Mối tình nhà giáo dưới chân đèo Khau Phạ

GD&TĐ - Cùng tốt nghiệp sư phạm, thầy Hoàng Văn Thái và cô Đàm Thị Hoa là cặp vợ chồng hiếm hoi ở Yên Bái cùng được nhận quyết định luân chuyển công tác về thành phố.

Cô Hoa và thầy Thái (thứ 3 và thứ 4 từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng các em học sinh.
Cô Hoa và thầy Thái (thứ 3 và thứ 4 từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng các em học sinh.

Họ đã có hơn 10 năm giảng dạy tại ngôi trường vùng khó - PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt.

Điểm trường Lả Khắt đón “cặp đôi” tình nguyện

Cô Đàm Thị Hoa, người con gái Quảng Ninh nên duyên cùng thầy giáo Hoàng Văn Thái, quê Yên Bái sau khi cùng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (cũ). Cả hai sau đó viết đơn tình nguyện lên huyện Mù Cang Chải - một trong những địa bàn xa xôi, khó khăn bậc nhất của Yên Bái để công tác.

Năm 2010, hai người được phân công giảng dạy tại điểm trường Lả Khắt, thuộc Trường Tiểu học xã Nậm Khắt (nay là Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Khắt).

Nhớ lại thời điểm đặt chân lên điểm trường vùng cao Tây Bắc, cô Hoa tâm sự: “Ngày đầu tiên đến trường vào thời điểm năm học mới, chúng tôi phải vượt quãng đường chừng 8km từ trung tâm đến điểm trường lẻ. Lúc đó đang là mùa mưa, chiếc xe máy ì ạch bò trên con đường sình lầy chỉ vừa một bánh. Giữa đường ngã xe, cặp xách, quần áo dính đầy bùn đất”.

Thầy Thái tiếp lời: “Có đoạn đường cua tay áo, dốc và trơn trượt khiến chúng tôi ngã nhào. Ngay lúc ấy, tôi thoáng nghĩ và bảo vợ: “Em ơi hay mình đi về”, thì vợ đáp: “Mình cứ đi tiếp đến trường xem thế nào”. Vậy là cả hai tiếp tục vượt bùn, đẩy xe đi. Khi cách điểm trường Lả Khắt chừng một cây số thì xuất hiện đường trải nhựa. Chúng tôi reo lên mừng rỡ, cảm giác quên hết mệt mỏi đã qua và có niềm tin hơn với cuộc sống phía trước”.

Lả Khắt khi ấy chưa có điện lưới quốc gia, nằm chênh vênh dưới chân đồi. Mỗi khi chiều về, rừng thông gió rít từng cơn khiến người con mới xa quê càng buồn heo hắt. “Điện không có, đèn hoa kỳ cũng không, tối đến hai vợ chồng dùng nến thắp sáng để sinh hoạt, soạn bài cho các em” – cô Hoa nhớ lại.

Nói về học sinh ngày ấy, cô Hoa cho biết: “Học sinh đều là con em người Mông. Ngày đầu mới giảng bài, các em rất nhút nhát, mỗi giờ ra chơi thường nhìn cô với ánh mắt tò mò và ngại ngùng không dám lại gần. Mỗi dịp kỷ niệm như 8/3, 20/11 hầu hết chẳng em nào biết đến. Một số em lớn hơn thì biết “ngày của cô giáo”, thế là đi hái bông cải ở vườn nhà mang đến tặng cô. Nhìn các em vừa đi, vừa hân hoan mà tôi cũng vui lây”.

Hết năm học đầu tiên thầy Thái mua được máy điện nước (máy tạo ra dòng điện bằng sức nước) từ các kỹ sư xây dựng công trình để lại. Chiếc máy tạo ra sức điện vừa đủ để thắp sáng 1 bóng đèn. Thế nhưng, những khi “mất điện” cả hai vợ chồng bất kể đêm muộn vẫn mò mẫm mang đèn pin men theo con suối để lên đầu nguồn sửa.

Sử dụng máy điện nước chừng 1 năm thì điện lưới quốc gia được kéo về bản Cáng Dông, cách bản Lả Khắt 3km. “Khi ấy, vợ chồng tôi cùng gom tiền lương mua đường dây dẫn điện về bản. Tôi vận động thanh niên ở bản dựng cột gỗ, cố định đường dây, nối công tơ để đồng bào sử dụng. Ngày đó, vợ chồng tôi có chiếc tivi màu, khác với tivi đen trắng của bà con nên trường học luôn là nơi bà con tụ họp đông đủ nhất. Bí thư xã khi ấy còn thốt lên là từ bé đến giờ mới thấy” – thầy Thái phấn khởi nói.

