Từ ngôi trường vùng khó, công tác dạy học gặp rất nhiều khó khăn, đến nay, nhà trường đã trở thành mô hình điểm để các đơn vị trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập.
Tạo môi trường để học sinh tự tin, trưởng thành
Đến trường tiểu học 2 Lục Dạ, nếu không nghe học sinh nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc lúc ra chơi, ít ai nghĩ rằng đây là trường học của 98% học sinh người dân tộc Thái, Đan Lai. Các em mạnh dạn, tự tin và lễ phép, sôi nổi phát biểu ý kiến của mình trong giờ học.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Anh cho biết: Với học sinh dân tộc, đặc biệt bộ phận các em người Đan Lai thuộc vùng xa xôi, hẻo lánh, ít được tiếp cận với bên ngoài, hạn chế giao tiếp về ngôn ngữ, lạ lẫm với môi trường xung quanh…, để được như ngày hôm nay không phải dễ dàng.
Điều đầu tiên phải nói tới sự hỗ trợ hiệu quả của SEQAP. Từ khi tổ chức dạy học cả ngày, trường có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm giúp học sinh phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, mạnh dạn, chủ động, trong giao tiếp, ứng xử.
Trường thực hiện lồng ghép, đưa làn điệu dân ca mang bản sắc văn hóa địa phương vào các hoạt động; đưa một số trò chơi dân gian vào các giờ hoạt động tập thể, thể dục... Nhiều hoạt động ngoại khóa như: Ngày hội trò chơi dân gian, múa sạp, thi ném còn, chơi ô ăn quan, đi cà kheo… tổ chức thi giao lưu “Em yêu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số”, giao lưu Toán tuổi thơ… được tổ chức hàng năm
Sự nâng cao tay nghề của giáo viên cũng tác động trực tiếp đến kết quả học tập, rèn luyện của học trò. Từ khi tham gia SEQAP, giáo viên thường xuyên được tham gia các đợt bồi dưỡng, tập huấn, từ đó có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để triển khai dạy học theo phương pháp đổi mới, giúp học sinh học tập hiệu quả hơn.
Ngoài các đợt tập huấn theo hướng dẫn của SEQAP, nhà trường còn tổ chức các hội thảo chuyên đề về nội dung dạy học cấp trường; giao giáo viên chủ động thực hiện chương trình, nội dung và kế hoạch dạy học cả ngày theo hướng linh hoạt. Cán bộ quản lý nhà trường tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ thăm lớp, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, khối chuyên môn nhằm nâng cao trình độ của giáo viên.
Giáo viên của trường đã tham quan học hỏi áp dụng những điểm hay, phù hợp của mô hình trường tiểu học mới vào thực tế dạy và học như tổ chức lớp học theo nhóm, phát huy tính tự quản, tự học của học sinh…
“Hiện nay, trường đang triển khai thời lượng dạy học 9 buổi/tuần. Chúng tôi tổ chức sắp xếp giờ dạy xen lẫn chương trình học với củng cố kiến thức, tăng thời lượng học tập, rèn luyện các kỹ năng cho học sinh trên một đơn vị kiến thức, tránh quá tải, làm việc dạy học nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, để khuyến khích học sinh học tốt, nhiều giáo viên đã trích lương mua sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh, đăng ký dạy ngoài trời không thù lao để rèn luyện học sinh yếu kém.” – cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Anh chia sẻ.
Tạo nền cho giáo dục toàn diện
Theo cô Kim Anh, trước khi tham gia SEQAP, trường chưa bao giờ tổ chức được bữa ăn trưa cho học sinh vì không đủ cơ sở vật chất, kinh phí. Hai năm trở lại đây, SEQAP đã hỗ trợ học sinh nghèo của trường ăn trưa tại trường.
Cùng với đó, nhà trường cũng huy động thêm nguồn hỗ trợ, đóng góp của phụ huynh để tăng thêm nguồn thực phẩm, thức ăn cho học sinh nghèo, tổ chức bán trú. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo duy trì sĩ số, huy động học sinh đến trường đầy đủ.
Khi thấy các con đi học vui vẻ, được ăn trưa, sinh hoạt có giờ giấc, điều độ, phụ huynh cũng đã thay đổi được nhận thức, và đồng tình, ủng hộ cao với hoạt động của nhà trường. Nhiều học sinh khác không thuộc diện được hỗ trợ, cũng xin được ở lại trường buổi trưa.
Hiện nay, trường vận động phụ huynh mỗi tháng đóng thêm 3kg gạo, 10kg củi để tổ chức ăn trưa tại trường. Với những học sinh không thuộc diện hộ nghèo, phụ huynh đóng góp thêm mỗi tháng 80 nghìn, 3 kg gạo và 10kg củi để tham gia bán trú.
Để cải thiện bữa ăn, học sinh, phụ huynh và cả các thầy cô giáo còn trồng thêm rau sạch ở vườn trường. Tại một số điểm lẻ, không có điều kiện nấu ăn, thầy cô linh hoạt dùng số tiền hỗ trợ mua bữa sáng cho học sinh.
Việc tổ chức bán trú cho học sinh mới được thực hiện 2 năm, nhưng đã tạo cho học sinh thói quen học tập, rèn luyện có kỷ luật, giao tiếp nhiều hơn với bạn bè, thầy cô. Nhiều em nhà xa trường, phụ huynh cũng yên tâm hơn.
“Thực hiện xã hội hóa ở vùng núi đặc biệt khó khăn như Lục Dạ không dễ dàng. Vì vậy, trường đã lựa chọn các hình thức huy động phù hợp để đem đến hiệu quả cao nhất như: Huy động góp bằng ngày công của cha mẹ học sinh, đoàn thanh niên các thôn bản để xây sân thể dục, sân chơi cho học sinh, san lấp mặt bằng, trồng cây xanh, thảm cỏ. Một số phụ huynh có tay nghề thì huy động tham gia sửa chữa một số hạng mục nhỏ ở trường…
Với nguồn hỗ trợ của nhà nước, nguồn quỹ hỗ trợ của SEQAP, sự quan tâm của các cấp chính quyền và nỗ lực từ nhà trường, cơ sở vật chất của trường từng bước được xây dựng khang trang, sạch đẹp… Đây là yếu tố quan trọng để tổ chức dạy học cả ngày cho học sinh thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục ” – cô Kim Anh cho biết.
Những năm gần đây, trường không có hiện tượng học sinh bỏ học giữa chừng, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100%, tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm đạt từ 98% trở lên. Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ năm học 2010 – 2011, liên tục được công nhận là tập thể lao động tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, được UBND tỉnh tặng cờ thi đua, và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen.
“Hiện nay, trường tiểu học 2 Lục Dạ đã trở thành địa chỉ để các trường trong huyện, tỉnh và ngoại tỉnh về tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Từ những hiệu quả do SEQAP mang lại, sau khi Chương trình kết thúc, nhà trường đã có nền tảng để tiếp tục duy trì bền vững các hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học” – cô Kim Anh chia sẻ.