Kinh nghiệm từ cơ sở
Chia sẻ về thực tế triển khai Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp tại cơ sở, thầy Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Huế (HUEIC) cho rằng: Vai trò của trường đại học, cao đẳng trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là phải thay đổi tư duy đổi mới sáng tạo ngay từ giảng viên, giáo viên rồi mới đến sinh viên; Đưa chương trình đổi mới sáng tạo và giảng dạy chính khóa; Đào tạo giảng viên giảng dạy đổi mới sáng tạo; Xây dựng hệ sinh thái trong trường học (Xây dựng trung tâm sáng tạo, Maker space, Vườn ươm...); Xây dựng hệ sinh thái giữa nhà trường - chính quyền - doanh nghiệp để hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Với sinh viên, nhà trường triển khai mô hình ASK: Attitude (Thái độ) – Skills (Kỹ năng) – Knowledge (Kiến thức) trong đó Thái độ là hàng đầu, và sinh viên cần phải tự đứng trên đôi chân của mình. Thúc đẩy phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học; tìm kiếm ý tưởng mới, tạo môi trường để sinh viên sáng tạo.
HUEIC triển khai quan điểm hợp tác: Mang doanh nghiệp đến nhà trường – Mang sinh viên đến doanh nghiệp là nền tảng. Về khởi nghiệp trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi; xây dựng mô hình đào tạo theo hướng đổi mới sáng tạo, làm thật việc thật.
Từ mô hình thực tế triển khai tại nhà trường cho thấy: Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học, sinh viên cần có cộng đồng, doanh nghiệp, các nghiên cứu hỗ trợ. Bên cạnh đó, tạo hệ sinh thái cho học sinh sinh viên, tận dụng hệ thống công nghệ thông tin để tạo nền móng cho những ý tưởng khởi nghiệp,...
Đổi mới tư duy
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan cho biết, quá trình thực hiện dự án này cho thấy: Môi trường và chính sách thuận lợi sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trung tâm của hệ sinh thái phải là tinh thần khởi nghiệp, doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước cũng như vươn ra thị trường toàn cầu. Với trọng tâm này, những gì trong khởi nghiệp sáng tạo chính là chính sách.
Về khởi nghiệp cho học sinh sinh viên trong các trường đại học và cao đẳng, bà Thu Hương cho rằng: Khởi nghiệp cần được bắt đầu bằng sự đam mê và ý tưởng ban đầu là sẽ phải làm một thứ gì đó cho bản thân, cho xã hội, còn tiền chỉ là yếu tố đứng hàng thứ hai. Khi theo đuổi đam mê, người ta sẽ tìm được cách có tiền để khởi nghiệp.
Vai trò của cơ sở giáo dục đào tạo là rất quan trọng, bởi đây chính là nguồn cung cấp nhân lực có kỹ năng chất lượng cao cho xã hội, cũng là nơi tạo ra các nguồn ý tưởng tốt nhất, môi trường tốt để phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, mở ra những tiềm năng đổi mới sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng cho xã hội.
Cần có giảng viên đào tạo về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, truyền đạt cho sinh viên tư duy mở, chấp nhận sự khác biệt, dám thử và sai, làm việc chăm chỉ hơn, thông minh hơn và dũng cảm thay đổi. Văn hóa là yếu tố đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, vì vậy: “Không dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình, không dám chấp nhận thất bại, kỳ thị thất bại là những tư duy cần phải được thay đổi” – bà Thu Hương nhấn mạnh.