Đây là đánh giá trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH 13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Báo cáo được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày chiều 27/7, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng đoàn Giám sát - chủ trì buổi làm việc.
Cùng dự, về phía đoàn giám sát có ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát; bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng đoàn giám sát và các thành viên đoàn giám sát.
Về phía Chính phủ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng và các Thứ trưởng đại diện các Bộ: Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phó tổng Kiểm toán nhà nước.
Ông Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc buổi làm việc. |
Giám sát với tinh thần “xây” là căn bản, lâu dài, “chống” thì quyết liệt, triệt để
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, ông Trần Thanh Mẫn cho biết: Quốc hội khóa 15 đã quyết định chọn nội dung giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, nhằm đánh giá về công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2014 - 2022; làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân; xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Từ đó kiến nghị, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tính đến ngày 31/3/2023, Đoàn giám sát đã nhận được báo cáo của Chính phủ, 6/6 Bộ và 63/63 UBND các tỉnh, thành phố; báo cáo kết quả giám sát tại địa phương của 63/63 Đoàn đại biểu Quốc hội và 48/63 Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Đoàn cũng nhận được kết quả khảo sát, điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương; Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Ban Dân nguyện; Báo cáo của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ về các kết quả kiểm toán, kết luận thanh tra liên quan đến nội dung chuyên đề giám sát.
Đoàn đồng thời giám sát trực tiếp tại 8 địa phương; tổ chức làm việc với 6 Bộ để làm rõ những nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát.
Sau các cuộc làm việc, Đoàn giám sát đều có ban hành Thông báo kết luận gửi các Bộ, yêu cầu bổ sung, hoàn thiện Báo cáo chính thức gửi lại Đoàn giám sát.
Do tầm quan trọng, ý nghĩa và sự quan tâm nhiều của dư luận xã hội đối với chuyên đề giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc họp cho ý kiến trước vào báo cáo và dự thảo nghị quyết; Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp họp và cho ý kiến 2 lần.
Đoàn giám sát đã quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về công tác giám sát với tinh thần “xây” là căn bản, lâu dài, “chống” thì quyết liệt, triệt để; xác định “đúng và trúng” nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát; đánh giá công bằng, khách quan; chỉ rõ trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân; kiến nghị, đề nghị sửa đổi chính sách pháp luật; đồng thời phải phát huy được những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng, thúc đẩy việc tổ chức thực hiện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đặt ra.
Tại cuộc làm việc, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị tập trung đánh giá việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện và chỉ đạo tổ chức triển khai; làm rõ tính đồng bộ, kịp thời và hiệu quả cũng như khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn chỉ đạo, triển khai; đánh giá các đề án của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 liên quan đến đổi mới giáo dục phổ thông. Cùng với đó là đánh giá các nội dung liên quan đến Chương trình giáo dục phổ thông 2018; vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục; về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; về chuẩn bị các điều kiện bảo đảm và kinh phí thực hiện.
Những nội dung báo cáo, trao đổi, thảo luận là căn cứ quan trọng để Đoàn giám sát đánh giá, hoàn thiện Báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức giám sát chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2023 tới đây.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH 13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. |
Những kết quả bước đầu
Về kết quả bước đầu, báo cáo của Chính phủ đánh giá, hệ thống văn bản được ban hành đã tương đối bao quát toàn bộ các mặt, lĩnh vực để bảo đảm yêu cầu đổi mới. Công tác chỉ đạo của Chính phủ đối với Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành, địa phương cơ bản bao quát toàn diện các nội dung theo yêu cầu đổi mới; bảo đảm sự sâu sát và kịp thời trong chỉ đạo triển khai và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành phù hợp với định hướng và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 của Quốc hội đã đạt được thành công bước đầu, bảo đảm đủ sách giáo khoa triển khai chương trình mới theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết 51.
Việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tại các địa phương đáp ứng được phần quan trọng của yêu cầu khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thực hiện như sau: Quán triệt, triển khai các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Biên soạn chương trình, sách giáo khoa; Phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương; Chuẩn bị thiết bị dạy học; Chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Hướng dẫn thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới. Đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng, miền (không có bất kì cơ sở giáo dục nào chưa được triển khai thực hiện). Tuy việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới còn có sự khác nhau giữa các địa phương, cơ sở giáo dục, nhưng về cơ bản đã đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đổi mới.
Cùng với kết quả, báo cáo cũng làm rõ các tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này. Trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng được chỉ rõ trong báo cáo.
Việc triển khai Nghị quyết 88 ban đầu gặp khó khăn do việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam; việc xây dựng chương trình đồng bộ ở tất cả các môn học, ở tất cả các lớp học mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến ban đầu nên Quốc hội đã cho phép điều chỉnh lộ trình triển khai.
Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực chuẩn bị các điều kiện của Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành, địa phương, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 đã bảo đảm tiến độ, lộ trình thực hiện theo đúng quy định của Quốc hội.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. |
Bài học kinh nghiệm trong triển khai
Báo cáo của Chính phủ chỉ ra 6 bài học bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Thứ nhất: Công tác quán triệt, tuyên truyền về mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới của Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần phải làm mạnh mẽ, triệt để và sâu rộng hơn để mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng, tin tưởng vào mục tiêu đổi mới.
Thứ hai: Công tác xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần phải được chuẩn bị kĩ lưỡng hơn để bảo đảm tiến độ và chất lượng thực hiện.
Thứ ba: Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần phải được thực hiện đầy đủ, đồng bộ và sớm hơn nữa; tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa và các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn.
Thứ tư: Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải được thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đến từng nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và có sự hỗ trợ, đồng hành của phụ huynh. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trung ương, địa phương cần nhịp nhàng, thường xuyên hơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; đáp ứng yêu cầu đổi mới về chất lượng và lộ trình quy định.
Thứ năm: Công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên hơn; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp kịp thời.
Thứ sáu: Công tác truyền thông và tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cần thực hiện sâu, rộng hơn; tạo đồng thuận trong đội ngũ nhà giáo làm động thực thúc đẩy đổi mới; tạo niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội.
Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã tổ chức thực hiện từ năm học học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2, lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Công tác thẩm định sách giáo khoa và chuẩn bị các điều kiện triển khai tiếp đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 từ năm học 2023-2024 đến thời điểm này cơ bản đã sẵn sàng. Sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12 đang được các tổ chức, cá nhân biên soạn, thực nghiệm sẵn sàng đề nghị thẩm định, phê duyệt trong năm 2023 để chuẩn bị triển khai thực hiện từ năm học 2024-2025.
Giải pháp tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mới
Tiếp tục đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các giải pháp được báo cáo của Chính phủ đưa ra.
Theo đó, tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng sách giáo khoa, thí điểm xây dựng sách giáo khoa điện tử; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông về quy mô mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và tài chính dành cho giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức ngành giáo dục nói chung, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng; bảo đảm đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên.
Chỉ đạo các địa phương rà soát, xác định nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 của Đề án "Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông". Nghiên cứu đề xuất các hạng mục, địa bàn ưu tiên đầu tư xây dựng. Bố trí các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn thực hiện đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Xem xét đưa các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ hạn mức kế hoạch vốn. Trong đó, ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học, các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ điều kiện dạy và học để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, bổ sung chính sách đặc thù cho giáo dục về kinh phí chi thường xuyên để bảo đảm điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện các chính sách trong học tập cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiếu số, chế độ, chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vùng sâu, vùng xa; kinh phí hỗ trợ học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập thực hiện chính sách giáo dục đối với học sinh khuyết tật.
Chính phủ đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội để các địa phương thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin về quá trình đổi mới chương trình sách giáo khoa chính xác, khách quan tạo sự đồng thuận của xã hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông triển khai thực hiện Nghị quyết 88. Chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Bộ GD&ĐT tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương nhằm đánh giá tổng thể về triển khai thực hiện và đề xuất ra các giải pháp trong thời gian tới.