Môn Lịch sử trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Lịch sử thuộc nhóm môn khoa học xã hội, được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT. Thời lượng dành cho môn Lịch sử ở cấp học này được bố trí từ lớp 10 đến lớp 12, mỗi năm học là 70 tiết. Bên cạnh đó còn có 3 chuyên đề học tập, mỗi năm học là 35 tiết.

Chương trình môn Lịch sử mới sẽ phát triển năng lực của người học
Chương trình môn Lịch sử mới sẽ phát triển năng lực của người học

Điểm khác biệt của Chương trình mới

Theo chia sẻ của nhóm biên soạn chương trình (CT) môn Lịch sử, điểm khác biệt đầu tiên là chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực; không lấy sự trang bị kiến thức mà lấy sự phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh (HS) làm mục đích chủ đạo. Về cấu trúc nội dung, toàn bộ nội dung dạy - học sẽ được tổ chức thành các chủ đề và các chuyên đề học tập. Các chủ đề, chuyên đề này được xác định dựa trên các lĩnh vực của sử học và các mạch nội dung chính của lịch sử Việt Nam, thế giới.

Về định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử ở THPT hướng đến việc giúp người học phát triển năng lực tự tìm hiểu lịch sử suốt đời; có thể ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào cuộc sống, nhất là phát triển các nghề nghiệp dựa trên kiến thức lịch sử, văn hóa.

CT Lịch sử mới cũng khác với CT hiện hành về phương pháp dạy - học, trong đó vai trò dẫn dắt của giáo viên, vai trò chủ động, tích cực của HS được đặc biệt coi trọng và phát huy. Đồng thời, khác về yêu cầu kiểm tra, đánh giá: Phải đánh giá HS ở năng lực, phẩm chất; không đánh giá về mức độ học thuộc, ghi nhớ máy móc.

Giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc

Theo nhóm biên soạn môn Lịch sử có sứ mệnh giúp HS hình thành, phát triển năng lực lịch sử, thành phần của năng lực khoa học đồng thời góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được xác định trong CT tổng thể.

Môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, giúp HS nhận thức sâu sắc và vận dụng được các bài học giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống, phát triển tầm nhìn, củng cố các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, lòng khoan dung, nhân ái; góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Môn Lịch sử hình thành, phát triển cho HS tư duy lịch sử, hệ thống, phản biện, kĩ năng khai thác, sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại. Đồng thời, giúp HS nhận thức được giá trị khoa học, giá trị thực tiễn của sử học trong đời sống xã hội hiện đại, hiểu biết và có tình yêu đối với lịch sử, văn hoá dân tộc và nhân loại; góp phần định hướng HS lựa chọn nghề nghiệp như: Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, ngoại giao, quản lí, hoạt động du lịch, công nghiệp văn hoá, thông tin truyền thông...

CT môn Lịch sử hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp HS tìm hiểu sâu hơn các kiến thức cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại.

Đưa các phương pháp GD mới vào chương trình môn Lịch sử
Đưa các phương pháp GD mới vào chương trình môn Lịch sử 

Các quan điểm xây dựng CT

CT môn Lịch sử quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu, định hướng chung về xây dựng và phát triển CT GDPT nêu tại CT tổng thể, đặc biệt là quan điểm phát triển phẩm chất, năng lực cho HS, đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm sau:

Khoa học, hiện đại: CT môn Lịch sử giúp HS tiếp cận lịch sử trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại của khoa học lịch sử, khoa học giáo dục. Cụ thể: CT quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước coi trọng những nguyên tắc nền tảng của khoa học lịch sử, đảm bảo tôn trọng sự thật, tính đa diện, phong phú; khách quan, toàn diện trong trình bày và diễn giải lịch sử;

hướng tới việc hướng dẫn, khuyến khích HS tự tìm hiểu, khám phá lịch sử theo những nguyên tắc của khoa học lịch sử, thông qua đó giúp HS phát triển tư duy lịch sử và tư duy phản biện; CT góp phần xây dựng khả năng phân tích, đánh giá các nhân vật, sự kiện, quá trình lịch sử một cách khoa học, giúp HS nhận thức được những quy luật, bài học lịch sử và vận dụng vào thực tiễn.

