Mỗi học trò khuyết tật một kế hoạch GD cá nhân

GD&TĐ - Học sinh khuyết tật có nhiều dạng với mức độ nặng nhẹ, khả năng tiếp nhận khác nhau.

Học sinh Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong giờ Giáo dục thể chất.
Học sinh Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong giờ Giáo dục thể chất.

Theo TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ GD&ĐT), tùy mức độ nhận thức của trẻ, thầy cô, gia đình, nhà trường thống nhất kế hoạch giáo dục.

Dạy học theo kế hoạch giáo dục cá nhân

- Học sinh khuyết tật có nhiều dạng. Vậy có cần chương trình riêng cho các em hay không, thưa ông?

- Theo quy định hiện hành, học sinh khuyết tật được tạo điều kiện để học tập phù hợp với khả năng và nhu cầu. Do đó, kế hoạch giáo dục cá nhân chính là chương trình học tập cho học sinh khuyết tật. Ví dụ, một học sinh khuyết tật 10 tuổi, nếu không thể đáp ứng chương trình học tập môn Toán đầy đủ như các bạn cùng trang lứa sẽ được dạy các nội dung kiến thức môn Toán theo hướng giảm bớt. Tương tự, những em khiếm thị hoặc khiếm thính cũng có khả năng tiếp thu và nhu cầu học tập khác nhau. Do đó, một chương trình riêng cho tất cả học sinh khuyết tật sẽ khó có thể phù hợp.

Kế hoạch giáo dục cá nhân là xu hướng chung của hầu hết quốc gia trên thế giới khi tổ chức dạy học cho học sinh khuyết tật. Dựa theo chương trình giáo dục mầm non, phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành, căn cứ vào khả năng nhận thức và nhu cầu của học sinh sau khi được đánh giá, giáo viên sẽ phối hợp với cha mẹ xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân để giúp học sinh khuyết tật học tập trong từng giai đoạn của năm học.

- Việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Về cơ bản, giáo viên sẽ xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật trên cơ sở phối hợp với cha mẹ học sinh, thống nhất trong tổ chuyên môn và được hiệu trưởng nhà trường phê duyệt. Theo Thông tư 20/2022 của Bộ GD&ĐT, mỗi lớp học sinh khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục chuyên biệt có không quá 12 em. Thông tư này cũng quy định, đối với học sinh khuyết tật học theo phương thức giáo dục chuyên biệt, ngoài học các nội dung về kiến thức trong kế hoạch giáo dục cá nhân, học sinh khuyết tật được học ít nhất mỗi tuần 5 tiết về các kỹ năng đặc thù.

Điều cần lưu ý là nội dung kiến thức phải phù hợp với khả năng của các em và được thống nhất khi xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân. Học sinh khuyết tật học trong lớp học chuyên biệt, khi hoàn thành chương trình lớp học là hoàn thành chương trình theo kế hoạch giáo dục cá nhân đặt ra cho em đó, chứ không phải theo chương trình giáo dục đối với khối lớp như các bạn không khuyết tật học tập.

- Lâu nay, học sinh khiếm thị học sách chữ nổi. Việc chuyển đổi sang sách chữ nổi được Bộ GD&ĐT chỉ đạo ra sao?

- Sách giáo khoa là cụ thể hóa của chương trình. Do đó, các nội dung học tập trong kế hoạch giáo dục cá nhân của học sinh khuyết tật được thể hiện trong sách giáo khoa chung. Riêng với học sinh khuyết tật nhìn, sách giáo khoa cần được chuyển đổi sang dạng sách chữ nổi.

Những năm qua, Bộ GD&ĐT đã kết nối và hợp tác với Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup để xử lý vấn đề bản mẫu chữ nổi của các sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018. Trên cơ sở hợp tác đó, Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi sách giáo khoa sang các bản sách chữ nổi Braille.

Sau khi chuyển đổi thành các bản sách chữ nổi, về nguyên tắc gia đình phải mua sách giáo khoa chữ nổi cho con em. Tuy nhiên, vì giá thành bản sách chữ nổi cao và máy móc in ấn khó khăn; đa số học sinh khuyết tật nhìn lại thuộc gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn nên rất cần sự quan tâm của địa phương cũng như các nhà hảo tâm.

