Trường đại học chạy đua mở phân hiệu: Giải bài toán đào tạo nhân lực tại chỗ

GD&TĐ - Gần đây, hàng loạt trường đại học lớn mở phân hiệu tại các địa phương thiếu vắng cơ sở giáo dục đại học.

Niềm vui của tân sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại lễ khai giảng hồi tháng 10/2024. Ảnh: NTCC
Niềm vui của tân sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại lễ khai giảng hồi tháng 10/2024. Ảnh: NTCC

Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực cho các vùng khó, xa hoặc chưa phát triển điều kiện về giáo dục, kinh tế - xã hội.

Niềm vui ở ngôi trường mới

Đầu tháng 10/2024, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức lễ khai giảng đặc biệt khi sự kiện không diễn ra ở cơ sở chính TPHCM mà tại Long An. Đây là năm học đầu tiên, nhà trường tổ chức đào tạo tại Phân hiệu Long An với 485 tân sinh viên. Ánh mắt rạng rỡ niềm vui của thầy và trò Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM mang đến một lễ ra mắt đầy ấm cúng, hạnh phúc và tự hào.

Tỉnh Sóc Trăng đã lập hồ sơ, thủ tục đề nghị bộ, ngành chức năng chuyển giao tài sản tại khu A và khu B Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng cho Trường Đại học Cần Thơ với giá trị khoảng 121,5 tỷ đồng, trong đó có khoảng 2 ha đất và một số nhà học, nhà hành chính, công trình phụ trợ khác. Giai đoạn đầu, phân hiệu sẽ tổ chức đào tạo các lớp ngắn và trung hạn ở lĩnh vực mà tỉnh Sóc Trăng đang cần. Đến năm 2025, phân hiệu dự kiến đào tạo trình độ đại học chính quy với 3 ngành: Kế toán, Luật, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM không giấu được vui mừng khi được Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, tỉnh Long An quan tâm đến nhà trường và Phân hiệu tại Long An.

Ông cho biết, việc hoàn thành đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Long An thành Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Long An được tập thể nhà trường dành tâm sức trong hơn 3 năm.

Phân hiệu hình thành nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức tốt, năng lực và sự linh hoạt thích ứng với nền kinh tế hội nhập và biến đổi liên tục.

“Cảm ơn các bạn đã chọn nhà trường để gắn bó, tận hưởng hành trình tuyệt vời trong cuộc đời. Tôi mong các bạn hãy sống cuộc đời sinh viên thật đáng tự hào. Tôi hy vọng, sau khi tốt nghiệp, các bạn sẽ góp sức nhiều hơn cho ngành Giáo dục tỉnh Long An và khu vực”, Hiệu trưởng Huỳnh Văn Sơn nhắn nhủ với 485 tân sinh viên.

Hai tháng trước đó, trường cũng đón niềm vui khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ký Quyết định số 2418/QĐ-BGDĐT thành lập Phân hiệu nhà trường tại Gia Lai trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Phân hiệu được định hướng có trách nhiệm đào tạo nhân lực cho Gia Lai cũng như một số địa phương ở Tây Nguyên và lân cận. Trong đó, nhà trường cam kết đào tạo ưu tiên tối đa cho các ngành Sư phạm để đảm bảo đủ giáo viên cho các tỉnh thành khu vực, nhất là giáo viên các môn còn thiếu cũng như có nhu cầu từ bối cảnh chung. Cùng đó, việc bồi dưỡng giáo viên - cán bộ quản lý giáo dục và nhân lực khác cũng được ưu tiên như một nhiệm vụ tối quan trọng.

Tổng quy mô giai đoạn 2024 - 2026 của Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Gia Lai dự kiến là 650 đến sinh viên cử nhân và khoảng 200 đến 300 sinh viên cao đẳng giáo dục mầm non. Quy mô tuyển sinh sẽ được tính toán để tăng đều 5% đến 10% mỗi năm cho giai đoạn 2027 - 2030 và sau đó dựa trên kết quả dự báo nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực, nhất là nhân lực trong giáo dục và các ngành có liên quan.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, thành lập phân hiệu Gia Lai sẽ góp phần duy trì và mở rộng quy mô đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như nhu cầu bồi dưỡng giáo viên và phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung. “Chiến lược của Trường Đại học Sư phạm TPHCM sẽ phát triển đa cơ sở, đa phân hiệu để xứng đáng với vị trí trọng điểm quốc gia, nhất là đào tạo nhân lực có chất lượng cao”, lãnh đạo nhà trường cho biết.

giai-bai-toan-dao-tao-nhan-luc-tai-cho-1-4461.jpg
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) và UBND tỉnh Bình Phước ký kết hợp tác, trong đó có nội dung thành lập phân hiệu của trường tại tỉnh này. Ảnh: Thái Bảo

Đáp ứng nhu cầu học đại học tại chỗ

Cũng trong tháng 10/2024, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) và UBND tỉnh Bình Phước ký kết hợp tác giai đoạn 2024 - 2027. Một nội dung quan trọng giữa hai bên là trong quý I/2025, phân hiệu nhà trường tại Bình Phước dự kiến đi vào hoạt động. Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, phân hiệu sẽ sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường Cao đẳng Bình Phước và cơ sở vật chất, trang thiết bị mới do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đầu tư xây dựng. Nguồn vốn thực hiện dự kiến 264 tỷ đồng.

Bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, với mục tiêu “hai bên hợp tác cùng thắng”, chỉ trong vòng 6 tháng từ khi bắt đầu kết nối, hai bên đã tổ chức nhiều buổi làm việc, nhanh chóng đẩy nhanh lộ trình để hôm nay tiến hành ký kết hợp tác thành lập phân hiệu.

Bà Minh thông tin, hằng năm Bình Phước có 43% học sinh thi vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Tỉnh đã thực hiện cuộc khảo sát với 20.000 học sinh lớp 12 và 55% trong số này có nguyện vọng học đại học tại Bình Phước. Bên cạnh đó, học sinh các tỉnh lân cận Bình Phước cũng có nhu cầu học đại học gần địa phương mình.

“Nhân dân Bình Phước đang trông đợi Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Được tiếp nhận chất lượng đào tạo của một trường với bề dày 62 năm hình thành và phát triển đang là mong muốn của chính quyền, người dân và học sinh viên địa bàn tỉnh”, bà Minh nói.

Cùng thời điểm trên, tại tỉnh Sóc Trăng, Trường Đại học Cần Thơ - cơ sở giáo dục đại học có quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long - tiếp nhận khu A và khu B của Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng để thành lập phân hiệu ở địa phương này.

Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, khó khăn lớn nhất của tỉnh trong thời gian qua là chưa có cơ sở đào tạo trình độ đại học. Cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao (sau đại học) ở nhiều ngành còn ít, trong khi nhu cầu học đại học và sau đại học của người dân rất lớn.

Do đó, việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng sẽ đáp ứng kỳ vọng của người dân, giải quyết nhu cầu học tập tại chỗ và giảm bớt khó khăn về đi lại. Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư Cảng nước sâu Trần Đề, khu logistics, các khu, cụm công nghiệp…. nên cần nguồn nhân lực chất lượng cao.

giai-bai-toan-dao-tao-nhan-luc-tai-cho-4-4281.jpg
Khu A và Khu B của Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng được Trường Đại học Cần Thơ tiếp nhận, thành lập phân hiệu tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: ĐHCT

Cung cấp nhân lực chất lượng cao

PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhận định, thành lập phân hiệu của trường tại Sóc Trăng không chỉ mở ra cơ hội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhà trường cam kết quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, đầu tư hạ tầng và trang thiết bị để phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và phát triển, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành của tỉnh Sóc Trăng để đề xuất các chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tỉnh, nhằm góp phần nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Sóc Trăng.

Việc có phân hiệu của một trường đại học lớn, uy tín tại địa bàn là lời giải cho bài toán đào tạo nhân lực tại tỉnh Long An. Ông Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho hay, địa phương hiện còn thiếu 1.169 giáo viên.

Tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được dứt điểm theo yêu cầu thực tế của tỉnh. Do đó, sự ra đời của Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại tỉnh mang ý nghĩa rất quan trọng, không những đối với ngành Giáo dục nói chung, nhà trường nói riêng, mà còn với tỉnh Long An.

giai-bai-toan-dao-tao-nhan-luc-tai-cho-3-5095.jpg
Trụ sở phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM trên Quốc lộ 1A, phường Khánh Hậu, TP Tân An, tỉnh Long An. Ảnh: Mạnh Tùng

“Tỉnh Long An xác định Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Long An là một trong những cơ sở đào tạo quan trọng, cùng với các trường đại học, cao đẳng khác trên cả nước sẽ giúp Long An đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chất lượng, từng bước hiện thực hóa chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp”, ông Hòa nói.

Tại buổi lễ ra mắt và khai giảng Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Long An, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục đại học tiếp tục được đổi mới, gắn với tăng cường tự chủ, tạo ra động lực, chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, ngành Giáo dục đối mặt với một số thách thức như chênh lệch chất lượng đào tạo giữa các trường, giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới… Cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo ở nhiều địa phương chưa hợp lý, chất lượng không đồng đều.

Để phân hiệu hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Trường Đại học Sư phạm TPHCM quan tâm đến một số nhiệm vụ. Nhà trường cần củng cố cơ cấu tổ chức và phát triển đội ngũ nhằm đảm bảo chất lượng trong mọi hoạt động.

Cần xác định định hướng phát triển phân hiệu thành một trung tâm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên có quy mô và uy tín tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, nhà trường cần xem xét mở một số ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự trong ngành Giáo dục, phù hợp trong bối cảnh mới, đặc biệt của Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị nhà trường khảo sát, đề xuất đánh giá về tiềm lực phát triển giáo dục quốc tế của tỉnh Long An trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, nhà trường đề xuất các giải pháp và tham vấn liên quan đến phát triển giáo dục quốc tế, nhằm đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh về giáo dục của tỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GD&ĐT được giao xây dựng 2 đề án trình Chính phủ, trong đó có đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên tinh thần, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Bộ GD&ĐT nhận thấy việc xây dựng đề án thành lập phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Long An là một quyết định mang tính bước ngoặt và hoàn toàn phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.