Hệ thống, cơ bản: Trục phát triển chính của CT là hệ thống các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, nhằm nâng cao và mở rộng kiến thức thông sử mà HS đã được học ở cấp THCS. Cụ thể: Các chủ đề và chuyên đề lịch sử của CT mang tính hệ thống, cơ bản, xuất phát từ yêu cầu phát triển năng lực và giáo dục lịch sử đối với từng lớp học;

Các hợp phần kiến thức của CT bảo đảm tính logic (trong mối liên hệ lịch đại và đồng đại, sự tương tác giữa lịch sử Việt Nam với lịch sử khu vực và lịch sử thế giới...); CT bảo đảm cho HS tiếp cận những tri thức lịch sử cơ bản trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, tư tưởng; phát triển cho HS năng lực tự học lịch sử suốt đời và khả năng ứng dụng vào cuộc sống những hiểu biết về lịch sử, văn hoá, xã hội của thế giới, khu vực và Việt Nam.

Thực hành, thực tiễn: CT môn Lịch sử coi trọng nội dung thực hành, kết nối lịch sử với thực tiễn cuộc sống. Cụ thể: CT coi thực hành là một nội dung quan trọng và là công cụ thiết thực, hiệu quả để phát triển năng lực HS; tăng cường thời lượng thực hành; đa dạng hoá các loại hình thực hành thông qua các hình thức tổ chức giáo dục như hoạt động nhóm, cá nhân tự học; học ở trên lớp, bảo tàng, thực địa; học qua dự án, di sản…; bảo đảm phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương.

Thông qua hệ thống chủ đề và chuyên đề học tập, các hình thức tổ chức giáo dục, tạo ra độ mềm dẻo, linh hoạt để có thể điều chỉnh phù hợp với các địa phương và các nhóm đối tượng HS, đồng thời bảo đảm trình độ chung của GDPT trong cả nước, tương thích với trình độ khu vực và thế giới.

Dân tộc, nhân văn: CT môn Lịch sử giúp HS nhận thức đúng về những giá trị truyền thống của dân tộc, hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam và những giá trị phổ quát của công dân toàn cầu. Cụ thể, giúp HS có nhận thức đúng về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, vị thế của quốc gia – dân tộc trong khu vực và trên thế giới trong các thời kì lịch sử, hướng tới xây dựng lòng tự hào dân tộc chân chính, nhận thức được thế mạnh và cả những hạn chế trong di tồn lịch sử của dân tộc;

giúp HS hình thành, phát triển các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, chống các định kiến, kì thị về xã hội, văn hoá, sắc tộc, tôn giáo; hướng tới các giá trị khoan dung, nhân ái, tôn trọng sự khác biệt và bình đẳng giữa các dân tộc, các cộng đồng người, các giới và nhóm xã hội; hướng tới hoà bình, hoà giải, hoà hợp và hợp tác; giúp HS có thái độ đúng đắn, tích cực đối với các vấn đề bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững và đấu tranh vì thế giới hoà bình, xã hội tiến bộ, minh bạch, công bằng, văn minh.

Mở, liên thông: CT môn Lịch sử có tính mở, tính liên thông. Cụ thể: Cấu trúc kiến thức, kĩ năng môn Lịch sử tạo cơ hội cho HS kết nối, liên thông với kiến thức, kĩ năng các môn học khác như Địa lí, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh,… dành quyền chủ động cho địa phương, nhà trường phát triển kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương, dành không gian sáng tạo cho giáo viên nhằm thực hiện chủ trương “một CT, nhiều sách giáo khoa”; chú trọng phối hợp giữa nhà trường với gia đình, xã hội trong giáo dục lịch sử; bảo đảm nguyên tắc tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; kết nối chặt chẽ giữa các cấp học, giữa các lớp học trong từng cấp học và liên thông với CT giáo dục nghề nghiệp, CT giáo dục ĐH.

Bài 2: Những điểm đáng chú ý

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.