Cô Hoa tươi tắn bên thầy Thái trong trang phục người Mông.
Cô Hoa tươi tắn bên thầy Thái trong trang phục người Mông.

“Rẽ mây, xé núi” về với vợ con

Năm 2011, vợ chồng thầy Thái, cô Hoa đón đứa con đầu lòng. Cứ mỗi chiều thứ 6, sau khi dạy xong, thầy Thái đi xe máy vượt 168 km về huyện Trấn Yên thăm vợ con. “Đường về nhà phải đi qua đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Ngày đó, tôi phải vừa đi, vừa canh “ổ voi”, “ổ gà”, mò mẫm trong màn sương mù dày đặc bao trùm xung quanh. Về đến nhà cũng là lúc nửa đêm” – thầy Thái kể.

Sau thời gian nghỉ sinh, cô Hoa để con ở nhà, gửi ông bà. Còn mình thì trở lại trường để dạy học. Để có thời gian gần con, mỗi cuối tuần cả hai vợ chồng khăn gói “vượt đèo” thăm nhà và chăm sóc con nhỏ. “Đến năm con tròn 4 tuổi, nhớ quá, chúng tôi quyết định đón lên ở cùng bố mẹ và học cùng các bạn” – thầy Thái cho hay.

Thời tiết vùng cao khắc nghiệt, khiến đôi lúc con bị ốm đau. Bệnh viện ở xa, vợ chồng cô Hoa chỉ biết đưa con đi trạm y tế xin thuốc chữa bệnh. “Lúc đó dù được cho thuốc nhưng chúng tôi cũng xác định con khỏi được thì khỏi, mà nếu lâu khỏi cũng không biết làm thế nào. Trộm vía cháu có thể trạng tốt và ít ốm vặt” – cô Hoa tâm sự.

Cô Hoa bộc bạch, có thời điểm hai vợ chồng vừa chăm con ốm đau, vừa dạy học và học nâng chuẩn kiến thức nghiệp vụ. Những lúc quá áp lực họ đã từng có suy nghĩ “hay thôi bỏ”. Nhưng rồi lại động viên nhau “người khác làm được thì mình cũng làm được”. Vậy là cả hai cùng cố gắng, cùng san sẻ những khó khăn thiếu thốn.

Sau khi công tác tại điểm trường Lả Khắt được 2 năm thì thầy Thái, cô Hoa chuyển về Trường Tiểu học Nậm Khắt. Cùng với sự giúp đỡ và san sẻ của đồng nghiệp, họ cùng đi qua hơn 10 năm ở vùng khó. Tình cảm của đồng bào người Mông theo năm tháng càng thêm sâu sắc.

Cô Hoa tâm sự: “Tôi nhớ mãi hình ảnh cụ bà người Mông chừng 70 tuổi sống ở gần điểm trường. Hàng ngày mỗi khi lên lớp, bà cụ đều đứng ngó vào trong ngụ ý muốn gặp cô giáo. Có lần, cụ lấy một củ khoai cất kỹ trong vạt áo đặt vào tay tôi và nói: “Cho cô giáo”. Nhiều lần sau đó, cụ bà đến và vẫn là củ khoai, củ sắn đã nướng chín. Sau này, khi khó khăn, tôi thường nhớ về bà cụ và hình ảnh đó. Đấy là những món quà gần gũi, thân thương”.

Với sự gắn bó và kiên trì trong công tác giảng dạy, hai thầy cô được ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái xét luân chuyển công tác về thành phố. Thầy giáo Vũ Xuân Thái công tác tại Trường TH&THCS Hợp Minh, phường Hợp Minh. Cô giáo Đàm Thị Hoa công tác tại Trường TH&THCS Âu Lâu, xã Âu Lâu.

“Niềm vui như vỡ òa khi tôi nhận được tin luân chuyển nơi công tác. Chương trình nhân văn sẽ khích lệ cho các đồng nghiệp trẻ đam mê nghề giáo có niềm tin, chỉ cần cống hiến hết mình sẽ nhận được thành quả xứng đáng”, thầy Thái cho biết.

Nhận công tác mới, cũng là thời điểm cô Hoa đón cháu thứ hai được một tháng tuổi. “Thật sự với chúng tôi đó là niềm vui được gần bố mẹ, gia đình và có điều kiện tốt hơn cho các con học tập và sinh hoạt. Tuy nhiên, tôi sẽ rất nhớ học sinh vùng cao và tấm lòng của đồng bào. Tôi hi vọng điểm trường nơi tôi từng gắn bó sẽ tiếp tục được đầu tư, để các em có điều kiện học tốt nhất. Sau này sẽ trở thành những công dân có ích đóng góp cho quê hương” – cô Hoa bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