Mở phân hiệu trường đại học: Lực đẩy phát triển địa phương

GD&TĐ - Các trường đại học mở phân hiệu tại địa phương không chỉ tạo cơ hội học tập chất lượng cho người học...

Hoạt động tư vấn tuyển sinh tại Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tỉnh Long An. Ảnh: Lê Nam
Hoạt động tư vấn tuyển sinh tại Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tỉnh Long An. Ảnh: Lê Nam

Đây còn là chiến lược chủ động thu hút nhân tài, hình thành nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thu hút nguồn lực

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. Đây cũng là cơ sở đào tạo giữ vai trò dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam ở các ngành phục vụ phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược như: Trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, bán dẫn, robot và tự động hoá…

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Đại học Bách khoa Hà Nội quan tâm chú trọng là đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở 2 tại tỉnh Hưng Yên. Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ nhà trường đầu tư xây dựng, mở rộng không gian phát triển tại huyện Văn Giang, bảo đảm phù hợp các quy hoạch có liên quan.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội (ngày 21/4), Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đã giao cho các cơ quan chức năng của tỉnh chủ động hỗ trợ, hướng dẫn, cho ý kiến và phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án xây dựng cơ sở Đại học Bách khoa Hà Nội tại địa phương. Hưng Yên cam kết hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, xây dựng dự án cơ sở Đại học Bách khoa Hà Nội tại Hưng Yên sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung; trong đó có lĩnh vực công nghiệp như: Kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ thông tin, khoa học trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn…

Cách đây hơn 1 tháng, Đại học Kinh tế Quốc dân về nghiên cứu, khảo sát cơ hội lựa chọn xây dựng phân hiệu 2 tại Khu Đại học Nam Cao tỉnh Hà Nam. GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, đây là cơ hội để thầy - trò có môi trường tốt học tập và nghiên cứu; sinh viên được trải nghiệm từ nghiên cứu, biến kiến thức được học trong trường vào thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp, nhà máy.

Làm việc với đoàn công tác của Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh hướng tới trở thành trung tâm đào tạo đại học của cả nước trong tương lai.

Ngoài Đại học Kinh tế Quốc dân, Khu Đại học Nam Cao đang thu hút nhiều dự án đầu tư cơ sở đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục đại học như: Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Y Dược Bạch Mai…

“Trong quá trình đầu tư, UBND tỉnh Hà Nam sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương chủ động phối hợp với nhà trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Dự án triển khai đúng tiến độ”, ông Trương Quốc Huy khẳng định và cho biết, Khu Đại học Nam Cao được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1748/QĐ-TTg ngày 27/9/2013 nằm trên địa bàn thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý thuộc tỉnh Hà Nam. Toàn khu có diện tích 754ha, quy mô đào tạo 50 nghìn sinh viên, 4 nghìn giảng viên và khoảng 30 nghìn dân cư đô thị.

Từ chủ trương thu hút các cơ sở giáo dục đại học đầu tư xây dựng phân hiệu tại Khu Đại học Nam Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật từ trình độ trung cấp đến đại học.

Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho địa phương cũng như vùng Đồng bằng sông Hồng, trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

mo-phan-hieu-truong-dai-hoc-2.jpg
Phối cảnh một trường đại học trong Khu đại học Nam Cao tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: Ban Quản lý Khu đại học Nam Cao

Đào tạo tại chỗ

Trong mùa tuyển sinh năm 2025, Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tại Bình Phước chính thức đi vào hoạt động, dự kiến tuyển sinh 12 ngành đại học chính quy. Phân hiệu này sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị của Trường Cao đẳng Bình Phước.

Bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hằng năm có khoảng 43% học sinh tốt nghiệp THPT tại tỉnh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Đặc biệt, trong cuộc khảo sát do tỉnh mới thực hiện với 20 nghìn học sinh lớp 12, có đến 55% bày tỏ nguyện vọng được học đại học ngay tại địa phương. Bên cạnh đó, học sinh các tỉnh lân cận cũng có nhu cầu theo học đại học gần nơi cư trú. Do đó, việc mở phân hiệu trường đại học tại địa phương này mang ý nghĩa lớn trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng tại chỗ.

Theo đại diện các địa phương và trường đại học, mở phân hiệu của một trường đại học ngay tại địa phương được xem là lời giải hiệu quả cho bài toán đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là trong bối cảnh nhiều tỉnh hiện nay còn thiếu các cơ sở giáo dục đại học.

Trong hai năm qua, Trường Đại học Sư phạm TPHCM liên tiếp đưa vào hoạt động các phân hiệu tại Long An và Gia Lai. Tại Long An, tính đến cuối năm 2024, tỉnh này còn thiếu hơn 1,1 nghìn giáo viên. Dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên, nhưng kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Ông Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An bày tỏ kỳ vọng Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại địa phương sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng cao, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh xác định, phân hiệu này là một trong những cơ sở đào tạo quan trọng, cùng các trường đại học, cao đẳng khác trong cả nước, góp phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; từng bước hiện thực hóa “Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh”.

Riêng với Phân hiệu tại Gia Lai, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM nhận định, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Gia Lai là địa phương có diện tích tự nhiên lớn thứ hai cả nước, đồng thời là trung tâm của khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Do đó, việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Gia Lai sẽ góp phần mở rộng và duy trì quy mô đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời phục vụ hiệu quả cho nhu cầu bồi dưỡng giáo viên và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương cũng như khu vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy nhìn nhận, Khu Đại học Nam Cao có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam trong đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, thương mại, dịch vụ và đô thị đi đôi với phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các tên lửa R-73, R-27T và R-77 của Houthi.

Tên lửa Houthi khiến Mỹ kinh ngạc

GD&TĐ - Theo War Zone, sự tinh vi và sức mạnh của nhiều loại tên lửa của Houthi đang khiến các tướng lĩnh và chuyên gia Mỹ phải kinh ngạc.

Sinh viên hào hứng, khai thác thông tin với ứng dụng sản phẩm HUNRE AI.

AI trở thành trợ thủ đắc lực

GD&TĐ - Trong thời đại chuyển đổi số, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực giáo dục không còn là điều xa lạ.