Cần nguồn kinh phí riêng, hỗ trợ có mục tiêu thực hiện Chương trình GDPT 2018

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cần nguồn kinh phí riêng, hỗ trợ có mục tiêu thực hiện Chương trình mới; nhất là thời điểm nhu cầu bảo đảm cho chương trình cấp bách như hiện tại.

Học sinh Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) trong giờ thí nghiệm.
Học sinh Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) trong giờ thí nghiệm.

Khắc phục thiếu trường lớp khu đô thị, khu công nghiệp

Trước ý kiến về "số lượng trường, lớp thiếu nhiều; đặc biệt ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các địa phương có số lượng di dân tự do lớn", báo cáo giải trình của Chính phủ về một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 gửi Đoàn Giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết:

Qua khảo sát, đánh giá, nguyên nhân chính do các cơ sở giáo dục được quy hoạch, xây dựng từ lâu đáp ứng với quy mô của các thời kỳ trước đây. Quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhất là các thành phố lớn, các địa phương tốc độ phát triển rất nhanh khu nhà ở cao tầng trong nội đô, khu đô thị mới đông dân cư, khu công nghiệp thu hút nhiều nguồn nhân lực; tuy nhiên địa phương chưa chú trọng nâng cấp đồng bộ hạ tầng xã hội nói chung, cơ sở giáo dục nói riêng.

Điều này dẫn đến, khi quy hoạch hạ tầng xã hội thiếu quỹ đất xây dựng trường học đáp ứng yêu cầu về tăng quy mô dân số.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các địa phương tiếp tục thực hiện, trong đó tập trung các vấn đề:

Thứ nhất: Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; trong đó thực hiện tổ chức rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục bảo đảm quy mô phù hợp.

Thứ hai: Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học và bảo đảm hiệu quả đầu tư lâu dài.

Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả…

Bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo các quy định của Nhà nước.

Thứ ba: Đối với cơ sở giáo dục tại khu nội thành ở các thành phố lớn đông dân cư, nếu thiếu phòng học nhưng lại quá khó khăn trong bố trí quỹ đất để xây thêm phòng học, tùy từng trường hợp cụ thể lập phương án nâng tầng công trình hiện có bảo đảm đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành.

Sau khi thực hiện nâng tầng, các công trình phải bố trí phòng học, phòng phục vụ trực tiếp học sinh ở các tầng thấp theo quy định. Các khu hiệu bộ, khu hành chính, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên được bố trí tại tầng cao.

Cô trò Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) trong giờ dạy học.

Cô trò Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) trong giờ dạy học.

Không còn chương trình mục tiêu riêng hỗ trợ kiên cố hóa trường học

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết: Việc thực hiện kiên cố hóa trường lớp đã được thực hiện qua các giai đoạn 2008-2012, giai đoạn 2014-2015 và giai đoạn 2017-2020 từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương kiên cố hóa trường, lớp học; thay thế các phòng học tạm thời, phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại, phòng học nhờ, mượn, thuê.

Theo quy định, hiện nay không còn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các chương trình mục tiêu riêng để hỗ trợ các địa phương thực hiện kiên cố hóa trường học.

Việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp cũng như đầu tư bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho Chương trình GDPT 2018 được thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, các Chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều mục tiêu, thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nên nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục còn hạn chế.

Một số địa phương, do điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên chưa dành các nguồn ngân sách địa phương địa phương thỏa đáng để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học. Các nguồn lực đầu tư chủ yếu trông chờ từ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương.

Việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong giai đoạn vừa qua, nguồn lực chủ yếu dựa vào ngân sách địa phương và lồng ghép thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương chưa quan tâm thỏa đáng để dành kinh phí cho tăng cường cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát thực trạng, xác định nhu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Trên cơ sở đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm có quy định nguồn kinh phí riêng, hỗ trợ có mục tiêu cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn cả nước; đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, khi nhu cầu bảo đảm cho chương trình đang rất cần thiết và cấp bách. Việc quy định bố trí nguồn kinh phí riêng kịp thời giúp địa phương có khả năng hoàn thành mục tiêu của chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