canh bột gạo có tên gọi “tteokguk”, gồm bánh tteok làm từ bột gạo không nhân, nước dùng bò hoặc gà, trứng chiên cắt sợi, rong biển và hành lá. Vùng Trung và Bắc Hàn lại chuộng cách gói bánh gạo có thêm nhân thịt gà, giá, nấm và kim chi.
Người Hàn thời cổ đại rất tôn sùng mặt trời, bánh gạo nhỏ tròn mà trắng tượng trưng cho mặt trời, ngày đầu năm ăn “tteokguk” có ý nghĩa nghênh tiếp ánh sáng mặt trời; từ bỏ cái cũ và đón lấy cái mới, vạn vật hồi sinh, đem lại may mắn.
Người Hàn còn uống rượu bakli sool, ăn cơm ngũ cốc gồm gạo và các loại đậu, trái cây đủ loại nhưng không thể thiếu táo, lê và trái hồng để cầu mong sự sung túc.
Singapore và Malaysia: Gỏi “Yu sheng” phát tài
Món ăn Tết truyền thống rất đặc sắc của Singapore và Malaysia là “Yu Sheng”. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, bốn đầu bếp “đỉnh” ở Singpore (thời bấy giờ được gọi là “tứ đại thiên vương”) cùng hợp tác sáng chế.
Món ăn gồm có cá hồi sashimi cùng với các loại rau củ cắt sợi nhuyễn như cà rốt, củ cải trắng, củ cải đường, ớt chuông đỏ, cải xà lách, gừng chua đỏ, dưa leo và ngò rí, bưởi, bánh phồng tôm, trộn thêm nước xốt mận pha với nước tắc cùng với ngũ vị hương, tiêu, đậu phộng rang, mè rang, dầu mè. Trước khi thưởng thức, mọi người cùng trộn đều và hô to những câu chúc tết tốt lành.
“Yu sheng” đồng âm với từ “dư thăng”, có nghĩa là tiền tài ngày càng gia tăng. Mỗi thành phần của món ăn đều tượng trưng cho sự may mắn và phát tài. Món ăn chua chua, ngọt ngọt hấp dẫn, lại rực rỡ sắc màu: trắng, đỏ, xanh lá cây, vàng, đem lại ấn tượng khó quên cho thực khách.
Mông Cổ: Đậm đà bánh bao nhân thịt cừu
Người Mông Cổ gọi Tết là Tsagaan Sar, có nghĩa là “mặt trăng trắng”. Tết Mông Cổ được tính theo lịch Tạng, nên mỗi năm khi gần Tết thường có nhiều tranh cãi nên chọn ngày nào là thích hợp. Người Mông Cổ ăn Tết không thể thiếu bánh buuz, thịt cừu, thịt bò, bánh ngọt và trà sữa.
Đặc biệt bánh buuz (giống như bánh bao) là món ăn quý dành để đãi khách. Bánh buuz không lớn, thường có nhân bằng thịt cừu và ít rau cải, vỏ bằng bột mì không lên men. Khi ăn phải hút hết dầu rồi mới thưởng thức hương vị thơm ngon của bánh.
Bên cạnh đó, họ còn chuẩn bị loại bánh ngọt đặc sắc, được xếp thành tầng theo số lẻ, nhiều nhất là chín tầng và ít nhất là ba tầng, ở giữa điểm xuyết thêm phô mai hoặc kẹo mứt. Do người Mông Cổ không ăn thịt heo nên mâm cỗ Tết thường có thịt cừu hoặc thịt dê nướng nguyên con, đặt trong khay gỗ lớn, mùi vị vô cùng hấp dẫn.