Đây là mức giảm đầu tiên sau 60 năm tại quốc gia này.
Sự sụt giảm dân số đã đánh dấu một bước ngoặt đối với Trung Quốc. Liên Hợp Quốc dự đoán, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất trong năm nay. Trong khi đó, dân số Trung Quốc dự kiến giảm xuống còn 1,313 tỷ vào năm 2050.
Theo các chuyên gia, chính sách một con của Trung Quốc, được thực thi từ năm 1980 - 2016, đã khiến phụ nữ sinh đẻ ít hơn. Bên cạnh đó, mức độ sẵn sàng có con của họ đã giảm dần và liên tục.
Theo Ngân hàng Thế giới, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc (TFR, được đo bằng số ca sinh trên một phụ nữ), đã giảm từ 2,7 trong năm 1980 xuống còn 1,3 vào năm 2020.
Trong khi các quốc gia đạt được sự phát triển kinh tế bền vững và mạnh mẽ thường có tỷ lệ sinh giảm, TFR của Trung Quốc là một trong những mức thấp nhất trên thế giới.
Do đó, sự sụt giảm dân số của Trung Quốc không phải là điều bất ngờ. Quan trọng hơn, xu hướng giảm sẽ không chỉ tiếp tục, mà còn có khả năng tăng tốc trong thập kỷ tới. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh nở sẽ vẫn còn thấp trong ít nhất một thập kỷ nữa. Trong khi đó, chi phí nuôi con sẽ tiếp tục tăng.
Mặt khác, những chính sách của chính phủ nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh thêm con khó có thể đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm của đất nước. Việc chính phủ nới lỏng chính sách một con vào năm 2016 được coi là quá muộn để thay đổi xu hướng dân số của Trung Quốc.
Bên cạnh quy mô dân số sắp giảm trong dài hạn của Trung Quốc, tốc độ già hóa nhanh cũng là mối lo ngại đối với nền kinh tế. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc, từ 16 đến 64 tuổi, bắt đầu giảm vào giữa những năm 2010.
Con số này giảm từ 988 triệu vào năm 2016 xuống còn 946 triệu vào năm 2022. Tỷ lệ của phân khúc này trong tổng dân số đã giảm từ mức cao nhất là 73% vào năm 2011 xuống còn 67% trên tổng dân số trong năm 2022. Trong khi đó, số người từ 65 tuổi trở lên đạt 210 triệu vào năm 2022, tăng 40% so với năm 2016.
Cơ cấu dân số của Trung Quốc đang thay đổi mạnh mẽ. Dân số trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm có nghĩa là Trung Quốc không còn có thể dựa vào các lĩnh vực thâm dụng lao động và xuất khẩu liên quan để tăng trưởng.
Hơn nữa, dân số già cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và một hệ thống hưu trí mạnh mẽ hơn. Điều này có nghĩa là chính phủ sẽ có ít nguồn lực tài chính hơn để chi cho các lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng.
Dân số ngày càng già đi và thu hẹp của Trung Quốc là lời nhắc nhở rằng cách tiếp cận của đất nước đối với sự phát triển cần một sự đổi mới đáng kể. Với tình trạng suy giảm dân số và lão hóa tiếp diễn, Trung Quốc có thể thích nghi tốt hơn thông qua các chính sách hợp lý của chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn những điều không chắc chắn vì thiếu các biện pháp cụ thể.