Các địa phương, cá nhân có nhu cầu về bản sách chữ nổi để nhân bản cần liên hệ với Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù của các địa phương hoặc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam để phối hợp tìm giải pháp nhân bản sách chữ nổi cung cấp cho học sinh khuyết tật nhìn trên địa bàn mình quản lý.

TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.

TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.

Tôn trọng quyền đi học của trẻ

- Trẻ khuyết tật được học theo khả năng, nhu cầu cá nhân. Giáo viên dạy trẻ khuyết tật cũng có chế độ. Tuy nhiên, nhiều gia đình không đưa con đi xác định mức độ khuyết tật nên trẻ gặp khó khăn khi đi học, thầy cô dạy cũng vất vả. Ông nhìn nhận gì về thực trạng này?

- Nếu cha mẹ phát hiện con mình có những khiếm khuyết cần phối hợp với cơ quan chức năng để xác định mức độ khuyết tật. Giấy xác định mức độ khuyết tật do cơ quan quản lý cấp để các em được hưởng các quyền lợi khi tham gia hoạt động giáo dục hay hoạt động khác ngoài xã hội.

Thực tế cho thấy, có không ít gia đình dường như không muốn chấp nhận việc con mình bị khuyết tật nên đã không thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật, từ đó gây ra nhiều khó khăn trong việc phối hợp giảng dạy, giáo dục cho các em. Bởi chỉ học sinh khuyết tật mới được học theo kế hoạch giáo dục cá nhân, phù hợp với năng lực.

Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho học sinh khuyết tật, chúng tôi mong phụ huynh phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan có chuyên môn để kịp thời phát hiện dấu hiệu khuyết tật, can thiệp sớm, xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân và tìm các phương thức giáo dục phù hợp nhất cho trẻ. Chỉ có sự vào cuộc của cha mẹ, nhà trường, các tổ chức liên quan và sự chung tay của cả xã hội mới có thể thực hiện tốt việc bảo đảm quyền được học tập và học tập có chất lượng cho học sinh khuyết tật.

- Hiện, nhiều trung tâm được mở ra để can thiệp cho trẻ khuyết tật. Ông có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh?

- Bất cứ cha mẹ nào đều mong con mình sinh ra được khỏe mạnh, thông minh. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những em khi sinh ra đã thiếu may mắn, có thể chỉ là những khó khăn ban đầu, không nghiêm trọng. Song, do quá lo lắng, nhiều gia đình đã đưa con đi can thiệp ở các trung tâm không phải do ngành Giáo dục cấp phép hoạt động, hoặc trung tâm không có chức năng thực hiện các nhiệm vụ can thiệp hoặc thiếu nhân viên có chuyên môn.

Do vậy, chúng tôi khuyến cáo phụ huynh cần tìm hiểu thật kỹ về trung tâm mà mình định đưa con đến để can thiệp sớm. Đầu tiên, các trung tâm đó phải đảm bảo tính pháp lý, có giấy phép hoạt động, có chức năng can thiệp sớm hay không. Nhân viên làm công tác can thiệp sớm có đầy đủ bằng cấp, chuyên môn? Phụ huynh cũng cần theo dõi xem sau khi can thiệp sớm có thấy chuyển biến, có giúp các em cải thiện được tình hình hay không? Tránh tình trạng các trung tâm không có chức năng, không được cấp phép lợi dụng tâm lý của phụ huynh để làm những việc không tốt, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hãy đảm bảo rèm trong nhà bạn được mở vào ban ngày để tận dụng ánh sáng. (Ảnh: ITN).

Mách bạn mẹo tiết kiệm điện đơn giản

GD&TĐ - Dưới đây là 1 số bước đơn giản bạn có thể thực hiện để tiết kiệm tiền điện. Mặc dù nghe có vẻ dễ dàng nhưng thực tế chúng đòi hỏi rất nhiều kỷ luật.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hành lý tình yêu

GD&TĐ - Một lá thư thông báo nhập học vào Trường Sư phạm Linshui đang lấp lánh, như những ngôi sao nhỏ soi sáng con đường giáo dục tương lai của tôi.

Anh xích lô tên Tiến ở phố cổ Hà Nội giúp tác giả Nguyễn Vân Hậu (ngồi trên xich lô) tìm lại ký ức năm xưa. Ảnh: NVCC.

Thức dậy tình yêu Hà Nội

GD&TĐ - 'Hà Nội & Tôi' là cuộc thi do Tạp chí Người Hà Nội tổ chức, mừng 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).